Lan tỏa 'niềm vui khi trở thành người tốt' cho con trẻ

Khi giúp đỡ những người xung quanh, cha mẹ hãy chia sẻ niềm vui nho nhỏ này với con cái. Cảm nhận được nguồn năng lượng tích cực, con trẻ sẽ sẵn sàng giúp đỡ mọi người.

Một đứa trẻ nhân hậu, sẵn lòng chia sẻ và giúp đỡ bạn bè sẽ cảm thấy hạnh phúc. Ảnh: M&C.

Một đứa trẻ nhân hậu, sẵn lòng chia sẻ và giúp đỡ bạn bè sẽ cảm thấy hạnh phúc. Ảnh: M&C.

Một trong những yếu tố không thể thiếu trong việc dạy con sống tử tế là cho chúng thấy sự đồng cảm và lòng trắc ẩn để chúng hiểu được cảm giác khi được đối xử tốt là như thế nào. Đồng cảm là khả nǎng hiểu được cảm xúc của người khác, hay nói một cách đơn giản là có thể đặt mình vào hoàn cảnh của họ.

Đây là một kỹ nǎng liên đới then chốt với sự tử tế, và để lĩnh hội được nó thì ta cần có sự can đảm cũng như sức mạnh tâm hồn. Một người biết thấu cảm có thể hiểu người khác nghĩ gì, từ đó đưa ra những hành động phù hợp để hỗ trợ. Khi bạn có thể cho trẻ thấy rằng bạn thực sự hiểu suy nghĩ của chúng và chấp nhận chúng, đó thực sự là một trải nghiệm tuyệt vời với trẻ.

Hãy tưởng tượng một ngày nào đó con bạn đi học về và nước mắt giàn giụa vì đánh nhau với người bạn thân nhất. Thay vì vội vàng giải quyết vấn đề, bạn hãy bày tỏ rằng bạn thấy con buồn như thế nào và thậm chí có thể hỏi xem con có muốn nói chuyện hoặc muốn được vỗ về không. Điều này giúp con biết rằng bạn đã chú ý đến cảm xúc của con và những cảm xúc đó là quan trọng.

Ngoài ra, chỉ cần để cho con thoải mái khóc trong lúc đó cũng có nghĩa là bạn đang cho con biết bạn hoàn toàn chấp nhận cảm xúc của con và việc có những cảm xúc như vậy là điều rất bình thường. Đồng thời, bạn cũng không vô tình ngǎn dòng cảm xúc của con bằng việc vội vàng tìm kiếm giải pháp xử lý tình huống.

Thấu cảm là kỹ nǎng có thể trau dồi. Trẻ sẽ học được kỹ nǎng đó khi chúng được tiếp xúc và chứng kiến sự quan tâm của bạn đối với chúng và những người khác.

Nó còn được củng cố bằng cách bồi dưỡng “kho tàng kiến thức” về những trải nghiệm của con người cho trẻ để trẻ có thể hiểu và áp dụng trong những tình huống cụ thể. Bản chất là bạn muốn con hiểu được suy nghĩ và cảm xúc của người khác để con có thể diễn giải các tình huống xã hội và cư xử một cách nhân ái.

Để làm được điều này, bạn phải nói chuyện với con thật nhiều, kể lại trải nghiệm của chính mình, đặt câu hỏi để cho con biết về nhiều loại cảm xúc khác nhau và từ đó giúp con quan tâm tới người khác.

Để dạy trẻ sự cảm thông, chúng ta cần hiểu về phương thức kết nối và “bắt sóng” trải nghiệm cảm xúc của nhau, như thế bạn sẽ hình dung ra các loại câu hỏi mà bạn sẽ hỏi hoặc thảo luận với trẻ. Một ví dụ là khi chúng ta thấy ai đó đang khóc vì bị chế nhạo hoặc bị trêu chọc. Chỉ cần nhìn thấy người khác buồn cũng đủ khiến bạn cảm thấy buồn, bởi vì bạn đã kết nối cảm xúc với họ.

Một cách khác để chúng ta đồng cảm là sử dụng kiến thức hoặc quan điểm cá nhân để xem xét những gì đã được học, sau đó so sánh với những gì đang xảy ra. Vẫn ví dụ trên, khi bạn thấy ai đó khóc vì bị trêu chọc, bạn nhận biết được điều đó bằng mắt thường. Vì vậy, bạn kết nối cảm xúc rằng họ có thể buồn khi bị trêu chọc như vậy.

Tại sao sự đồng cảm lại quan trọng đến vậy? Đồng cảm không chỉ là lòng tốt dành cho người khác mà còn khiến chính bản thân mình hạnh phúc hơn. Là cha mẹ, đây là điều cơ bản mà bạn muốn dành cho con cái: bạn muốn chúng hạnh phúc và sự đồng cảm đóng vai trò quan trọng trong việc này.

Những người biết đồng cảm có các mối quan hệ cá nhân bền chặt hơn, chúng mang lại ý nghĩa và sự tương trợ cần có trong cuộc sống; có lẽ bởi vì họ trao đi và mong muốn nhận lại những điều tốt đẹp: lòng trắc ẩn, sự tử tế, sự tôn trọng và sự thấu hiểu.

Rachel Tomlinson/ Gieobooks & NXB Văn học

Nguồn Znews: https://znews.vn/lan-toa-niem-vui-khi-tro-thanh-nguoi-tot-cho-con-tre-post1468869.html