Lan tỏa mạnh mẽ sản phẩm ocop Bạc Liêu
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều gợi mở nhiều giải pháp giúp nâng cao chất lượng, số lượng sản phẩm OCOP của địa phương.
Sản phẩm muối tinh và muối hạt Bạc Liêu đang hoàn thành thủ tục đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) công nhận đạt OCOP 5 sao. Thông tin trên không chỉ mang lại niềm vui cho chủ thể sản phẩm OCOP mà còn là nguồn động viên rất lớn đối với những diêm dân đang "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" để làm nên những hạt muối chất lượng cao cung ứng ra thị trường.
Dựa vào thế mạnh của địa phương
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị. Đây còn được xem là giải pháp và nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Theo UBND tỉnh Bạc Liêu, địa phương đang xây dựng, phát triển các sản phẩm OCOP dựa trên thế mạnh và lợi thế của tỉnh; phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa gắn với phát triển dịch vụ, ngành nghề và lao động ở nông thôn.
Đến nay, Chương trình OCOP đã được nhân rộng tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước với hàng chục ngàn sản phẩm được công nhận đạt OCOP. Hiện, Bạc Liêu có 145 sản phẩm OCOP được công nhận với 31 sản phẩm đạt 4 sao và 114 sản phẩm đạt 3 sao. Hai sản phẩm muối tinh và muối hạt Bạc Liêu đang hoàn thành thủ tục đề nghị Bộ NN-PTNT công nhận sản phẩm OCOP 5 sao.
Bà Nguyễn Thị Xuân Thảo, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Muối Bạc Liêu, cho biết sản phẩm đạt chứng nhận OCOP được đánh giá phân hạng trên nhiều khía cạnh, như: chất lượng, giá trị cộng đồng, giá trị văn hóa, năng lực sản xuất và thương mại của chủ thể… Các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP đã và đang khẳng định được giá trị, chất lượng trên thị trường.
Công ty Cổ phần Muối Bạc Liêu đang sản xuất, chế biến và kinh doanh hai dòng sản phẩm chính là muối thực phẩm (muối hạt, muối tinh, muối i-ốt) và muối gia vị (muối ớt, muối tôm, muối tiêu, muối chay). Trong các sản phẩm trên có 4 sản phẩm đạt OCOP 4 sao và 2 sản phẩm (muối hạt, muối tinh) đang đề nghị trung ương công nhận đạt 5 sao.
"Đây là một bước tiến quan trọng trong phát triển sản phẩm truyền thống của địa phương, đồng thời thể hiện sự trân trọng đối với nghề làm muối. Nghề làm muối đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ người dân và có bề dày lịch sử hàng trăm năm tại địa phương. Muối Bạc Liêu có vị mặn nhưng không đắng, chát nên được người tiêu dùng trong và ngoài nước đánh giá rất cao" - bà Thảo chia sẻ.
Nâng cao số lượng lẫn chất lượng
Thời gian qua, các cấp, ngành chức năng tỉnh Bạc Liêu đã luôn quan tâm hỗ trợ các chủ thể sản phẩm OCOP xây dựng thương hiệu, thiết kế mẫu mã, bao bì... Tuy đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng nhưng việc triển khai chương trình OCOP của Bạc Liêu vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh chưa thể thâm nhập sâu vào thị trường trong khi nhu cầu của người dân và du khách là rất lớn. Người đứng đầu chính quyền tỉnh Bạc Liêu thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên một phần là do chưa làm tốt công tác xúc tiến thương mại và tìm đầu ra cho sản phẩm.
Thanh niên tham gia khởi nghiệp
Theo ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, ngành chức năng phải kêu gọi, vận động thanh niên tham gia các mô hình khởi nghiệp với sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm từ kinh tế nông thôn liên quan đến chương trình OCOP. Hỗ trợ các chủ thể phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn các xã, nhất là những xã ở vùng sâu, để người dân có điều kiện tiếp cận và tham gia chương trình.
Song song đó, cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động quảng bá và xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP thông qua công tác tổ chức hội chợ cấp tỉnh; tham gia các hội chợ cấp vùng, cấp quốc gia và quốc tế… để quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP Bạc Liêu.
"Bên cạnh việc đa dạng hóa hình thức thương mại thì cần phải đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP. Kết nối và quảng bá sản phẩm OCOP trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử… để tạo sự lan tỏa và nâng cao hình ảnh sản phẩm cũng như thương hiệu của OCOP Bạc Liêu trên thị trường" - ông Phạm Văn Thiều nhấn mạnh.
Đại diện Tập đoàn Central Retail cho hay qua quá trình hợp tác với các nhà cung cấp địa phương thì đơn vị nhận thấy nhiều tín hiệu tích cực nhưng cũng tồn tại không ít khó khăn, thách thức cần được giải quyết để nâng cao chất lượng sản phẩm, như: một số cơ sở sản xuất chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện cần thiết để đưa hàng hóa vào hệ thống siêu thị; sự thiếu chủ động trong hợp tác của một số nhà cung cấp và sản xuất.
Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho rằng để nâng cao hơn nữa chất lượng và số lượng sản phẩm OCOP của tỉnh thì các sở, ngành, địa phương và chủ thể phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong thời gian tới.
Theo đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền về chương trình OCOP; thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý chương trình OCOP ở cấp tỉnh, cấp huyện và các chủ thể có sản phẩm; xây dựng website tuyên truyền chương trình và quảng bá các sản phẩm OCOP.
Ngoài tăng cường công tác hỗ trợ các chủ thể sản phẩm OCOP đầu tư trang thiết bị tiên tiến để hoàn thiện quy trình sản xuất và mở rộng quy mô kinh doanh thì phải lưu ý đến việc nghiên cứu, thiết kế logo, bao bì sản phẩm phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của thị trường. Đăng ký sở hữu trí tuệ sản phẩm OCOP cũng như định hướng phát triển thương hiệu sản phẩm OCOP và sử dụng số mã vạch theo quy định.
"Phải xây dựng và hình thành các chuỗi phân phối sản phẩm OCOP riêng biệt, đặc sắc nhằm tạo điểm nhấn để thúc đẩy tiêu dùng cũng như đẩy mạnh hoạt động kết nối cung - cầu. Đồng thời, hỗ trợ chủ thể kinh tế tham gia chương trình OCOP xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất, kinh doanh" - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu gợi ý.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/lan-toa-manh-me-san-pham-ocop-bac-lieu-196250113135023143.htm