Lan tỏa những tấm gương học tập Bác Hồ
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII, triển khai Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW 'Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh' do Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức ngày 12/6, nhiều cá nhân đã chia sẻ những câu chuyện chân thực, xúc động trong việc cụ thể hóa học tập, làm theo Bác, nhân lên những hình ảnh, tấm gương đẹp trong xã hội.
Học Bác “thương người như thể thương thân”
Bà Nguyễn Thị Oanh, hội viên Chi hội Nông dân xóm Cống Thượng, xã Hồng Tiến, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên, sinh ra trong gia đình nông thôn, đông anh em, hoàn cảnh khó khăn. Nhờ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, bà con lối xóm, cuộc sống gia đình dần được ổn định và phát triển đi lên. Khi có cuộc sống tốt hơn, bà luôn suy nghĩ về những hoàn cảnh éo le, bất hạnh ở xung quanh và tìm cách giúp đỡ họ. Nhiều năm qua, gia đình bà Oanh tự nguyện giúp đỡ hai hội viên nông dân trong xóm gặp hoàn cảnh khó khăn sau khi ly hôn. Gia đình bà đã chia cho mỗi chị hơn 300m² đất của gia đình để làm nhà ở, ổn định cuộc sống.
Thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Việc gì có lợi cho người dân dù nhỏ cũng cố gắng làm”, “Làm sao để đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”, “Thương người như thể thương thân”…, gia đình và bản thân bà Oanh tôi luôn đi đầu trong các phong trào vận động xây dựng, phát triển địa phương bằng những việc làm cụ thể. Gia đình bà đã hiến hơn 1.000m² đất để mở rộng, xây dựng đường giao thông theo tiêu chí nông thôn mới.
Trong 5 năm qua, bà Oanh tham gia cùng các ban, ngành, đoàn thể cơ sở tuyên truyền, vận động các hộ gia đình, các doanh nghiệp, các cơ quan đơn vị đóng quân trên địa bàn xã quyên góp được trên 400 triệu đồng; 3 con bò nái sinh sản, xây dựng 6 ngôi nhà nhân đạo, hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh khó khăn… Hằng năm, vận động quyên góp bình quân được 2 tấn gạo, gần 200 chiếc áo ấm mùa đông, nhiều nhu yếu phẩm khác trao tận tay cho trẻ em mồ côi, người già đơn thân, các hộ gia đình gặp khó khăn, hoạn nạn.
Từ năm 2014, khi biết Hội Chữ thập đỏ thị xã Phổ Yên tổ chức Chương trình “Bếp ăn tình thương” tại Bệnh viện Đa khoa Phổ Yên (nay là Trung tâm y tế thị xã Phổ Yên), bà Oanh đã xin được là tình nguyện viên nấu cháo từ thiện 2 buổi/tuần, hỗ trợ, giúp đỡ bữa ăn cho gần 8.000 lượt bệnh nhân nghèo, bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, cô đơn, không nơi nương tựa, bệnh nhân vùng sâu, vùng xa. Để góp phần đẩy mạnh phong trào nhân đạo từ thiện ngày càng phát triển, bà đã phối hợp với các nhóm tình nguyện viên của các xã, phường lân cận như phường Bãi Bông, phường Ba Hàng, phường Đồng Tiến… vận động thêm các tình nguyện viên, mở rộng mô hình hoạt động nhân đạo trên địa bàn hướng tới những nơi có nhiều đối tượng gặp hoàn cảnh khó khăn, éo le, khốn khó…
Nhân lên tình yêu thương con người
Hội nghị xúc động khi nghe câu chuyện về tình yêu thương con người và sự hiếu học của sinh viên Ngô Văn Hiếu, Trường Đại học Y dược Thái Bình.
Được sinh ra ở miền quê Thanh Hóa, vùng đất giàu truyền thống lịch sử, yêu nước và cách mạng, từ nhỏ, Hiếu được gia đình, nhà trường dạy “thương người như thể thương thân” là truyền thống, nghĩa cử cao đẹp của dân tộc Việt Nam. Đối với cá nhân Hiếu, đó là tình cảm quý mến giữa anh em trong gia đình, giữa mọi người trong xã hội với nhau. Từ bé, Hiếu có một người bạn thân là Nguyễn Tất Minh - người hàng xóm bị liệt hai chân và cánh tay phải từ khi mới lọt lòng, người bạn có nghị lực phi thường. Hiếu và Minh đã đồng hành cùng nhau trong những năm tháng đến trường.
