Lan tỏa thông điệp bảo vệ động vật hoang dã

Ninh Bình được có tài nguyên thiên nhiên phong phú và độc đáo, là nơi sinh sống của hàng nghìn loài động, thực vật quý hiếm. Lợi thế này đang được tỉnh Ninh Bình xây dựng và phát triển thành sản phẩm du lịch riêng. Đến nay, nhiều đơn vị, cơ sở tại tỉnh Ninh Bình đã tổ chức nhiều cuộc thi, chương trình gắn với giáo dục bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ động vật hoang dã, giúp người dân, du khách biết cách học hỏi, tôn trọng và gìn giữ thiên nhiên.

Học sinh huyện Nho Quan (Ninh Bình) tham quan Cơ sở bảo tồn Gấu Ninh Bình.

Học sinh huyện Nho Quan (Ninh Bình) tham quan Cơ sở bảo tồn Gấu Ninh Bình.

Nuôi dưỡng tình yêu động vật

Từ tháng 9 đến tháng 11/2023, Cơ sở bảo tồn Gấu Ninh Bình, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình đã tổ chức cuộc thi vẽ tranh "Hạnh phúc của một chú Gấu", nhận được sự tham gia của đông đảo học sinh tại địa phương. Sau hơn 1 tháng phát động, Ban Tổ chức đã nhận được gần 1.700 bài thi đến từ 31 trường học trong toàn huyện và đã lựa chọn được 119 tác phẩm để trao giải và trưng bày tại Cơ sở bảo tồn Gấu Ninh Bình.

Ông Trần Quốc Bảo, Trưởng phòng Phát triển cộng đồng, Cơ sở Bảo tồn gấu Ninh Bình cho biết, cuộc thi vẽ tranh "Hạnh phúc của một chú Gấu" hướng tới việc xóa bỏ những ký ức đau buồn của những cá thể gấu từng là nạn nhân của buôn bán động vật hoang dã và trích hút mật trái phép, vẽ lên tương lai tươi sáng hơn cho loài Gấu đen châu Á tại Việt Nam. Đối tượng tham gia cuộc thi là các em học sinh từ 9 đến 15 tuổi của các trường Tiểu học và Trung học cơ sở trên địa bàn huyện Nho Quan.

Cuộc thi nằm trong chuỗi các chương trình giáo dục nâng cao nhận thức phúc lợi động vật năm học 2023-2024, nhằm lôi cuốn sự tham gia tự nguyện của các em học sinh với mục tiêu phát triển trí tưởng tượng và kỹ năng vẽ tranh, đồng thời nuôi dưỡng tình yêu động vật, hình thành ý thức trách nhiệm với việc bảo vệ động vật và sự đa dạng của hệ sinh thái. Chính các em sẽ là những cộng tác viên tuyên truyền tới người thân, gia đình và những người xung quanh cùng bảo vệ loài gấu nói riêng và những loài động vật hoang dã nói chung, để chúng thực sự được sống hạnh phúc trong chính ngôi nhà thiên nhiên của mình.

Ban tổ chức đánh giá, các em học sinh đã thể hiện những ý tưởng đột phá về vấn đề bảo vệ môi trường, về động vật, thể hiện tình yêu động vật thông qua sự sáng tạo, trong đó một số tác phẩm có chất lượng nghệ thuật cao.

Em Nguyễn Đức Minh, học sinh Trường Trung học Cơ sở Phú Lộc, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình đạt giải Nhất cuộc thi chia sẻ: Bức tranh "Gấu con ra đón mẹ" của em lấy ý tưởng từ những câu chuyện do mẹ em kể về cuộc đời của những chú gấu trong Cơ sở bảo tồn Gấu Ninh Bình. Hầu hết các chú gấu này trước khi được cứu hộ đều phải sống trong những chiếc lồng sắt, bị lấy mật rất đáng thương. Vì vậy, em đã vẽ bức tranh "Gấu con ra đón mẹ" với mong muốn tất cả những chú gấu đều được sống hạnh phúc cùng mẹ của mình.

Từ năm 2021, Vườn Quốc gia Cúc Phương đã tổ chức nhiều chương trình cho khách du lịch trải nghiệm các hoạt động bảo vệ thiên nhiên và động vật như tour "Về nhà", "Hành trình hồi sinh"... Các chương trình này hoạt động trên nguyên tắc tôn trọng phúc lợi động vật, không làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý và quá trình "hồi sinh" của động vật.

