Lan tỏa mô hình nông nghiệp xanh ở Hà Nội
Năm 2024, ngành Nông nghiệp Hà Nội tiếp tục hỗ trợ, định hướng cho nông dân tập trung sản xuất nông nghiệp xanh, an toàn và thân thiện với môi trường.
Nhờ đó, không những tạo ra những sản phẩm nông nghiệp an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, cho hiệu quả kinh tế cao, mà còn góp phần giảm ô nhiễm môi trường.
Nhiều mô hình cho giá trị kinh tế cao
Thời gian qua, ngành Nông nghiệp Hà Nội phối hợp với các địa phương đưa ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện mô hình sản xuất theo hướng VietGAP, hữu cơ để bảo đảm nguồn cung an toàn cho người tiêu dùng, góp phần bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương thông tin, năm 2024, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã xây dựng thành công nhiều mô hình khuyến nông, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập cho nông dân. Trung tâm đã hỗ trợ thực hiện 20 mô hình khuyến nông, trong đó trồng trọt 12 mô hình, chăn nuôi 4 mô hình, thủy sản 4 mô hình; 2 dự án khuyến nông. Mô hình được triển khai tại 82 điểm với 1.502 hộ tham gia thực hiện trên 423ha diện tích đất trồng, hơn 44ha diện tích mặt nước, 200 tấn nguyên liệu (trồng nấm) và gần 15.700 vật nuôi.
Các mô hình được chia thành 10 nhóm, tập trung vào những lĩnh vực trọng điểm, như: Phát triển sản xuất rau, hoa, quả theo hướng hữu cơ, VietGAP, ứng dụng công nghệ cao, cấp giấy chứng nhận; phát triển liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; triển khai cơ giới hóa; nuôi thủy sản lồng bè...
Điểm nổi bật trong chương trình hỗ trợ thực hiện mô hình nông nghiệp xanh, an toàn là mô hình sản xuất lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm, quy mô 100ha, trong đó vụ xuân quy mô 50ha thực hiện trên giống lúa TBR225 và HD11, vụ mùa quy mô 50ha bổ sung giống lúa nếp cái hoa vàng. Hiệu quả của mô hình không chỉ giúp nâng cao hiệu quả kinh tế khoảng 10%-20% so với phương pháp thông thường, mà còn tạo ra sản phẩm gạo an toàn, thay đổi nhận thức của nông dân; góp phần xây dựng nền nông nghiệp bền vững; năng suất thu hoạch cao, được doanh nghiệp bao tiêu, giúp nông dân tăng thu nhập và ổn định đầu ra. Trong đó, giống TBR225 năng suất đạt 62-69,7 tạ/ha, giống HD11 đạt 63,9-68,5 tạ/ha, giống nếp cái hoa vàng năng suất lúa thu hoạch làm cốm tươi đạt 50 tạ/ha, năng suất lúa khô đạt 47,2 tạ/ha…
Về chăn nuôi, trung tâm đã hỗ trợ phát triển liên kết sản xuất chăn nuôi gia cầm gắn với tiêu thụ sản phẩm như: Mô hình chăn nuôi gà lông màu thương phẩm theo hướng VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm; phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng nâng cao giá trị và thích ứng biến đổi khí hậu; mô hình chăn nuôi bò sinh sản năm 2023-2024; chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh, giảm tác động xấu đến môi trường…
Về nuôi trồng thủy sản, trung tâm tập trung hỗ trợ nông dân nuôi theo hướng VietGAP… “Các mô hình theo hướng hữu cơ, VietGAP giúp tăng giá trị cho sản phẩm và đóng góp vào sự phát triển toàn diện, bền vững của ngành Nông nghiệp khi không xảy ra dịch bệnh, cho năng suất cao, giúp gia tăng thu nhập cho các hộ sản xuất, góp phần xây dựng nông thôn mới, vùng nông nghiệp sinh thái… được chính quyền các địa phương ủng hộ, nông dân đồng tình hưởng ứng. Các mô hình nông nghiệp như sản xuất khoai tây giống mới và ngô sinh khối chứng minh hiệu quả, giúp nông dân khôi phục sản xuất, thích ứng điều kiện khí hậu khắc nghiệt”, bà Vũ Thị Hương cho biết thêm.
Phát triển nông nghiệp Thủ đô hiệu quả, bền vững
Triển khai thực tế tại địa phương, Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Nguyễn Thị Thanh Tám cho biết, huyện phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai hiệu quả chương trình khuyến nông thông qua xây dựng trình diễn các mô hình, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho nông dân, giúp tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, cho hiệu quả kinh tế cao, hạn chế dịch bệnh, giảm ô nhiễm môi trường, bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm…
Hiện tại, huyện duy trì, phát triển các vùng trồng trọt chuyên canh ổn định, quy mô từ 20ha/vùng trở lên, như sản xuất lúa chất lượng cao tại các xã: Liên Mạc, Tam Đồng, Tự Lập, Thanh Lâm; cây ăn quả ở các xã: Hoàng Kim, Chu Phan...
Để phát triển nền nông nghiệp xanh, thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho biết, sẽ tiếp tục rà soát, tổng hợp kết quả chương trình khuyến nông giai đoạn 2020-2025, nghiên cứu, tham mưu xây dựng dự thảo Chương trình khuyến nông thành phố giai đoạn 2026-2030 phù hợp định hướng phát triển nông nghiệp Thủ đô tiên tiến, hiện đại, hiệu quả, bền vững. Qua đó hướng tới mục tiêu chuyển giao tiến bộ kỹ thuật thông qua các mô hình trình diễn, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế khoảng 10%-20% so với ngoài mô hình; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng sản xuất sản phẩm nông sản thiết yếu, phát triển liên kết chuỗi; từng bước mở rộng các mô hình áp dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp tốt; tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị…
Dự kiến, năm 2025, trung tâm phối hợp với các đơn vị tập huấn cho khoảng 5.000 lượt cộng tác viên khuyến nông, nông dân, người sản xuất được tiếp cận, nắm bắt tiến bộ khoa học, nâng cao trình độ trong quản lý, sản xuất, giúp người dân có thể chủ động sản xuất dựa vào kiến thức của bản thân, tăng tính kết nối; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, kinh doanh.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết, ngoài sản xuất nông nghiệp xanh, để giải quyết vấn đề tiêu thụ nông sản an toàn, ngành Nông nghiệp Hà Nội tiếp tục phối hợp với các địa phương xây dựng vùng chuyên canh quy mô lớn, được chuẩn hóa với quy trình canh tác chặt chẽ, xây dựng mã số vùng trồng, mã số nhà đóng gói, thương hiệu; đẩy mạnh chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp, từ đó truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.
Ngoài ra, Sở NN&PTNT cũng tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, chính quyền địa phương đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đưa nông sản an toàn vào các kênh phân phối hiện đại, mang lại giá trị cao cho nông dân.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/lan-toa-mo-hinh-nong-nghiep-xanh-o-ha-noi-688722.html