Lan tỏa sâu rộng những nét đẹp văn hóa truyền thống của người Hà Nội

Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 19-2 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về 'Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh' đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đều bày tỏ mong muốn Chỉ thị sớm thẩm thấu, lan tỏa và đi vào cuộc sống, qua đó góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của người Hà Nội.

Chủ tịch Hiệp hội UNESCO thành phố Hà Nội Trương Minh Tiến:
Người đứng đầu cần làm gương trong ứng xử thanh lịch, văn minh

Chủ tịch Hiệp hội UNESCO thành phố Hà Nội Trương Minh Tiến.

Chủ tịch Hiệp hội UNESCO thành phố Hà Nội Trương Minh Tiến.

Chỉ thị số 30-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành ngay đầu năm Giáp Thìn 2024 cho thấy sự quyết tâm của thành phố Hà Nội trong việc xây dựng và phát triển văn hóa Thủ đô, trong đó nhấn mạnh vào yếu tố con người. Từ lâu nay, thành phố Hà Nội luôn tập trung đẩy mạnh phát triển văn hóa, coi văn hóa là động lực để phát triển kinh tế, xã hội, trong đó nhấn mạnh vào việc xây dựng, phát triển người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Điều này đã được cụ thể hóa bằng việc thành phố ban hành Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17-3-2021 về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”; Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22-2-2022 về phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó ưu tiên đầu tư bảo tồn, phát huy các di tích văn hóa, lịch sử.

Đến nay, thành phố đã có rất nhiều việc làm, hành động, giải pháp hữu hiệu để phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Điều đó thể hiện rất rõ ở những đổi thay trong văn hóa công sở, văn hóa gia đình, văn hóa nơi công cộng... Đã có rất nhiều mô hình “gia đình văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”, “Nhà trường văn hóa”... được xây dựng thành công, góp phần rất lớn để tạo dựng một xã hội văn minh, hiện đại, con người thanh lịch, giàu văn hóa và nhân ái. Có thể thấy, nét thanh lịch, văn minh của người Hà Nội được thể hiện trong nhiều mặt của đời sống.

Chỉ thị 30-CT/TU của Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự gương mẫu của người đứng đầu, đặc biệt là sự gương mẫu của các cán bộ, đảng viên trong ứng xử, phát ngôn, giao tiếp tại công sở, gia đình, nơi công cộng. Tôi cho rằng, đây chính là cốt lõi để tạo được sự lan tỏa trong xã hội, xây dựng được các phong trào tốt từ cơ sở, từ đó mới tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh một cách hiệu quả, bền vững.

Bí thư Quận đoàn Đống Đa Nguyễn Thị Thanh Tâm:
Phát huy vai trò của thanh niên trong thực hiện nếp văn minh

Bí thư Quận đoàn Đống Đa Nguyễn Thị Thanh Tâm.

Bí thư Quận đoàn Đống Đa Nguyễn Thị Thanh Tâm.

Nhận thức rõ vai trò tiên phong, xung kích của thế hệ trẻ, các đoàn viên thanh niên trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, Đoàn Thanh niên quận Đống Đa chỉ đạo các cơ sở Đoàn, Hội tổ chức các nhiệm vụ theo từng chuyên đề, thực hiện nếp sống văn minh gắn với xây dựng, thực hiện quy ước tổ dân phố trên địa bàn quận

Tiêu biểu, trong thời gian qua, Quận đoàn đã thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 11-CT/TU của Thành ủy Hà Nội về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, qua đó, nhiều cán bộ Đoàn - Hội từ cơ sở đến quận đã phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, nghiêm túc thực hiện tổ chức lễ thành hôn tiết kiệm, văn minh, với hình thức gọn nhẹ, song vẫn giữ được nét đẹp truyền thống, bảo đảm vui tươi, tiết kiệm, được nhân dân đồng tình, hưởng ứng thực hiện, tạo sức lan tỏa sâu rộng.

