Lan tỏa sự tri ân
Dịp lễ 30/4 năm nay mang một ý nghĩa rất đặc biệt. Đó là kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025). Một dấu mốc thiêng liêng tròn nửa thế kỷ - khoảng thời gian đủ dài để thế hệ chúng ta nhìn lại chặng đường lịch sử hào hùng, tri ân những người đã ngã xuống và khơi dậy niềm tự hào dân tộc.
Không khí lễ hội trong những ngày này đã và đang lan tỏa khắp TPHCM. Những trục đường chính ở khu vực trung tâm thành phố như Lê Duẩn, Nguyễn Huệ, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Đồng Khởi, Bến Bạch Đằng… khoác lên mình tấm áo rực rỡ với cờ hoa, pano, khẩu hiệu, cùng các cụm mô hình tuyên truyền sinh động về lịch sử, về hình ảnh người lính giải phóng năm xưa. Nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật kết hợp giữa truyền thống và đương đại được tổ chức, thu hút đông đảo người dân và du khách tham dự. Các tuyến đường sách, triển lãm tư liệu ảnh, các buổi giao lưu nhân chứng lịch sử diễn ra liên tục, cho thấy sự đầu tư chỉn chu và chiều sâu của TPHCM trong việc kết nối lịch sử với hiện tại.
Theo số liệu của Sở Du lịch TPHCM, chỉ trong Quý I năm 2025, thành phố đã đón hơn 1,3 triệu lượt khách quốc tế, tăng 38% so với cùng kỳ năm trước, và gần 8 triệu lượt khách nội địa. Dự báo trong dịp lễ 30/4 - 1/5 năm nay, tổng lượt khách đến TPHCM có thể vượt mốc 1 triệu người. Trong đó, khoảng 60% là khách từ các tỉnh thành khác, còn lại là khách quốc tế, đặc biệt từ các nước trong khu vực ASEAN, Đông Bắc Á và châu Âu. Điều này phản ánh không chỉ sức hút của một đô thị hiện đại, năng động, nghĩa tình mà còn là sự ghi nhận nỗ lực “định vị” TPHCM như một điểm đến văn hóa, lịch sử, ẩm thực tiêu biểu của cả nước và khu vực Đông Nam Á.
Không dừng lại ở hoạt động kỷ niệm nhân dịp lễ 30/4, TPHCM còn triển khai các sản phẩm du lịch mới như: city tour ban đêm bằng xe buýt 2 tầng, du thuyền sông Sài Gòn, tour “Theo dấu chân người lính” kết hợp trải nghiệm các bữa ăn dã chiến, nghe kể chuyện chiến trường, xem phim tư liệu... Những sản phẩm này vừa giúp tăng sức hút với du khách trẻ, vừa là cách kể chuyện lịch sử theo phong cách hiện đại, sinh động, đầy cảm xúc.
Cùng với các chương trình lễ hội, TPHCM đã huy động đồng bộ lực lượng từ ngành du lịch, giao thông, công an, y tế, môi trường, đến các doanh nghiệp và người dân để tạo nên một môi trường du lịch thân thiện, an toàn và văn minh. Các khách sạn, cơ sở lưu trú cam kết không tăng giá bất hợp lý; hơn 30 tuyến xe buýt tăng chuyến; các bến xe, sân bay, nhà ga được bố trí trực chiến 24/24 để kịp thời giải tỏa tình huống phát sinh. Các tổ phản ứng nhanh cũng được thành lập tại các quận trung tâm nhằm đảm bảo an ninh, trật tự, hỗ trợ khách du lịch khi cần thiết. Điều làm nên sức hút bền vững của TPHCM không chỉ nằm ở cảnh quan, dịch vụ hay hoạt động lễ hội, mà còn ở phẩm chất người dân, sự hiếu khách, năng động, nghĩa tình.
Đáng chú ý, “các địa chỉ đỏ” như Hội trường Thống Nhất, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Địa đạo Củ Chi, Bến Nhà Rồng, Khu căn cứ Rừng Sác - Cần Giờ… luôn trong tình trạng kín lịch tham quan. Nhiều trường học, đơn vị công đoàn và tour du lịch lữ hành đăng ký từ sớm để được trải nghiệm các chuyến “về nguồn” ngay trong lòng Thành phố mang tên Bác. Trong không khí rộn ràng và sự tri ân đối với thế hệ cha ông, hướng tới Đại lễ kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, những người trẻ bồi hồi xúc động, tự hào khi được đến hiện trường nghe kể về chiếc xe tăng của đoàn quân Giải phóng húc đổ cổng Dinh Độc Lập (nay là Hội trường Thống Nhất) - trở thành hình ảnh mang tính biểu tượng kết thúc chiến tranh, non sông nối liền một dải tròn nửa thế kỷ trước. Kỷ niệm dấu mốc thiêng liêng của đất nước năm nay là dịp để biết bao người trẻ không chỉ hiểu lịch sử qua những trang sách, mà còn thấy mình trở thành chủ thể đang sống, tiếp tục cống hiến một cách đầy trách nhiệm trong dòng chảy lịch sử ấy vào kỷ nguyên mới của dân tộc, được thụ hưởng thành quả hòa bình và tri ân các thế hệ đi trước.
Dịp lễ 30/4 - 1/5 năm nay cũng là cơ hội để TPHCM gửi thông điệp mạnh mẽ về một thành phố tri ân lịch sử, biết gìn giữ bản sắc và tiếp tục trên đà hội nhập mạnh mẽ. Tôn vinh lịch sử không phải là trở về quá khứ mà là để bước tới tương lai với bản lĩnh, tự hào và tinh thần rộng mở. Đó chính là điểm hội tụ lớn nhất giữa du lịch, văn hóa và lòng yêu nước trong dịp lễ trọng đại này.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/lan-toa-su-tri-an-10304480.html