Lan tỏa lối sống xanh

Gần đây, nhiều người tỏ ra lo lắng vì tình trạng ô nhiễm không khí. Chỉ có vài tháng mà Hà Nội lọt top những thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới tận mấy lần.

Ngày 29-11-2023, lúc 9h, điểm đo số 556 Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên) hiển thị chỉ số AQI (chỉ số chất lượng không khí) là 215, mức rất xấu. Tiếp đó, ứng dụng AirVisual (Hoa Kỳ) ghi nhận, lúc 8h ngày 3-12-2023, Hà Nội đứng thứ 3 trong top 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Bước sang tháng 1-2024, trời mưa nhiều, bụi giảm, nhưng chỉ số AQI của Hà Nội vẫn thường trên 150 - mức có hại cho sức khỏe.

Thực trạng này khiến Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) mới đây đề nghị sở y tế các tỉnh, thành phố tăng cường khuyến cáo cộng đồng các biện pháp bảo vệ sức khỏe trước ảnh hưởng của ô nhiễm không khí. Nếu chỉ số chất lượng không khí ở mức nguy hại trong thời gian 3 ngày liên tục có thể xem xét cho học sinh nghỉ học.

Nghiên cứu tại Hà Nội chỉ ra 12 nguyên nhân gây ô nhiễm không khí, đứng đầu là khí xả thải từ ô tô, xe máy. Mặc dù giảm thiểu ô nhiễm không khí được coi là ưu tiên hàng đầu, nhưng nhiều năm qua Hà Nội vẫn chưa đạt kết quả đáng kể.

Cũng dễ hiểu, vì trong khi các cơ quan chức năng còn loay hoay tìm giải pháp thì số lượng ô tô, xe máy đăng ký mới vẫn tăng vùn vụt, người đông hơn, rác thải nhiều hơn, công trình xây dựng thi nhau mọc như nấm, sản xuất chăn nuôi ngày càng mở rộng, sông hồ oằn mình hứng nước thải...

Đáng nói là ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của nhiều người vẫn chưa trở thành điểm chung văn hóa cộng đồng. Trên phố không hiếm cảnh xe hút bụi mà như phun thêm bụi, người quét rác, dù là dùng máy thổi hay chổi tre nhưng cứ mỗi lần “ra tay” là bụi bay mù mịt..., đặc biệt là hình ảnh người dân vô tư xả rác ra nơi công cộng vẫn là "chuyện thường ngày".

Ngày 23 tháng Chạp sắp tới, sông hồ chắc sẽ lại đầy túi nilon, tro bụi sau bữa cúng tiễn ông Công ông Táo. Mấy ngày Tết, rồi mùa lễ hội, những dịp mùng một, ngày rằm, các lò hóa vàng mã ở trong gia đình, khu chung cư hay đình, đền, chùa, miếu... chắc chắn lại miệt mài ngày đêm xả khói...

Hành vi gây ô nhiễm thì dễ bắt gặp, vậy mà công tác xử lý lại khó vô cùng. Khó bởi vì rất đắt, lại mất thời gian. Mà dù có xử lý, môi trường đã bị ô nhiễm khó có thể trở lại trong lành như lúc đầu, giống như thân cây bị đóng đinh, dù nhổ đi rồi vết sẹo vẫn còn đó.

Trong khi chờ các biện pháp căn cơ, một trong những giải pháp không mấy tốn kém lại có thể làm được ngay, đó là xây dựng văn hóa sống thân thiện môi trường, hay còn gọi là lối sống xanh. Đó là lối sống đơn giản, chẳng hề khó thực hiện. Chỉ là tắt điện khi ra khỏi phòng, không dùng túi nilon tùy tiện, sử dụng nước tiết kiệm, không hoang phí thực phẩm, chăm chỉ trồng và bảo vệ cây xanh...

Một thống kê cho thấy, để đủ điện thắp sáng 1 bóng đèn 100W trong vòng 1 năm, cần đốt 325kg than đá. Lại có nghiên cứu chỉ ra rằng, vòng đời từ lúc nảy mầm của cây đỗ lớn lên, đến lúc cho hạt và được ủ thành giá cho chúng ta ăn, mỗi cọng (lưu ý là chỉ 1 cọng) tiêu tốn của trái đất tới 6 lít nước. Thế nên tiết kiệm một chút tưởng là nhỏ mà không hề nhỏ. Đó chính là sống xanh - một giải pháp gốc, lấy con người làm trung tâm.

Hà Nội gần đây được nhiều tổ chức, tạp chí quốc tế xếp vào tốp những thành phố, điểm đến du lịch hấp dẫn nhất thế giới. Thành phố cũng đặt mục tiêu xây dựng Thủ đô thành một nơi đáng sống.

Việc Hà Nội có mặt trong top những thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới là điều trái khoáy, là sự cản trở phải vượt qua. Thế nên, Hà Nội phải xây dựng con người thanh lịch, văn minh, có lẽ nên bắt đầu từ xây dựng lối sống xanh, để bất cứ công dân Thủ đô nào cũng biết yêu thương và có trách nhiệm với mảnh đất mình đang sống.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/lan-toa-loi-song-xanh-657030.html