Lan tỏa những điều tốt đẹp
Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh góp phần nâng cao nhận thức, lan tỏa đến từng cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân trong tỉnh Long An. Từ đó, xuất hiện nhiều cách làm hay, sáng tạo của các tập thể, cá nhân trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng trong thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Gần dân, sát dân
Nhiều người đến bộ phận “một cửa” cấp xã trong tỉnh đều thấy thấp thoáng những màu áo xanh. Họ là những đoàn viên, thanh niên được tăng cường để hỗ trợ, hướng dẫn giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân. Bộ phận “một cửa” cấp cơ sở hiện nay đều được các địa phương đầu tư xây dựng. Đó là một căn phòng thoáng mát, rộng rãi để người dân đến liên hệ, giải quyết các thủ tục cần thiết. Nơi đây bố trí bàn, ghế, viết, gắn máy quạt, máy lạnh, camera giám sát. Đồng thời, khu vực này cũng công khai, niêm yết các thủ tục hành chính, số điện thoại di động của người đứng đầu chính quyền địa phương để người dân biết. Đây được xem là điểm sáng trong những mô hình về học tập và làm theo gương Bác.
Chúng tôi đến phường 2, thị xã Kiến Tường khi lãnh đạo địa phương đang tiếp dân để giải quyết một số vấn đề liên quan đến tranh chấp đất đai. Theo Đảng ủy phường, không chỉ phân công lãnh đạo tiếp công dân vào những ngày cụ thể trong tuần mà bất cứ khi nào người dân cần, lãnh đạo đều cử cán bộ giải quyết những bức xúc, khiếu nại hoặc giải thích, hướng dẫn những thủ tục cần thiết. Đơn cử như giải quyết tranh chấp lối đi hay vụ việc phát sinh bức xúc trong dịp nghỉ lễ 30-4 vừa qua tại khu phố 6,...Chị Phạm Thị Thu Thảo - công chức bộ phận “một cửa” phường 2, nói: “Bộ phận “một cửa” tiếp xúc hàng ngày với dân nên không tránh khỏi những sai sót. Tuy nhiên, nhớ lời dạy của Bác đối với cán bộ, công chức “không có phận sự nào khác ngoài phận sự phục vụ nhân dân”, chúng tôi luôn tận tình hướng dẫn; giải quyết kịp thời, nhanh chóng và không để trễ hẹn những hồ sơ, thủ tục của người dân”.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Bình - người dân khu phố 2, bộc bạch: “Chính quyền ở đây rất gần dân. Những vướng mắc, khiếu nại của dân được lãnh đạo giải quyết, giải thích và hướng dẫn tận tình. Các công trình do Nhà nước và nhân dân cùng làm đều công khai phương án, lấy ý kiến của dân nên chúng tôi luôn đồng tình, ủng hộ”.
Lo cho dân
60 tuổi đời, gần 40 năm tuổi Đảng, bà Trần Thị Kim Nhẫn có hơn 10 năm làm Bí thư Chi bộ ấp 1, xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức. Bà đồng thời là Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp. Gắn bó với cơ sở từ những ngày còn khó khăn, bà để lại nhiều ấn tượng đẹp với người dân, nhất là việc vận động xây dựng trụ sở nhà văn hóa ấp, chăm lo gia đình chính sách, người nghèo, lắp đặt cống thoát nước, các công trình công cộng,...
Điều đáng quý, dù khó khăn, vất vả, bà và các đảng viên trong chi bộ vẫn vui vẻ, nhiệt tình, tình nguyện thực hiện những công việc mang lại lợi ích cho người dân.
Bà coi đó là trách nhiệm của người đảng viên với nhân dân. Mỗi năm, nhờ sự vận động của bà và tập thể, nguồn đóng góp cho công tác an sinh xã hội lên đến hàng trăm triệu đồng. “Chúng tôi đi lên từ những ngày gian khó. Từ lúc ấp chưa có trụ sở, cuộc sống người dân còn khó khăn. Đến nay, nhìn thấy sự phát triển của quê hương, người dân trân quý, tin tưởng những điều mình làm được nên đồng tình, hưởng ứng” - bà chia sẻ.
Cuộc sống của người dân ấp 1 thay đổi từng ngày. Hộ nghèo giảm dần qua hàng năm, đường làng, ngõ xóm sạch đẹp. Những kết quả đó có sự đoàn kết, chung tay, góp sức của cấp ủy, các đoàn thể cùng người dân, trong đó có sự đóng góp công sức, trí tuệ của Bí thư Chi bộ đồng thời là Trưởng ban Công tác Mặt trận. Với tinh thần vì dân, lo cho dân, bà là một trong những cá nhân được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh qua 3 năm học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Nhiều mô hình thiết thực
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh cho biết, thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể trong tỉnh tập trung lãnh đạo, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị 05 gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị. Qua đó, đưa nội dung này trở thành hoạt động thường xuyên, thiết thực của mỗi tổ chức, cá nhân trong công tác và sinh hoạt; góp phần ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Các địa phương đã chú trọng lựa chọn nội dung đột phá để tập trung thực hiện, tạo chuyển biến tích cực trong thực hiện nhiệm vụ chính trị; giải quyết kịp thời những vấn đề nổi cộm, bức xúc, những tồn tại, hạn chế, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân. Có nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến với các mô hình hay, cách làm sáng tạo, việc làm cụ thể, thiết thực, hiệu quả, đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác lan tỏa sâu, rộng trong đời sống xã hội.
Riêng chuyên đề năm 2019 về “Xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân” được các địa phương, cơ quan, đơn vị trong tỉnh triển khai gắn với Nghị quyết Trung ương 4 và “Năm Dân vận chính quyền”. Nhiều cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị chú trọng lựa chọn nội dung đột phá để tạo chuyển biến rõ nét. Đó là huyện Thủ Thừa quan tâm lãnh đạo, giải quyết căn bản các vấn đề nổi cộm, bức xúc trên lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội. Huyện Châu Thành với phương châm “Gần dân, sát dân, lắng nghe, đối thoại với nhân dân”. Huyện Tân Trụ với “Xây dựng đường đô thị mỹ quan, an toàn”. Bến Lức tăng cường công tác nắm tình hình, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống với phương châm “4 tại chỗ”. Công an tỉnh đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân. Đảng ủy khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh xây dựng, thực hiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Xã Tuyên Thạnh, thị xã Kiến Tường định kỳ “Nghe dân nói” và “Nâng cao chất lượng họp dân”,… Nhiều đơn vị tăng cường trao đổi, đối thoại nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Ngoài ra, các đơn vị, địa phương triển khai các cuộc vận động, phong trào thi đua thiết thực: Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau; Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ; Làm việc theo chức trách, nêu gương theo hành động;… Các phong trào: Dân vận khéo; Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh,... và nhiều mô hình thiết thực khác góp phần lan tỏa những điều tốt đẹp trong cuộc sống./.
Nguồn Long An: http://baolongan.vn/lan-toa-nhung-dieu-tot-dep-a90286.html