Lan tỏa những tấm lòng

Ở thành phố này, không thiếu những tấm lòng sẻ chia, đó là ly trà đá dọc dường; dĩa cơm 2.000 đồng; điểm cắt tóc, bơm vá xe miễn phí của những người trẻ.

Và những lúc cấp bách, khi bệnh nhân điều trị ở các bệnh viện cần tiếp máu nhưng lượng máu dự trữ ở ngân hàng đã cạn, ngay lập tức, ở nhiều nơi, dòng người trật tự xếp hàng để hiến máu. Không ít bạn trẻ chờ quá lâu phải tìm chỗ tránh nắng, nghỉ chân rồi tiếp tục quay lại để hoàn tất nghĩa cử cao đẹp.

1. Qua tin tức từ báo đài và fanpage trên mạng xã hội, hàng trăm bạn trẻ tìm đến Trung tâm Hiến máu nhân đạo TPHCM (106 Thiên Phước, phường 9, quận Tân Bình). Khá đông người nhưng mọi thứ vẫn diễn ra trong trật tự, nhiều người nhẫn nại xếp hàng chờ đến lượt mình. Trước tình hình dịch bệnh hiện tại, ai nấy cũng khẩu trang kín mặt, thực hiện rửa tay sát khuẩn và làm theo các hướng dẫn của nhân viên y tế trước khi hiến máu.

Có mặt từ khá sớm, Trần Thanh Ơn (21 tuổi, sinh viên, ngụ quận 11) kể: “Em đọc tin trên fanpage nên tìm đến hiến máu. Trước đây, em có tham gia hiến máu vài lần rồi nên không cảm thấy sợ hay hồi hộp gì, giúp người khác một chút trong khả năng của mình là điều nên làm”. Hơn một tiếng chờ đợi nhưng vẫn chưa đến lượt hiến máu, Vũ Thị Hiền (24 tuổi, dạy yoga, ngụ quận Tân Bình) chia sẻ: “Nhiều người hiến máu nên phải đợi khá lâu. Đã có lòng thì lâu chút cũng chờ, chứ không thể bỏ về ngang được”.

Nhiều bạn trẻ đến đăng ký hiến máu tại Trung tâm Hiến máu nhân đạo TPHCM

Nhiều bạn trẻ đến đăng ký hiến máu tại Trung tâm Hiến máu nhân đạo TPHCM

Lần thứ 3 đi hiến máu, không chỉ đi một mình, Yến Thu (23 tuổi, ngụ quận 12) còn rủ thêm 3 người bạn tham gia hiến máu. Thu kể: “Đọc tin thấy các bệnh viện cần nhiều và gấp, nên tôi tranh thủ đi ngay, rồi thuyết phục nhóm bạn đi chung vì nhiều người hiến máu sẽ giúp được nhiều bệnh nhân”. Đi cùng Thu, Phong Thái (26 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) nói: “Đây là lần đầu tiên tôi hiến máu, cũng hơi hồi hộp nhưng nghĩ đến việc sẽ giúp được các bệnh nhân thấy trong lòng vui lắm. Hiến máu là việc làm tốt, trong hoàn cảnh các bệnh viện đang cần gấp thì việc hiến máu của mình càng ý nghĩa hơn”.

2. Tình hình bệnh dịch khiến nhiều người lo lắng, ai nấy tìm mua khẩu trang, nước rửa tay để tự trang bị cho mình và gia đình, khiến hai mặt hàng này khan hiếm hoặc tăng giá. Trước tình hình đó, một số bạn trẻ cùng chung tay phát tặng miễn phí khẩu trang, nước rửa tay đến với nhiều người để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Có ý tặng nước rửa tay khô để mọi người sử dụng tiện lợi hơn khi ra ngoài, Đỗ Thị Kim Định (25 tuổi, ngụ quận 8) nhờ nhóm bạn chuyên ngành hóa cùng hỗ trợ. Hơn 300 lọ nước rửa tay khô được phát miễn phí cho người dân trong chung cư nơi Định ở. “Tuần trước, tôi đi mua nước rửa tay, tiệm chỉ còn vài lọ, khách đến sau tiếc hùi hụi vì không kịp. Gia đình có con nhỏ cũng không trang bị nước rửa tay khô kịp, ra ngoài không có để dùng nên tôi và nhóm bạn lên ý tưởng làm nước rửa tay khô, tặng cho mọi người trong chung cư. Bạn tôi chuyên ngành hóa và có máy móc để khử trùng các lọ đựng dung dịch, để mọi người dùng hiệu quả và an toàn”.

Cùng nhóm bạn với Định, Thanh Hà (26 tuổi, ngụ quận 7) bày tỏ: “Tôi thấy vài chỗ họ lợi dụng tình hình rồi tăng giá, lọ nước rửa tay khô nhỏ xíu mà hơn cả trăm ngàn đồng, người lao động thu nhập thấp cũng bấm bụng mua, để có cái mà dùng. Nghe mấy bạn có ý tưởng làm là tôi chung tay liền. Hiện tại nhóm cũng mua thêm nguyên liệu và rao thêm tin trên mạng xã hội để mọi người có lòng thì cùng góp vào, làm nhiều hơn để phát được nhiều nơi cho mọi người cùng sử dụng”.

Vừa bức xúc một trang bán hàng online hét giá một thùng khẩu trang 17 triệu đồng, Tố Lan (25 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh) tranh thủ tìm mua ở những trang khác. Mặc dù đã mua đủ để gia đình sử dụng, nhưng Lan vẫn tìm mua thêm khẩu trang để phát cho người dân trong xóm. Lan cho hay: “Quán cà phê của gia đình tôi mặt bằng thuận tiện, nên tranh thủ phát khẩu trang mỗi ngày để mọi người qua lại có cái mà dùng. Nhiều người cũng còn chủ quan lắm, mình vừa phát khẩu trang vừa giải thích thêm để mọi người cẩn thận hơn trong mùa dịch bệnh”.

Đặt 2 thùng khẩu trang phía trước cửa hàng quần áo, một thùng để dành phát cho khách đến mua sắm và thùng còn lại dành cho người đi đường, Trọng Hoàng (30 tuổi, chủ một cửa hàng quần áo trên đường Nguyễn Thị Thập, quận 7) cho biết: “Nhiều người cũng không để ý lắm đến chuyện dịch bệnh, tôi đặt thùng khẩu trang lớn phía ngoài sát đường để mọi người qua lại chú ý, lấy khẩu trang sử dụng bảo vệ sức khỏe. Bữa nào rảnh, tôi cũng hay đi tới đi lui phát cho mấy cô bán hàng rong gần cửa hàng, buôn bán cũng không lời bao nhiêu, nên nhiều khi hộp khẩu trang có mấy chục ngàn người ta cũng ngán tiền. Còn dịch bệnh thì tôi vẫn để thùng khẩu trang ở đó, tranh thủ giúp được gì cho mọi người thì mình giúp”.

Thành phố trẻ là nơi mà cuộc sống luôn có thể tiếp đón bất cứ ai muốn đến, sinh sống và lập nghiệp ở đây. Và người trẻ ở nơi này, cũng có không ít những việc làm tốt đẹp để cùng lan tỏa tình người mỗi ngày.

THIÊN THANH

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/lan-toa-nhung-tam-long-645678.html