Hiếu kể từ nhỏ, hai bạn đã rất ham học, từ sân trường mẫu giáo cho đến bờ hè, sân, cổng nhà... đâu đâu cũng là những con chữ tập viết của Hiếu và Minh. Khi vào lớp 1, những ngày đầu đi học, mẹ bạn Minh đưa cả hai cùng đến lớp. Tình cảm gắn bó keo sơn giữa Hiếu và Minh ngày càng được vun đắp. Đến năm lớp 2, bố mẹ Minh phải vào Nam để mưu sinh, Minh không còn ai đưa đến trường nữa. Trước hoàn cảnh ấy, Hiếu đã xin bố mẹ mình và bố mẹ bạn được cõng Minh tới trường.
Việc cõng bạn đến trường không phải lúc nào cũng thuận lợi. Hiếu nhớ lại, có những ngày trời nắng chang chang, có những hôm trời mưa tầm tã; có những ngày bạn ốm, có những hôm Hiếu đau…; đường đi chỉ là đất đá và sỏi, cỏ dại mọc đầy hai bên lối đi... Đoạn đường từ nhà đến trường dài hơn 1km, với một học sinh lớp 2, đó là một chặng đường không gần, đôi chân bước đi cũng chưa quen cõng bạn trên lưng, nhiều lần cả 2 cùng ngã, những vết sẹo hằn vào chân tay, trở thành kỷ niệm khó quên. Nhưng lúc đó, Hiếu không thấy đau mà chỉ cảm thấy lo cho bạn có bị sao không và lo gia đình bạn có quở trách...
Hiếu nhớ lại: "Kỳ nghỉ Hè năm học lớp 2, thấy các bạn biết đi xe đạp, cháu cũng muốn tập đi xe nên là xin bà nội mượn xe của bác cho cháu tập. Cháu nghĩ rằng mình biết đi xe thì sẽ đèo bạn đi học nhanh hơn. Sau một tuần vất vả với đầy sẹo ở chân thì cuối cùng cháu cũng đi được xe đạp. Nhưng mọi chuyện vẫn không hề đơn giản. Một học sinh vừa học xong lớp 2 như cháu, vừa biết đi xe đạp trên con đường quê đất đỏ, gập ghềnh lại đèo thêm một người bạn khuyết tật đi học… mà những lúc bạn lên xe, xuống xe rất khó khăn. Cháu thật khó giữ thăng bằng, chúng cháu đã ngã trên đường nhiều lần. Thấy vậy, các bạn đi học về, các cô, các bác qua đường… giúp chúng cháu đứng dậy!".
Suốt những năm tháng cắp sách tới trường, Hiếu và Minh luôn vinh dự được nêu gương “Đôi bạn cùng tiến” tiêu biểu trong các phong trào của nhà trường. 10 năm đã qua, bây giờ, Minh là sinh viên năm nhất Khoa Công nghệ thông tin của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Qua câu chuyện của mình Hiếu gửi gắm: Ở đâu đó trong xã hội, còn có những con người khuyết tật, nhưng họ không chịu đầu hàng, ai cũng có nghị lực và điểm mạnh của mình, họ cần có người giúp đỡ để phát huy điểm mạnh đó, để họ vượt lên số phận và hòa nhập với xã hội. "Cháu nhớ lời Bác Hồ dạy “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ”- việc nhỏ của cháu là đưa bạn tới trường, việc nhỏ của cháu là động viên bạn, cùng bạn nỗ lực học tập, góp phần nhỏ bé cùng bạn và gia đình bạn thực hiện ước mơ “tàn nhưng không phế”. Cháu mong rằng mọi người hãy sống với nhau bằng tình yêu thương, giúp đỡ mọi người, dù là bé nhỏ, để nhân lên tình thương, trách nhiệm đến mọi người", Ngô Văn Hiếu chia sẻ.
“Đoàn kết một lòng, Biển Đông ngời sáng”
Là một người lao động Dầu khí, trên cương vị là Chi ủy viên chi bộ 2; Trưởng giàn cụm mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh, anh Nguyễn Thanh Tĩnh, Đảng bộ Công ty điều hành Dầu khí Biển Đông (Biển Đông POC), thuộc Đảng bộ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, luôn xác định việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là việc làm thường xuyên, là nét văn hóa trong mỗi con người, mỗi tổ chức.