Ông Đỗ Hồng Hải, Trung tâm Giáo dục môi trường và dịch vụ - Vườn Quốc gia Cúc Phương cho biết, hàng năm, Vườn tiếp nhận khoảng một nghìn cá thể động vật hoang dã để chăm sóc và tái thả. Tour "Về nhà" được nghiên cứu tổ chức với mong muốn khách tham quan Vườn được trực tiếp trải nghiệm một cảm xúc đặc biệt, thông qua việc tham gia vào hoạt động tái thả động vật hoang dã về rừng, mỗi du khách sẽ trở thành "sứ giả" lan tỏa mạnh mẽ thông điệp bảo tồn thiên nhiên. Mỗi cá thể động vật được tái thả sẽ góp phần làm hồi sinh quần thể loài đó trong tự nhiên. Những hoạt động này sẽ góp phần làm nên sự hồi sinh đa dạng sinh học của một cánh rừng.

Nhiều giải pháp từ chính sách

Ninh Bình là tỉnh có hệ sinh thái đa dạng, phong phú phân thành 5 hệ đặc trưng mang tính tiêu biểu về quần thể loài và quyết định tính đa dạng sinh học, tập trung tại các khu vực đã được bảo tồn, bảo vệ như Vườn Quốc gia Cúc Phương, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, Khu rừng Văn hóa lịch sử môi trường Hoa Lư.

Học sinh huyện Nho Quan (Ninh Bình) tham gia cuộc thi vẽ tranh "Hạnh phúc của một chú Gấu".

Học sinh huyện Nho Quan (Ninh Bình) tham gia cuộc thi vẽ tranh "Hạnh phúc của một chú Gấu".

Những năm qua, tỉnh Ninh Bình đã chủ động, tích cực thực hiện các giải pháp nhằm bảo tồn đa dạng sinh học và phát huy bền vững giá trị các hệ sinh thái tiêu biểu. Cùng với công tác quy hoạch, tỉnh Ninh Bình đã kịp thời ban hành các văn bản cụ thể hóa chính sách, pháp luật về đa dạng sinh học, gắn với phát triển du lịch, bảo vệ môi trường như Nghị quyết số 15/NQ-TU ngày 13/7/2009 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về "Phát triển du lịch đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030"; Nghị quyết số 02/NQ-TU ngày 17/8/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về bảo tồn, phát huy giá trị Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới Quần thể danh thắng Tràng An; Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 14/4/2009 của UBND tỉnh về việc "Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ các loài chim hoang dã trên địa bàn tỉnh"; Quyết định số 13/2010/QĐ-UBND ngày 28/6/2010 của UBND tỉnh về việc ban hành quy chế phối hợp quản lý và bảo vệ động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh Ninh Bình...

Tỉnh đã triển khai các biện pháp sử dụng bền vững và thực hiện các cơ chế chia sẻ lợi ích từ dịch vụ hệ sinh thái và đa dạng sinh học; khuyến khích phát triển vùng đệm các khu bảo tồn bằng việc hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước nhằm đảm bảo cuộc sống của người dân, hạn chế việc lấy gỗ, săn bắn động vật hoang dã của người dân sống trong và ven rừng; gắn phát triển du lịch với bảo tồn đa dạng sinh học, vừa tạo công ăn việc làm, vừa là một kênh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân trong công tác bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học.

Đại diện Chi cục Kiểm lâm tỉnh Ninh Bình cho biết, thời gian tới, đơn vị tiếp tục tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, tuần tra bảo vệ rừng tại gốc, nhất là các khu vực rừng đặc dụng, khu vực rừng phòng hộ; phối hợp tốt quy chế giữa các lực lượng và các địa bàn giáp ranh trong việc ngăn chặn và xử lý vi phạm; tuyên truyền vận động nhân dân tích cực trồng rừng, làm tốt công tác bảo vệ, phát triển rừng, không buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp động vật, thực vật rừng; chống tình trạng mua bán động vật hoang dã trái phép. Chi cục cũng tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân không nuôi nhốt động vật hoang dã, các nhà hàng quán ăn tuyệt đối không mua bán động vật quý hiếm; bảo vệ tính đa dạng sinh học.

Bài và ảnh: Hải Yến (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/lan-toa-thong-diep-bao-ve-dong-vat-hoang-da-20231211130037848.htm