Lan tỏa niềm yêu thích đọc sách

Ngày 21-10, Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức lễ trao giải cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc tỉnh Khánh Hòa năm 2023. Qua đó, những bài dự thi xuất sắc của các học sinh yêu thích đọc sách đã được vinh danh, trao giải. Mỗi bài dự thi là một câu chuyện nhỏ góp phần lan tỏa tình yêu, niềm hứng thú đọc sách đến cộng đồng.

Những “sứ giả” văn hóa đọc

Cuộc thi được phát động từ đầu tháng 4 đến ngày 15-8, Ban tổ chức đã nhận được 1.506 bài dự thi của học sinh đến từ 89 trường học trên địa bàn tỉnh, trong đó có 713 bài của học sinh tiểu học, 752 bài của học sinh THCS, 41 bài của học sinh THPT. Có mặt tại khu vực trưng bày các bài thi đạt giải, chúng tôi nhận thấy sự kỳ công, chăm chút về mặt hình thức của các em đối với sản phẩm của mình. Có những bài được các em viết tay cẩn thận, hình ảnh minh họa phong phú, ấn tượng; có bài thiết kế như tập bưu thiếp 3D để khi mở ra vừa đọc được chữ vừa xem hình được cắt nổi sinh động...

Học sinh và phụ huynh xem những bài dự thi đạt giải được trưng bày tại buổi lễ trao giải.

Học sinh và phụ huynh xem những bài dự thi đạt giải được trưng bày tại buổi lễ trao giải.

Nội dung các bài thi cũng thể hiện sự nỗ lực của các em trong việc kể lại những câu chuyện từ sách, báo mà mình tâm đắc; truyền đạt, lan tỏa niềm yêu thích đọc sách đến mọi người; những mong ước quảng bá, phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và xã hội… Chẳng hạn, trong bài thi của em Trương Bảo Ngọc (Trường THCS Thái Nguyên, TP. Nha Trang) đã đề xuất xây dựng các câu lạc bộ đọc sách trong trường học, trong cộng đồng dân cư nhằm khuyến khích, khơi dậy niềm yêu thích đọc sách trong học sinh và mỗi người dân. Bài dự thi của em Phan Nguyễn Vân Anh (Khu đô thị Lê Hồng Phong 1, phường Phước Hải, Nha Trang) lại viết tiếp câu chuyện Không gia đình của nhà văn Pháp Hector Malot. Ở đó, số phận của cậu bé Remi và một số nhân vật khác qua trí tưởng tượng của Vân Anh đã được sống trong những hoàn cảnh may mắn, hạnh phúc. “Em rất thích nội dung cuốn tiểu thuyết Không gia đình vì số phận các nhân vật trong đó mang đến nhiều cảm xúc. Em đã viết nên những suy nghĩ của mình về các nhân vật đó. Sau khi viết xong, em mất thêm gần nửa tháng để hoàn thành bài dự thi dưới hình thức một tập bưu thiếp 3D”, Vân Anh chia sẻ. Em Văn Duy Phúc - cựu học sinh chuyên văn Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn (Nha Trang) lại lựa chọn cuốn sách Nghĩ bình đẳng, sống bình đẳng để giãi bày những suy tư của mình. Cuốn sách đã giúp Duy Phúc hiểu sâu hơn về những giá trị của cuộc sống, đồng thời thắp sáng lên niềm hy vọng về những điều tốt đẹp trong thế giới nhân sinh...

Nhân rộng phong trào đọc sách

Đây là lần thứ 5 cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc được tổ chức trên địa bàn tỉnh. Qua đó, dần tạo thành một hoạt động phong trào ở các trường học. Nhiều trường đã dành sự quan tâm, chú trọng phát động, giới thiệu về cuộc thi và có những hoạt động cụ thể khuyến khích học sinh dự thi. “Ngay sau khi nhận được thông báo về cuộc thi, nhà trường đã xây dựng kế hoạch, giao giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn Ngữ văn chủ động hướng dẫn học sinh làm bài dự thi. Do cuộc thi năm nay có thời gian dài hơn nên học sinh có nhiều sự đầu tư cho bài thi của mình. Cuộc thi đã góp phần vun đắp thêm tình yêu quê hương, đất nước, con người trong mỗi học sinh”, thầy Lê Đức Bảo (giáo viên Trường THCS Bùi Thị Xuân, Nha Trang) chia sẻ.

Lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao trao giải nhất cho học sinh có bài dự thi xuất sắc.

Lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao trao giải nhất cho học sinh có bài dự thi xuất sắc.

Theo bà Đinh Thị Ninh Trang - Giám đốc Thư viện tỉnh, hàng năm, cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc được tổ chức nhằm hình thành thói quen và kỹ năng đọc sách cho học sinh, sinh viên. Từ đó, khơi dậy niềm đam mê, thúc đẩy phong trào đọc sách trong thế hệ trẻ, góp phần phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng. Cuộc thi năm nay, Ban tổ chức không đưa ra chủ đề cụ thể mà để mỗi học sinh thoải mái lựa chọn tác phẩm, chủ đề cho bài thi của mình. Qua đó, có nhiều bài dự thi để lại ấn tượng với Ban giám khảo và cho thấy niềm yêu thích đọc sách, cùng những ý tưởng để lan tỏa ý thức đọc sách tới cộng đồng.

Mặc dù vậy, cuộc thi vẫn còn nhiều bài tập trung vào những tác phẩm quen thuộc, đã được giới thiệu nhiều trên mạng xã hội và một số website; nội dung nhiều bài thi có sự sao chép; chất lượng âm thanh, hình ảnh những bài dự thi bằng hình thức video clip chưa đạt yêu cầu... Để cuộc thi những năm sau thành công hơn, Ban tổ chức mong muốn các trường và giáo viên quan tâm hướng dẫn học sinh chỉnh sửa lỗi chính tả, ngữ pháp, bổ sung các thông tin cơ bản để bài thi được hoàn thiện. Thư viện tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông trước, trong và sau cuộc thi; đồng thời đổi mới phương thức tổ chức nhằm đảm bảo tính chuyên môn nhưng vẫn phát huy được sức sáng tạo của học sinh. Sở Giáo dục và Đào tạo, các địa phương cần quan tâm hơn trong việc phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao để cuộc thi ngày càng phát huy được hiệu quả thiết thực trong việc thúc đẩy phát triển văn hóa đọc trên địa bàn tỉnh.

Kết thúc cuộc thi, Ban tổ chức đã trao 29 giải cá nhân và 3 giải tập thể. Cụ thể, giải cá nhân có 3 giải nhất, 6 giải nhì, 8 giải ba, 12 giải khuyến khích. Giải tập thể dành cho 3 trường có nhiều học sinh đạt giải, gồm: Trường THCS Bùi Thị Xuân (Nha Trang) đạt giải A; Trường Tiểu học Vạn Hưng (huyện Vạn Ninh) và Trường Tiểu học Diên Thọ (huyện Diên Khánh) cùng đạt giải B.

GIANG ĐÌNH

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202310/lan-toa-niem-yeu-thich-doc-sach-2bc6628/