Lan tỏa thông điệp 'Đã uống rượu, bia - Không lái xe!' năm 2025
Từ khi có quy định nghiêm khắc về xử phạt vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông, nhiều người dân ở TP Đà Nẵng đã thay đổi thói quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng thay cho phương tiện cá nhân khi đi nhậu với bạn bè, người thân, khách khứa, đặc biệt là việc thăm thú, gặp gỡ vào các dịp lễ, tết…

Lực lượng CSGT Công an TP Đà Nẵng ra quân thực hiện công tác bảo đảm trật tự ATGT năm 2025, trong đó, chú trọng việc xử phạt vi phạm về nồng độ cồn.
Nhiều chuyển biến tích cực
Anh Nguyễn Tiến Trung, trú phường Xuân Hà (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng), làm nghề môi giới bất động sản, bộc bạch: “Trong dịp Tết Ất Tỵ - 2025 vừa qua, mỗi khi đi chúc Tết bà con, bạn bè, đồng nghiệp ở xa nhà, tôi đều bắt xe ta-xi hoặc grab. Không chỉ bị xử phạt với số tiền lớn, việc vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông trong tình trạng say rượu bia còn rất nguy hiểm, dễ dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT), gây thương vong cho bản thân và cộng đồng”.
Nhận thức ngày càng cao của người dân đối với pháp luật về an toàn giao thông (ATGT) nói chung, quy định đã uống rượu bia không lái xe nói riêng đã góp phần kéo giảm TNGT. Theo lãnh đạo Ủy ban ATGT Quốc gia, chỉ tính trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ - 2025 vừa qua, số vụ TNGT trong cả nước đã được kéo giảm sâu trên cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương tới gần 40% so với dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn - 2024. Đặc biệt, số vụ vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông so với cùng kỳ Tết Nguyên đán năm trước cũng giảm rất sâu, giảm đến 20.000 trường hợp, tương đương mức giảm 54%. Riêng tại TP Đà Nẵng chỉ xảy ra 5 vụ TNGT, không gây ra chết người, làm bị thương 8 người, đặc biệt là không có vụ TNGT nào do nguyên nhân vi phạm về nồng độ cồn. So với dịp Tết Giáp Thìn - 2024, số vụ TNGT giảm 5 vụ, số người chết không tăng, số người bị thương giảm 4 người.
Theo lãnh đạo Ủy ban ATGT Quốc gia, có được kết quả đáng khích lệ trên là nhờ các lực lượng Công an, đặc biệt là lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) trong thời gian qua đã tăng cường công tác tuần tra kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Bên cạnh đó, Ủy ban ATGT Quốc gia với sự hỗ trợ của Quỹ Bloomberg Philanthropies thông qua Chương trình “Sáng kiến toàn cầu về ATGT đường bộ” đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, sinh động để người dân dễ hiểu, dễ nhận thức về những tác hại, hậu quả nghiêm trọng của các vụ TNGT do vi phạm nồng độ cồn gây ra.
Tiếp tục đẩy mạnh
Chiến dịch truyền thông “Đã uống rượu, bia - Không lái xe!”
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Lê Kim Thành cũng cho biết, trong dịp Tết vừa qua, hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện vẫn xảy ra ở nhiều nơi với 17.000 trường hợp, chiếm tới 30% số vụ vi phạm về ATGT được xử lý. Trước thực tế này, Ủy ban ATGT Quốc gia tiếp tục phối hợp với Quỹ Bloomberg Philanthropies triển khai Chiến dịch truyền thông “Đã uống rượu, bia - Không lái xe!” năm 2025. Thời điểm triển khai Chiến dịch này trùng với dịp lễ hội sau Tết khi nhu cầu đi lại du xuân và tham gia các lễ hội trong mùa xuân của người dân tăng cao. Chiến dịch nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của người tham gia giao thông trong tuân thủ pháp luật về trật tự ATGT ngay trong mùa lễ hội và thời gian tiếp theo.

Lực lượng CSGT Công an TP Đà Nẵng kiểm tra nồng độ cồn đối với 1 trường hợp điều khiển xe máy.
Thực hiện chiến dịch này, Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp với các tổ chức, cơ quan, đơn vị xây dựng một số tài liệu tuyên truyền về việc tuân thủ quy định “đã uống rượu bia không lái xe”, đặc biệt là tài liệu được thể hiện ở dạng video clip ngắn gọn, dễ hiểu và có đầy đủ bản quyền với thông điệp tích cực, khuyến khích ý thức tự giác tuân thủ pháp luật của người tham gia giao thông. Ủy ban ATGT Quốc gia đề nghị Ban ATGT các tỉnh, thành đẩy mạnh công tác tuyên truyền về việc chấp hành các quy định pháp luật về ATGT, đặc biệt chú trọng nội dung tuyên truyền về việc tuân thủ quy định “đã uống rượu bia không lái xe” trên các nền tảng khác nhau như: truyền hình, phát thanh, mạng xã hội, báo điện tử, tạp chí điện tử, trang tin điện tử, màn hình led, banner, pano, áp phích… Đồng thời, Ủy ban ATGT Quốc gia đề nghị Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng Công an, nhất là lực lượng CSGT trong cả nước tiếp tục đẩy mạnh công tác tuần tra kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm khắc, không có ngoại lệ với các hành vi lái xe khi đã uống rượu bia vừa nhằm bảo vệ an toàn cho tất cả những người tham gia giao thông, vừa góp phần nâng cao ý thức tuân thủ luật lệ giao thông nói chung, quy định này nói riêng.
Phó Chánh Văn phòng Ban ATGT Đà Nẵng Lê Tặng cho biết, triển khai Chiến dịch truyền thông “Đã uống rượu, bia - Không lái xe!” năm 2025, Ban đã chỉ đạo Ban ATGT các quận, huyện sau Tết Ất Tỵ - 2025 tổ chức ra quân thực hiện “Năm ATGT - 2025” với chủ đề “Hành trình an toàn, kiến tạo tương lai” kết hợp triển khai Chiến dịch truyền thông “Đã uống rượu, bia - Không lái xe!”. Đại diện lãnh đạo Phòng CSGT CATP Đà Nẵng cho biết, trong thời gian đến, lực lượng CSGT CATP sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về ATGT nói chung, quy định “đã uống rượu bia không lái xe” nói riêng, nhất là duy trì thường xuyên công tác tuần tra kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về ATGT, trong đó, chú trọng đến việc xử phạt hành vi vi phạm về nồng độ cồn.