Lan tỏa sâu rộng, hiệu quả thiết thực

Sau 3 năm triển khai thực hiện (2018-2020), Chương trình 'Đồng hành cùng phụ nữ biên cương' (gọi tắt là chương trình) do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam phối hợp với Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tổ chức đã đạt hiệu quả thiết thực, có sức lan tỏa sâu rộng.

Thông qua chương trình, nhiều nguồn lực, mô hình sinh kế được triển khai, giúp phụ nữ ở các xã biên giới vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, yên tâm gắn bó, sát cánh cùng BĐBP bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Những kết quả ấn tượng

Ba năm đã trôi qua nhưng chị Hoàng Thị Nga ở xóm Pò Peo-Phia Muông, xã Ngọc Côn (Trùng Khánh, Cao Bằng) vẫn xúc động khi nhớ lại hôm đón nhận món quà hỗ trợ do Hội LHPN tỉnh Cao Bằng phối hợp với Bộ CHQS tỉnh Thái Nguyên, Hội LHPN tỉnh Thái Nguyên (đơn vị đồng hành) trao tặng. Chị Nga cho biết: “Với gia đình tôi, món quà là tài sản lớn. Từ đó góp phần tạo sinh kế, thu nhập, cuộc sống mẹ góa con côi đỡ khó khăn vất vả”. Chồng chị Nga mất sớm, một mình chị phải nuôi 3 con nhỏ ăn học, mọi chi phí sinh hoạt chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng. Chị Nga là một trong những phụ nữ của tỉnh Cao Bằng được nhận sự hỗ trợ rất thiết thực từ chương trình. Sau 3 năm triển khai, các đơn vị đồng hành phối hợp với Hội LHPN tỉnh Cao Bằng đã hỗ trợ phát triển sinh kế cho 125 phụ nữ; hỗ trợ, sửa chữa làm mới 9 nhà “mái ấm tình thương”, 37 công trình dân sinh... Bà Nông Thị Tuyết, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Cao Bằng thông tin thêm: “Sau khi rà soát nắm chắc những trường hợp phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn nằm trong đối tượng chương trình hướng đến, hội LHPN tỉnh đã cùng hội LHPN các cấp tham mưu giúp các đơn vị đồng hành chọn mô hình sinh kế hỗ trợ phù hợp. Có thể nói, Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” có ý nghĩa rất lớn với người dân nói chung, phụ nữ vùng cao nói riêng. Thông qua chương trình, nhiều phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được hỗ trợ xây nhà mới, tặng cây, con giống, giới thiệu các mô hình sinh kế mở ra hướng phát triển kinh tế hộ gia đình phù hợp, tạo điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững”.

 Đại diện phụ nữ quân đội và các đơn vị đồng hành trao quà tặng phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn ở xã Thèn Chu Phìn, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang.

Đại diện phụ nữ quân đội và các đơn vị đồng hành trao quà tặng phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn ở xã Thèn Chu Phìn, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang.

Theo đồng chí Bùi Thị Hòa, Phó chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, chương trình thực hiện bắt đầu từ ý tưởng hội LHPN mỗi tỉnh, thành phố sẽ giúp một xã biên giới khó khăn. Quá trình triển khai thực hiện, hội LHPN các cấp đã nhận được sự ủng hộ và vào cuộc của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân... Sau 3 năm triển khai thực hiện, đến nay đã có 110 xã (thuộc 26 tỉnh, thành phố) nhận được sự hỗ trợ, đồng hành của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, các cấp, các ngành và toàn xã hội với tổng nguồn lực lên tới 150 tỷ đồng. Theo đó, đã có 324 mô hình sinh kế hỗ trợ gần 6 triệu con gia súc, gia cầm giống giúp phụ nữ phát triển kinh tế mang tính bền vững. Các đơn vị đồng hành cũng hỗ trợ xây dựng gần 1.000 công trình dân sinh; công trình nước sạch, công trình vệ sinh; xây dựng gần 700 nhà "mái ấm tình thương" tặng phụ nữ nghèo; trao 4.000 suất quà tặng phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, 7.000 suất học bổng tặng các cháu học sinh nghèo vượt khó... Qua đó, 110/110 xã đạt và vượt chỉ tiêu chương trình đề ra; có khoảng 130.000 phụ nữ, trẻ em ở khu vực biên giới được thụ hưởng chương trình; tạo cơ hội, điều kiện để nhiều phụ nữ phát huy và khẳng định vị trí, vai trò trong gia đình và cộng đồng; tiếp sức giúp 9 xã về đích nông thôn mới. Đặc biệt, thông qua chương trình đã giúp tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, hội viên, phụ nữ cả nước về nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quân dân, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở khu vực biên giới vững mạnh, góp phần xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững chắc.

Đánh giá về hiệu quả chương trình giai đoạn 2018-2020, nhiều lãnh đạo địa phương cho rằng, với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội; bằng những cách làm sáng tạo, cụ thể, thiết thực, chương trình đã góp phần làm thay đổi đáng kể đời sống của nhân dân và phụ nữ các xã biên giới, động viên phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc, sát cánh cùng lực lượng BĐBP bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc.

Phát huy nội lực, khắc phục hạn chế

Bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam đánh giá: “Chương trình đã tạo hiệu ứng và sự lan tỏa sâu rộng, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, địa phương ghi nhận, đánh giá cao. Tuy nhiên, quá trình thực hiện chương trình vẫn còn những khó khăn, vướng mắc do nguyên nhân về đời sống, phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số, vị trí địa lý ở mỗi vùng, miền. Phụ nữ dân tộc thiểu số vùng biên hiện vẫn đang là nhóm đối tượng phải chịu thiệt thòi nhiều nhất về khoảng cách giới trong tiếp cận và thụ hưởng thành quả phát triển. Bên cạnh đó, sự chủ động, sáng tạo trong triển khai chương trình của một số cán bộ hội phụ nữ ở một số cơ sở vùng biên, vùng đặc biệt khó khăn còn hạn chế. Một bộ phận phụ nữ còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của các đơn vị nhận giúp đỡ nên chưa phát huy nội lực và tinh thần chủ động...”.

Đồng tình với quan điểm trên, nhiều cán bộ phụ nữ cho rằng, ở các xã biên giới, phụ nữ đa số là người dân tộc thiểu số, trình độ, nhận thức còn hạn chế, một số hộ chưa có ý thức vươn lên thoát nghèo, còn thụ động, trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước... điều này đã gây ra những khó khăn nhất định cho các cấp hội trong quá trình triển khai thực hiện chương trình.

Trung tướng Đỗ Danh Vượng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP cho rằng: “Để chương trình mang lại hiệu quả cao hơn trong giai đoạn tiếp theo, cần tiếp tục khảo sát nhu cầu cần hỗ trợ, từ đó tổ chức các hoạt động hỗ trợ cụ thể, thiết thực hơn, đồng thời phát huy tốt nội lực của phụ nữ dân tộc thiểu số khu vực biên giới. Cùng với đó, địa phương nhận hỗ trợ cần thể hiện vai trò chủ động kết nối, phối hợp với các đơn vị đồng hành để điều phối các hoạt động bảo đảm đúng địa bàn, đối tượng. Các đơn vị đồng hành tích cực, linh hoạt vận động nguồn lực, chủ động triển khai các hoạt động phù hợp với nhu cầu, thực tiễn của phụ nữ, nhân dân địa bàn biên giới”.

Bài và ảnh: VÂN ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/tiep-lua-truyen-thong/lan-toa-sau-rong-hieu-qua-thiet-thuc-649683