Lan tỏa phong trào 'Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa' ở huyện Nông Cống
Với phương châm hướng mạnh hoạt động về cơ sở, lấy nâng cao chất lượng cuộc sống cho Nhân dân làm nội dung trọng tâm, thôn dân cư là địa bàn hoạt động, phong trào 'Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa' (TDĐKXDĐSVH) trên địa bàn huyện Nông Cống đã và đang tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần, tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư.
Hội diễn nghệ thuật quần chúng năm 2019 tại huyện Nông Cống.
Có được chuyển biến đó, chính quyền địa phương đã phối hợp với các cấp, các ngành cụ thể hóa các chương trình, mục tiêu sát với thực tiễn nhằm đưa phong trào TDĐKXDĐSVH ngày càng chất lượng, hiệu quả. Công tác tuyên truyền, vận động thực hiện phong trào được quan tâm với nhiều hình thức đa dạng, thiết thực trên các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức tuyên truyền trực quan như pa nô, băng rôn, khẩu hiệu, tranh, ảnh, thông tin lưu động; tổ chức các hội thi, hội diễn, liên hoan văn nghệ quần chúng... giúp người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, tác động của phong trào đối với cuộc sống. Quy trình đăng ký, bình xét và đề nghị công nhận các danh hiệu văn hóa được các địa phương tổ chức thực hiện trên tinh thần công khai, dân chủ, đảm bảo đúng tiêu chuẩn, chất lượng. Qua các phong trào thi đua, hàng năm tại các ngành, các cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn huyện có 100% cán bộ, công nhân viên, người lao động tham gia bình xét, xếp loại các danh hiệu thi đua, trong đó trên 82% cá nhân, tập thể đạt tiên tiến, xuất sắc.
Cùng với đó, phong trào xây dựng gia đình văn hóa được triển khai sâu rộng tới từng thôn, làng, khu phố, từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, được các gia đình, dòng họ, địa phương trong toàn huyện hưởng ứng. Các gia đình văn hóa là những tấm gương sáng ở cộng đồng dân cư trong việc phấn đấu thực hiện các tiêu chí gia đình no ấm, bình đẳng, hòa thuận, tiến bộ, hạnh phúc, đây cũng là nhân tố tích cực, quan trọng trong việc giữ gìn, bảo vệ các giá trị đạo đức, thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc trước tác động của mặt trái xã hội. Qua tổng kết hàng năm tỷ lệ hộ gia đình đăng ký, xây dựng gia đình văn hóa luôn đạt ở mức cao, việc bình xét, công nhận ở các xã, thị trấn đảm bảo dân chủ, công khai, bám sát các tiêu chuẩn theo quy định. Năm 2019, toàn huyện có trên 40.103/48.226 hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 83%; có 16.956/48.226 số hộ được công nhận gia đình thể thao, đạt 35%.
Song song với việc xây dựng gia đình văn hóa, huyện Nông Cống chú trọng xây dựng làng, thôn, tiểu khu, văn hóa. Phong trào xây dựng làng, thôn, tiểu khu văn hóa được khởi nguồn từ mô hình làng văn hóa Đông Cao (xã Trung Chính). Sau nhiều lần tổ chức hội thảo, rút kinh nghiệm, từ năm 1992 mô hình được nhân ra diện rộng trên địa bàn toàn tỉnh. Năm 1993 - 1994, Ban Chỉ đạo TDĐKXDĐSVH huyện Nông Cống đã chọn các xã Trung Chính, Trung Thành, Tế Lợi, Thăng Long để chỉ đạo nhân ra diện rộng, sau đó lần lượt các xã, thị trấn trong huyện đã tổ chức phát động khai trương xây dựng làng, thôn văn hóa. Bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, các làng, thôn, tiểu khu thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, vui chơi giải trí, tham gia hội diễn nghệ thuật quần chúng, các hoạt động trên đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho Nhân dân, góp phần ngăn chặn sự xâm nhập các tệ nạn xã hội. Các làng, thôn tiêu biểu trong phong trào xây dựng làng, thôn văn hóa là Đông Cao (Trung Chính), làng Văn Đôi (Hoàng Giang), làng Cương Quyết (Tế Lợi), làng Yên Minh (Trường Sơn), làng Hậu Áng (Công Liêm), làng Ngư Thôn (Thăng Long)... Nếu như năm 2000 toàn huyện có 84/315 làng, thôn, tiểu khu khai trương xây dựng văn hóa, trong đó có 12 đơn vị được công nhận danh hiệu văn hóa cấp tỉnh, cấp huyện; cả 32/32 xã, thị trấn đều có làng, thôn, tiểu khu đăng ký, khai trương xây dựng văn hóa thì đến năm 2018, 100% làng, thôn, tiểu khu trên địa bàn huyện đã khai trương xây dựng văn hóa.
Việc thực hiện nếp sống văn minh, thực hành tiết kiệm trong việc cưới, việc tang và tổ chức lễ hội cũng được tổ chức theo đúng quy định và ngày càng đi vào nền nếp, tạo được sự đồng thuận của đông đảo cán bộ và các tầng lớp Nhân dân. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn đã được các cấp, các ngành quản lý và khai thác sử dụng có hiệu quả phục vụ công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhu cầu sinh hoạt của Nhân dân. Đến nay, 100% làng, thôn đã có nhà văn hóa, 100% nhà văn hóa xã, thị trấn, 1 trung tâm văn hóa, thông tin, thể thao và du lịch cấp huyện, 134 sân bóng đá, 201 khu thể thao thôn, làng, tiểu khu... Hầu hết các thiết chế văn hóa thể thao đều phát huy được công năng, phục vụ có hiệu quả việc hội họp, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của người dân.
Để phong trào TDĐKXDĐSVH ngày càng đạt kết quả tích cực, có chiều sâu, tạo sức lan tỏa trong xã hội, trong năm 2020, các cấp, các ngành của huyện Nông Cống sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới... Tích cực thực hiện công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, huy động nguồn lực từng bước nâng cao chất lượng các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở đồng bộ cả về quy hoạch kiến trúc, cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ cán bộ, nội dung, phương thức hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, sáng tạo và nâng cao đời sống văn hóa của Nhân dân ở từng khu dân cư.