Lan tỏa phong trào xây dựng giai cấp công nhân thời kỳ mới
Sau 15 năm triển khai Nghị quyết 20-NQ/TW về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh 'Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa' đất nước, vai trò của giai cấp công nhân Thủ đô đã có những chuyển biến tích cực qua đó, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ giữa 3 bên: Công đoàn - Người sử dụng lao động - Người lao động.
Lan tỏa từ cơ sở
Theo ông Đỗ Khắc Dần, Chủ tịch LĐLĐ huyện Hoài Đức, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/1/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) và Chương trình hành động số 32-CTr/TU ngày 4/4/2008 của Thành ủy Hà Nội (khóa XIV) về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, công tác phối hợp giữa chính quyền, các ngành, Công đoàn các cấp trong tổ chức các hoạt động chăm lo công nhân lao động (CNLĐ) đạt hiệu quả cao; các chế độ, chính sách và bảo hiểm, tiền lương, an toàn lao động; đời sống vật chất, tinh thần của công nhân, người lao động được đảm bảo.
“Năm 2008, toàn huyện có 6.876 CNLĐ với 1.783 người đã qua đào tạo (25,9%), thì đến năm 2023, toàn huyện có 29.600 CNLĐ trong đó 18.760 người đã qua đào tạo, đạt 63,3%; tỷ lệ lao động trong các doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đạt 98,0%. Toàn huyện hiện có 4.231 cán bộ công chức, viên chức đang làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp, được tiêu chuẩn hóa, đào tạo cơ bản về chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị...”, lãnh đạo LĐLĐ huyện Hoài Đức chia sẻ.
Đến nay, trên địa bàn huyện Hoài Đức hiện có khoảng 3.750 doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước với gần 30.000 lao động. Số tổ chức Công đoàn và đoàn viên ngày càng phát triển với 259 Công đoàn cơ sở (CĐCS), 9.322 công nhân, viên chức, lao động; có 53 tổ chức Đảng trong doanh nghiệp với 393 đảng viên. Tổ chức Công đoàn thường xuyên được củng cố, phát triển số lượng, có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động; vai trò đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động được phát huy.
Trong đó, 100% CĐCS tổ chức triển khai quán triệt Nghị quyết tới toàn thể đoàn viên công đoàn, người lao động gắn với phát động các phong trào thi đua; phối hợp mở 965 lớp đào tạo nghề, nhân cấy nghề cho 53.934 lượt lao động nông thôn; 18.760 lượt CNLĐ được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ... Tỷ lệ lao động trong các doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đạt 98%.
Công đoàn các cấp vận động công nhân, viên chức, người lao động tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn tay nghề, thi đua lao động sản xuất kinh doanh giỏi, tham gia cải cách thủ tục hành chính, chống tham nhũng lãng phí, thi đua tiết kiệm nguyên vật liệu sản xuất, tiết kiệm chi phí hành chính... Kết quả, có 12.429 sáng kiến kinh nghiệm với giá trị làm lợi 28,5 tỷ đồng; có 116 “Sáng kiến, sáng tạo” và 284 Công nhân giỏi cấp huyện, 57 “Sáng kiến, sáng tạo” cấp Thành phố, 15 Công nhân giỏi Thủ đô; 4 đề tài được Tổng LĐLĐ Việt Nam cấp Bằng Lao động sáng tạo cùng hàng trăm sáng kiến được áp dụng vào thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh, hành chính.
Chủ động, sáng tạo
Với phương châm lấy cơ sở là địa bàn hoạt động, lấy đoàn viên và người lao động là trung tâm, không chỉ riêng ở LĐLĐ huyện Hoài Đức mà ở nhiều Công đoàn cấp trên cơ sở, mô hình đặc trưng của Công đoàn Thủ đô đã được nhân rộng với những kết quả nổi bật, đáng ghi nhận. Trong đó, công tác tư vấn pháp luật được các cấp Công đoàn quan tâm, thông qua hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp luật và Hỗ trợ người lao động Công đoàn Hà Nội và Tổ Tư vấn pháp luật ở các cấp Công đoàn, đã tổ chức trên 1.900 cuộc đối thoại, tư vấn pháp luật cho 536.480 lượt đoàn viên, người lao động.
Chương trình “Nâng cao trình độ kỹ năng, nghề nghiệp của đoàn viên và người lao động” gắn với đề án về đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong CNLĐ tại các doanh nghiệp”, có 524.518 đoàn viên, người lao động được học tập nâng cao trình độ kỹ năng nghề nghiệp (chiếm 79% tổng số đoàn viên, người lao động), 629.645 đoàn viên, người lao động được học tập nâng cao trình độ học vấn (chiếm 61,3% tổng số đoàn viên, người lao động).
15 năm qua, đã có 384.858 lượt CNLĐ đạt danh hiệu “Công nhân giỏi” cấp cơ sở; 19.464 lượt “Công nhân giỏi” cấp trên cơ sở và 1.789 Công nhân đạt danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô”. Có 190.254 lượt công nhân, viên chức, lao động đạt danh hiệu “Sáng kiến, sáng tạo” cấp cơ sở; 17.842 lượt “Sáng kiến, sáng tạo” cấp trên cơ sở; 1.358 lượt cá nhân được Ủy ban nhân dân - LĐLĐ Thành phố biểu dương và tặng Bằng công nhận “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô”.
Đặc biệt, 15 năm qua, các cấp Công đoàn Thủ đô đã giới thiệu 117.738 đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét, đã có 101.695 đoàn viên ưu tú được kết nạp vào Đảng. Thành lập mới 7.559 CĐCS, đạt 198,7% chỉ tiêu của Thành ủy; phát triển mới 682.582 đoàn viên, đạt 124,4% chỉ tiêu của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Riêng khu vực ngoài Nhà nước đã thành lập mới 6.866 CĐCS với 591.767 đoàn viên; đã thành lập được 37 nghiệp đoàn với 884 đoàn viên.
Những việc làm cụ thể do tổ chức Công đoàn Thủ đô triển khai đã góp phần khơi dậy ý thức trách nhiệm, tinh thần sáng tạo trong đội ngũ công nhân, viên chức, lao động nhằm đáp ứng được xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.