Cùng với đó, hoạt động tham gia bảo vệ môi trường tại các khu dân cư được chú trọng. Đoàn viên, thanh niên ra quân bóc xóa biển quảng cáo rao vặt trái phép, vệ sinh môi trường, trực an toàn giao thông, tổ chức các đoàn xe tuyên truyền về trật tự, văn minh đô thị, đặc biệt là mô hình trang trí các “tủ điện, bốt điện nở hoa” trên các tuyến phố với những hình ảnh lan tỏa các quy tắc ứng xử nơi công cộng và quy tắc an toàn khi sử dụng điện.

Căn cứ nội dung Chỉ thị số 30, Quận đoàn sẽ cụ thể hóa các nội dung thực hiện trong thời gian tới; tổ chức tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh niên hăng hái đi đầu triển khai thực hiện Chỉ thị. Qua đó, tiếp tục phát huy những truyền thống tốt đẹp và hình thành các giá trị văn hóa mới, đặc biệt là trong việc cưới, văn minh đô thị, bảo đảm vệ sinh môi trường, an ninh trật tự; tuyên truyền, giáo dục đoàn viên, thanh niên, thế hệ trẻ sống có lý tưởng, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và cộng đồng...

Đảng viên Lưu Thu Phương (Chi bộ tổ dân phố số 2, Đảng bộ phường Việt Hưng, quận Long Biên):
Gìn giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống của người Hà Nội

Đảng viên Lưu Thu Phương (Chi bộ tổ dân phố số 2, Đảng bộ phường Việt Hưng, quận Long Biên).

Đảng viên Lưu Thu Phương (Chi bộ tổ dân phố số 2, Đảng bộ phường Việt Hưng, quận Long Biên).

Thủ đô Hà Nội với truyền thống ngàn năm văn hiến luôn là niềm tự hào của mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt là người Hà Nội. Sự hào hoa, thanh lịch của người Hà Nội cũng đã đi vào câu ca dao: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Thế nhưng, trong thực tế, quá trình phát triển và hội nhập cũng phần nào khiến một số giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Tràng An bị mai một. Đó đây ở Thủ đô, vẫn diễn ra những hành vi ứng xử thiếu văn hóa; vẫn còn những biểu hiện lệch lạc trong văn hóa gia đình, văn hóa học đường, văn hóa nơi công cộng…

Những hạn chế đó đã được Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội chỉ rõ tại Chỉ thị số 30-CT/TU, đó là thái độ sùng bái đồng tiền, lối sống hưởng thụ, buông thả, không chú trọng xây dựng, phát triển thế hệ tương lai…

Là một công dân, là đảng viên sinh ra và lớn lên tại Thủ đô, cá nhân tôi luôn mong muốn được góp phần gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Hà Nội, qua đó góp phần cùng nhân dân Thủ đô xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Để Chỉ thị số 30-CT/TU sớm đi vào cuộc sống, tôi và mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân đang sinh sống và làm việc trên địa bàn Hà Nội sẽ nỗ lực triển khai và thực hiện tốt 2 Quy tắc ứng xử, nhất là ứng xử nơi công cộng.

Cùng với việc gìn giữ các truyền thống văn hóa tốt đẹp của gia đình, khu dân cư và cơ quan đang công tác, mỗi cán bộ, đảng viên cũng sẽ thiết thực góp phần đưa Chỉ thị số 30-CT/TU vào cuộc sống bằng việc ứng xử có văn hóa với môi trường tự nhiên, môi trường xã hội…, qua đó phát huy vẻ đẹp thanh lịch, hào hoa của người Hà Nội, nhân lên tinh thần tận tâm, tận lực cống hiến để xây dựng Thủ đô, đất nước.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/lan-toa-sau-rong-nhung-net-dep-van-hoa-truyen-thong-cua-nguoi-ha-noi-658867.html