Lan tỏa lối sống xanh
Tận dụng rác thải nhựa để tái chế thành những vật dụng hữu ích trong cuộc sống hay tạo ra không gian xanh mát cho gia đình là cách mà nhiều người áp dụng nhằm truyền đi thông điệp: Hãy chung tay bảo vệ môi trường!
Thời gian gần đây, nhiều người dân TP. Pleiku đã chọn hồ bơi Bang Bang (112/7 Phan Đình Phùng, tổ 2, phường Tây Sơn) để đưa con em mình đến học bơi và rèn luyện sức khỏe. Một phần vì chất lượng dịch vụ khá tốt, phần nữa bởi họ yêu thích không gian xanh và thân thiện với môi trường. Chị Lê Thị Hà Miên (tổ 1, phường Hoa Lư) chia sẻ: “Khi đưa con đến học bơi, tôi khá ấn tượng với không gian ở đây. Từ ngoài cổng bước vào, tôi đã thấy những khóm hoa, cây cảnh tràn đầy sức sống vươn lên từ chiếc chậu được làm bằng lốp xe ô tô cũ được trang trí bắt mắt. Vào sâu bên trong là những chậu cảnh mi ni được tạo nên từ vỏ chai nhựa đã qua sử dụng với đủ hình dáng, màu sắc được bố trí hài hòa. Chiều nào ngồi đợi con học bơi, tôi cũng được ngắm hoa và nghe những bản nhạc không lời êm dịu; cảm giác vô cùng thư giãn”.
Tất cả sản phẩm tái chế này đều do chị Bùi Thị Lụa-chủ hồ bơi-tự làm. Bộ sưu tập của chị hiện có khoảng 200 chậu được dùng để trồng hoa hồng, cẩm tú cầu, cây cảnh, cây ăn quả. Qua đôi bàn tay khéo léo của chị, những chiếc vỏ chai nhựa, thùng nhựa, lon sữa, ống nước cũ, dây thừng, lốp xe ô tô hỏng... đã trở thành vật dụng hữu ích và rất có hồn. “Tôi rất yêu thích trồng cây và thích sự sáng tạo. Trước đây, tình cờ xem 1 video clip hướng dẫn làm các sản phẩm tái chế từ rác thải nhựa, tôi tự nhủ rằng khi có đủ điều kiện sẽ xây dựng 1 khu vườn xanh-sạch-đẹp, thân thiện với môi trường. Vậy nên, khi tiếp quản hồ bơi Bang Bang và xin thôi việc để về lo việc kinh doanh của gia đình, tôi đã bắt tay hiện thực hóa ý tưởng ấy”-chị Lụa tâm sự.
Các garage sửa xe ô tô là địa chỉ đầu tiên chị Lụa tìm đến để mua lốp xe cũ với giá 20 ngàn đồng/chiếc. Sau bao ngày tỉ mẩn thiết kế, tạo hình, sơn vẽ trang trí, chị đã hoàn thành được 11 chậu cảnh tái chế đẹp mắt. Không dừng lại ở đó, chị còn đến cơ sở thu mua phế liệu để mua lại những chiếc can, vỏ chai nhựa, thùng nhựa, ống nước... về làm chậu cảnh mi ni để trồng các loại cây ưa mát như: lưỡi hổ, trầu bà, cỏ lan chi, kim tiền, sen đá, xương rồng, lá treo trang trí khắp bên trong lẫn ngoài khuôn viên hồ bơi. “Nhiều khách thấy đẹp, lạ mắt có ngỏ ý hỏi mua nhưng tôi đều từ chối vì đó là tâm huyết, là tình yêu tôi gửi gắm vào đó. Hơn nữa, mục đích mà tôi hướng đến khi chọn trưng bày sản phẩm tái chế tại hồ bơi chính là để khách đến nhìn thấy, quan tâm và qua đó tuyên truyền, hướng dẫn họ cách tái sử dụng rác thải nhựa, vừa tạo nên không gian xanh mát cho gia đình một cách tiết kiệm nhất, lại chung tay bảo vệ môi trường”-chị Lụa khẳng định.
Tương tự, cô Đặng Thị Mỹ Dung-giáo viên Trường THCS và THPT Kon Hà Nừng (xã Sơn Lang, huyện Kbang) cũng đã tổ chức nhiều giờ học trải nghiệm sáng tạo cho học sinh liên quan đến làm sản phẩm từ vật liệu tái chế. Theo cô Dung, rác thải nhựa đang dần trở thành hiểm họa “ô nhiễm trắng” đe dọa môi trường toàn cầu bởi nó rất khó phân hủy. Hiện nay, việc tái sử dụng chính là cách giải quyết tối ưu được khuyến khích nhằm hạn chế lượng rác thải nhựa thải ra môi trường. Chính vì thế, cô Dung luôn chú trọng lồng ghép nội dung này vào các tiết học trải nghiệm nhằm giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh.
“Chỉ với những chiếc vỏ chai hay can nhựa, bóng đèn pin cùng màu vẽ, tùy vào sự sáng tạo của mình, các em học sinh đã tạo nên những chiếc đèn ngủ, chậu trồng cây xinh xắn và tiện ích. Hoạt động này không chỉ gia tăng hứng thú trong học tập, giúp các em nắm vững hơn kiến thức và phát triển kỹ năng học đi đôi với hành, mà còn góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, hạn chế việc vứt rác bừa bãi, nhất là rác thải nhựa”-cô Dung cho hay.
Sau khi hoàn thành, sản phẩm đẹp mắt và ý nghĩa nhất được các nhóm học sinh lựa chọn để tham gia trưng bày và thuyết trình tại cuộc thi do chính cô Dung tổ chức với tên gọi “Em là nhà sáng tạo tái chế nhằm bảo vệ môi trường”. Em Doãn Hà My (lớp 6A) vui vẻ bày tỏ: “Dưới sự hướng dẫn của cô Dung, em đã tự tay làm được 1 chiếc đèn ngủ bằng vỏ chai nước ngọt. Không dừng lại ở đó, về nhà, em còn tiếp tục tận dụng vỏ chai nhựa, can đựng xà phòng đã hết để làm hộp bút, chậu cảnh mi ni cùng nhiều vật dụng khác phục vụ bản thân và gia đình. Em rất vui vì mình có thể tái chế rác thải để tạo nên những đồ dùng có ích, góp phần làm cho môi trường thêm trong lành, sạch đẹp”.
Có thể nói, hoạt động tái chế rác thải nhựa của mỗi cá nhân tuy là việc làm nhỏ nhưng lại mang ý nghĩa lớn khi đã truyền cảm hứng cho nhiều người để thay đổi tư duy và thói quen hàng ngày. Hy vọng, từ những tín hiệu tích cực ấy, trên địa bàn tỉnh sẽ xuất hiện thêm nhiều mô hình hay, sáng tạo để cùng lan tỏa lối sống xanh, nói không với rác thải nhựa và bảo vệ môi trường.
Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12381/202206/lan-toa-loi-song-xanh-5779014/