Lan tỏa phong trào nghiên cứu KHKT trong học sinh

Hưởng ứng hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật (KHKT) và Cuộc thi KHKT do Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động từ năm học 2012-2013, đến nay, học sinh trung học trong tỉnh đã tích cực tham gia, trở thành phong trào phát triển sâu rộng trong các nhà trường. Qua đó đã góp phần thúc đẩy việc đổi mới phương pháp và hình thức dạy học trong các trường phổ thông, tạo nền tảng cho các hoạt động khởi nghiệp, định hướng nghề nghiệp trong tương lai của nhiều học sinh có đam mê khoa học.

Học sinh Trường THPT Nho Quan C đi tìm hiểu về văn hóa dân tộc Mường ở xã Thạch Bình.

Học sinh Trường THPT Nho Quan C đi tìm hiểu về văn hóa dân tộc Mường ở xã Thạch Bình.

Đạt giải nhì cấp tỉnh, Cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học, năm học 2022-2023, dự án "Nghiên cứu giải pháp bảo tồn, phát huy một số loại hình văn nghệ dân gian, nhạc cụ dân tộc Mường trên địa bàn xã Thạch Bình - Nho Quan - Ninh Bình" của nhóm tác giả Quách Thị Lan Anh, lớp 11D và Nguyễn Khánh Toàn, lớp 11B, Trường THPT Nho Quan C đã thể hiện trách nhiệm của thế hệ trẻ trong bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Em Quách Thị Lan Anh cho biết: Xuất phát từ việc tham gia sinh hoạt văn hóa văn nghệ tại câu lạc bộ nơi mình sinh sống, chúng em được tiếp cận với các hoạt động trải nghiệm, giao lưu văn hóa với các địa phương, đặc biệt là những địa phương thuộc địa bàn tuyển sinh chính của nhà trường. Chúng em nhận thấy có rất những giá trị cần được bảo tồn và phát huy, trong đó có giá trị văn hóa dân tộc Mường trên địa bàn xã Thạch Bình.

Bên cạnh đó, Trường THPT Nho Quan C có 142 học sinh là người dân tộc thiểu số. Hầu hết các bạn còn e dè, ngại ngùng, thậm chí là tự ti khi mình là người dân tộc. Vì vậy, chúng em mong muốn mang đến một không khí gần gũi với các bạn, để mỗi ngày các bạn đến trường sẽ thấy tự tin, hạnh phúc vì được học trong môi trường bình đẳng, không có sự phân biệt. Dự án được nhóm tác giả chúng em nghiên cứu về giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc Mường như hát đúm, múa sênh tiền, múa sạp... Từ đó đề xuất các giải pháp bảo tồn, quảng bá gắn với sự phát triển của khoa học công nghệ.

Cô giáo Đặng Thị Trang Nhung, giáo viên Văn, Trường THPT Nho Quan C - giáo viên hướng dẫn dự án đạt giải nhì cấp tỉnh cho biết: Môn Văn trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 gắn với môn học Giáo dục địa phương. Để giúp học sinh tiếp cận giá trị văn hóa địa phương, tôi đã hướng dẫn các em thực hiện dự án về bảo tồn văn hóa Mường. Với môn Văn, giáo viên đưa thực hiện dự án vào dạng văn bản thông tin, yêu cầu học sinh đọc hiểu văn bản liên quan đến văn hóa địa phương, liên quan đến văn hóa, văn nghệ dân tộc Mường, từ đó tạo hiệu quả trong thực hiện dự án.

Tại Trường THPT Nho Quan C, phong trào nghiên cứu KHKT là hoạt động không thể thiếu trong dạy và học của nhà trường. Thầy giáo Đặng Văn Phương, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Nhiều năm qua, Trường THPT Nho Quan C luôn quan tâm và coi trọng hoạt động nghiên cứu KHKT. Thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức cho giáo viên, học sinh và cha mẹ các em về tầm quan trọng và lợi ích của học sinh khi tham gia nghiên cứu KHKT. Thông qua đó, học sinh được học tập, trải nghiệm và trưởng thành hơn về khả năng tư duy, phản biện, kỹ năng làm việc theo nhóm, viết báo cáo, trình bày, thuyết trình... Năm học 2022-2023, nhà trường có dự án đạt giải nhì cấp tỉnh.

Nhà giáo Đinh Văn Khâm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Ngay từ đầu năm học, Sở đã chỉ đạo các Phòng Giáo dục, các đơn vị giáo dục cấp THPT triển khai thực hiện hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học cho học sinh; thúc đẩy giáo dục STEM (kết hợp khoa học, công nghệ, kỹ thuật và Toán học) trong các nhà trường, giúp học sinh tích hợp kiến thức các môn học để giải quyết các vấn đề thực tiễn một cách sáng tạo. Qua đó, nhiều đơn vị đã phát triển mạnh phong trào nghiên cứu KHKT, đưa hoạt động này trở thành hoạt động quan trọng trong đổi mới giáo dục. Các hoạt động KHKT cấp trường, cấp huyện diễn ra sôi nổi, tạo sân chơi trí tuệ và giao lưu cho học sinh trung học.

Sở GD&ĐT cũng chỉ đạo các Phòng Giáo dục, các cơ sở giáo dục tổ chức các cuộc thi KHKT. Những năm gần đây, các dự án KHKT của học sinh trong tỉnh có chiều sâu, thực hiện đa dạng ở các lĩnh vực như: kỹ thuật y sinh, khoa học thực vật, năng lượng hóa học, hóa sinh, KHXH và hành vi, kỹ thuật cơ khí, hệ thống nhúng…, có nhiều mô hình được ứng dụng trong cuộc sống, giải quyết các vấn đề cụ thể trong cuộc sống. Hoạt động nghiên cứu KHKT trong học sinh trung học tại tỉnh đã góp phần quan trọng thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học, hình thức dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh và trở thành hoạt động thường xuyên trong các nhà trường.

Năm học 2022-2023, ngoài đẩy mạnh giáo dục STEM trong các nhà trường, Sở GD&ĐT đã tổ chức Cuộc thi KHKT cấp tỉnh dành cho học sinh trung học. Cuộc thi thu hút 107 dự án thuộc nhiều lĩnh vực, của 33 đơn vị tham gia. Các dự án tham gia dự thi được đánh giá công tâm, khách quan, trách nhiệm, cho điểm chính xác, công bằng theo đúng tiêu chí được thống nhất của từng lĩnh vực. Kết quả, có 68/107 dự án dự thi đoạt giải. Trong đó, có 5 dự án giải nhất, 28 dự án giải nhì, 18 dự án giải ba, 17 dự án đoạt giải tư. Qua kết quả cuộc thi, Sở GD&ĐT cũng lựa chọn những dự án xuất sắc tham dự cuộc thi KHKT cấp quốc gia năm 2023.

Bài, ảnh: Hồng Vân

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/lan-toa-phong-trao-nghien-cuu-khkt-trong-hoc-sinh/d2023011612164440.htm