Thực hiện lời dạy của Người: “Cán bộ phải đi đầu trong mọi công việc, từ chỉ đạo đến vận động, tập hợp lực lượng, triển khai thực thi nhiệm vụ”, năm 2010 nguồn nhân lực trong ngành dầu khí khan hiếm, đặc biệt là vị trí Trưởng giàn lúc bấy giờ chưa có nhiều người Việt Nam có đủ kinh nghiệm để có thể đảm đương được vị trí này. Mặc dầu tuổi đời còn trẻ, bản thân lại chưa từng kinh qua nhiệm vụ này; dự án Biển Đông là một trong những dự án đầu tiên, quy mô lớn nhất do người Việt Nam chế tạo có áp suất và nhiệt độ cao bậc nhất trong khu vực. "Nhận thức sâu sắc trách nhiệm, bổn phận của mình trước Công ty, Tập đoàn, mặc dầu nhiệm vụ vô cùng khó khăn và rất nhiều thử thách, nhưng khi Tổ quốc cần tôi luôn sẵn sàng. Sau thời gian cố gắng nỗ lực của bản thân, tôi đã được bổ nhiệm quyền Trưởng giàn kể từ tháng 6/2013 thay thế chuyên gia nước ngoài trực tiếp điều hành các hoạt động sản xuất trên các công trình biển chỉ sau 6 tháng, qua đó tiết kiệm được khoảng 13,8 tỷ đồng (600 nghìn USD) mỗi năm tiền thuê chuyên gia nước ngoài", anh Nguyễn Thanh Tĩnh chia sẻ.
Trong 8 năm với vị trí trưởng giàn, anh Tĩnh luôn sáng tạo, không chấp nhận tư duy lối mòn và chủ nghĩa kinh nghiệm, mà hướng tới sự đổi mới, hiệu quả để ngày càng đạt kết quả tốt hơn. Anh đã chủ trì, phối hợp cùng các đồng nghiệp có những sáng kiến cải tiến kỹ thuật nhằm tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất, tiêu biểu như sáng kiến đạt giải đặc biệt cấp Tập đoàn Dầu khí Việt Nam: Làm sạch giếng Mộc Tinh và Hải Thạch bằng hệ thống thiết bị khai thác (phối hợp cùng nhóm 4 tác giả). Tổng giá trị tiết kiệm từ sáng kiến này là gần 70 tỷ đồng. Bên cạnh đó là sáng kiến cấp công ty: Kết nối trực tiếp nguồn khí từ bồn ổn áp cấp cho bơm cao áp (cấp thủy lực cho các van an toàn đầu giếng Mộc Tinh 1), tách nguồn khí điều khiển, giảm thiểu nguy cơ dừng giàn do mất áp hệ thống khí điều khiển khi chạy bơm. Giải pháp đã tiết kiệm cho công ty hơn 5,94 tỷ đồng...
Ghi nhớ sâu sắc lời Người dạy: "Đoàn kết làm ra sức mạnh", "Đoàn kết là then chốt của thành công", anh đã cùng đồng nghiệp xây dựng tinh thần đoàn kết nội bộ trên Giàn Hải Thạch - Mộc Tinh với tinh thần “như anh em một nhà”. Thông qua rất nhiều hoạt động như: thăm hỏi động viên kịp thời người lao động có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức các hoạt động vui chơi cho cán bộ nhân viên trên Giàn trong các ngày lễ, Tết như: thi gói bánh chưng dịp Tết Nguyên đán, thi đấu bóng bàn, cờ tướng, cờ vua… góp phần xây dựng văn hóa doanh nghiệp tại Biển Đông POC là: “Đoàn kết một lòng, Biển Đông ngời sáng”.
Anh chia sẻ: Cũng như 60 nghìn người lao động ngành dầu khí luôn mang trong mình tinh thần cống hiến hết mình, phụng sự Tổ quốc. Chúng tôi hiểu rằng ngoài nhiệm vụ tìm nguồn “vàng đen”, chúng tôi còn thực hiện nhiệm vụ rất thiêng liêng đó là góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước. Tự hào về truyền thống 60 năm của ngành dầu khí, của đơn vị, tự hào về ý chí nội lực, tinh thần yêu nước và khát vọng của những người đi tìm lửa càng thôi thúc chúng tôi xây dựng, bồi đắp lòng tự trọng về nghề nghiệp và tác phong làm việc chuyên nghiệp, vì sự phát triển của đơn vị, của ngành và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh.
Những kết quả mà người lao động ngành dầu khí đạt được chính là nhờ không ngừng học tập, tu dưỡng theo tấm gương đạo đức, phong cách của Bác Hồ từ những việc làm nhỏ nhất, là tinh thần lao động quên mình vì sự nghiệp “tìm dầu để làm giàu cho Tổ quốc” như mong muốn của Người lúc sinh thời.