Xuất khẩu nông sản: Lưu ý mới từ thị trường
Văn phòng SPS Việt Nam vừa có công văn gửi các đơn vị thông tin về dự thảo một số thay đổi về quy định đối với nông sản hàng hóa xuất khẩu của một số thị trường
Hoa Kỳ quy định chấm dứt sử dụng sản phẩm chứachlorpyrifos
Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam) tổng hợp thông báo dự thảo và thông báo có hiệu lực về các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật (SPS) từ ngày 21/11 - 20/12/2024 của Thành viên Tổ chức thương mại thế giới với số lượng 128 thông báo, trong đó có 98 thông báo dự thảo lấy ý kiến và 30 thông báo có hiệu lực.
Trong đó, có một số thông báo cần lưu ý. Cụ thể, với thị trường Hoa Kỳ, đưa ra thông báo quy định chấm dứt sử dụng các sản phẩm chứa chlorpyrifos; đề xuất bỏ quy định giới hạn dư lượng tối đa (MRL) của chlorpyrifos trong một số sản phẩm; kiến nghị sửa đổi quy định về phụ gia thực phẩm; quy định về dung sai thuốc bảo vệ thực vật Cyazofamid.
Với thị trường EU, đưa ra thông báo quy định (EU) 2019/627 về các biện pháp thực hiện kiểm soát chính thức đối với các sản phẩm có nguồn gốc động vật dùng làm thực phẩm; thay đổi mức dư lượng tối đa đối với chlorpropham, fuberidazole, ipconazole, methoxyfenozide, S-metolachlor và triflusulfuron, dimoxystrobin, ethephon và propamocarb trong hoặc trên một số sản phẩm; đề xuất thay đổi mức MRL đối một số hóa chất nông nghiệp trong thực phẩm.
Thị trường Đài Loan (Trung Quốc), đưa ra dự thảo tiêu chuẩn về giới hạn mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm; dự thảo sửa đổi tiêu chuẩn về thông số kỹ thuật, phạm vi, ứng dụng và mức dư lượng của phụ gia thực phẩm; đề xuất thay đổi mức MRL đối một số hóa chất nông nghiệp trong thực phẩm.
Thị trường Indonesia, đưa ra thông báo thẩm quyền hướng dẫn và kiểm soát cấp Giấy chứng nhận đảm bảo chất lượng và an toàn cho các sản phẩm thủy sản tại Indonesia; dự thảo Quy định của Cơ quan Thực phẩm và dược phẩm Indonesia liên quan đến bao bì thực phẩm; dự thảo Quy định của Cơ quan Lương thực Quốc giaIndonesia về giới hạn dư lượng tối đa thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm.
Thị trường Anh sửa đổi quy định về kiểm soát chính thức
Thị trường Brazil, đưa ra dự thảo danh sách hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật, sản phẩm tẩy rửa gia dụng và chất bảo quản gỗ; dự thảo nghị quyết thiết lập các kĩ thuật công nghệ, giới hạn tối đa và điều kiện sử dụng đối với phụ gia thực phẩm và công nghệ hỗ trợ trong thực phẩm; dự thảo thiết lập các yêu cầu về kiểm dịch thực vật nhập khẩu đối với hoa lan Nam Phi (Freesia spp); dự thảo Nghị quyết về "Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được chọn để phân tích trong y học thảo dược"; (thiết lập các yêu cầu về kiểm dịch thực vật đối với việc nhập khẩu hạt đậu bắp (Abelmoschus esculentus).
Thị trường Australia - New Zealand đưa ra đề xuất sửa đổi Phụ lục 20 của Bộ luật Tiêu chuẩn Thực phẩm Australia - New Zealand; sửa đổi Tiêu chuẩn sức khỏe nhập khẩu đối với lưu giữ sản phẩm thực vật phục vụ tiêu dùng cho con người; mức dư lượng tối đa đối với các hợp chất nông nghiệp; các biện pháp đề xuất để quản lý Xylella fastidiosa trên cây trồng; tiêu chuẩn Y tế nhập khẩu đối với hạt giống để gieo trồng.
Thị trường Hàn Quốc đưa ra thông báo thông số kỹ thuật đề xuất cho Acrylamide trong thực phẩm.
Thị trường Vương Quốc Anh đưa ra thông báo về sửa đổi quy định về kiểm soát chính thức (sức khỏe thực vật, tần suất kiểm tra) năm 2022 và các sửa đổi pháp lý để đảm bảo các biện pháp kiểm soát động vật và sản phẩm động vật tại biên giới hoạt động hiệu quả; sửa đổi Quy định (EU) 2019/2072 về sâu bệnh, vi rút, một số yêu cầu nhập khẩu để bao gồm tất cả các loài cây lá kim; thông báo về việc cấp phép 25 chất phụ gia thức ăn chăn nuôi và 01 loại thức ăn chăn nuôi cho mục đích dinh dưỡng cụ thể; thay đổi mức dư lượng tối đa đối (MRL) với hoạt chất propamocarb, fenazaquin, sulfoxaflor, isoflucypram;
Thị trường Nhật Bản đưa ra thông báo sửa đổi Nghị định về Quy chuẩn thức ăn chăn nuôi và phụ gia thức ăn chăn nuôi.
Văn phòng SPS Việt Nam đề nghị các đơn vị nghiên cứu và thông báo cho các tổ chức, cá nhân có sản phẩm xuất khẩu liên quan đến các mặt hàng và thị trường nêu trên để có điều chỉnh phù hợp.
Năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt mức cao kỷ lục 62,4 tỷ USD, tăng 18,5% so với năm 2023; xuất siêu tiếp tục đạt mức kỷ lục mới 18,6 tỷ USD, tăng 53,1%.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/xuat-khau-nong-san-luu-y-moi-tu-thi-truong-370180.html