Lan tỏa thông điệp về hòa bình, phát triển trong giai đoạn 'bước ngoặt'

Các lãnh đạo cấp cao Việt Nam tham dự các diễn đàn, hội nghị lớn, trong đó nhấn mạnh thông điệp của Việt Nam trong hợp tác phát triển.

Cuối tháng Năm, trong bối cảnh có nhiều “bước ngoặt” tại khu vực và quốc tế, các lãnh đạo cấp cao Việt Nam đã tham dự các sự kiện tại các diễn đàn, hội nghị lớn, trong đó nhấn mạnh những thông điệp của Việt Nam trong hợp tác phát triển.

Cụ thể, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh tham dự Hội nghị tương lai châu Á lần thứ 27, đồng thời thăm làm việc Nhật Bản từ ngày 26-27/5; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tham dự Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) năm 2022 tại Davos, Thụy Sỹ từ ngày 23-24/5 và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tham dự Khóa họp thường niên lần thứ 78 của Ủy ban Kinh tế và xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (ESCAP) từ ngày 22-23/5 tại Bangkok, Thái Lan.

Mỗi hội nghị có những chủ đề, nội dung thảo luận khác nhau nhưng thông điệp xuyên suốt của lãnh đạo Việt Nam là sự coi trọng các diễn đàn đa phương, tăng cường hợp tác quốc tế và thúc đẩy vai trò của các tổ chức quốc tế. Ở đó, Việt Nam luôn nhất quán tinh thần chủ động, trách nhiệm, là một đối tác tích cực của cộng đồng quốc tế trong các nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội. Với mỗi diễn đàn, Việt Nam đều nêu bật được những đề xuất, ưu tiên hợp tác cụ thể, được các thành viên khác coi trọng, đánh giá cao.

Châu Á - trách nhiệm kiến tạo hòa bình

Với chủ đề “Định hình vai trò của châu Á trong một thế giới chia tách”, Hội nghị tương lai châu Á tập trung thảo luận về về tình hình thế giới, khu vực và các giải pháp, khuyến nghị nhằm tăng cường vai trò của châu Á trong duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển, tăng cường hợp tác giữa các quốc gia nhằm ứng phó hiệu quả với những biến chuyển to lớn và nhanh chóng của thế giới.

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh nêu một số đề xuất quan trọng nhằm tăng cường hợp tác, duy trì thịnh vượng ở cấp độ khu vực, toàn cầu và phát huy vai trò của châu Á.

Trước hết, khu vực cần tăng cường trách nhiệm gìn giữ và kiến tạo môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển và thịnh vượng trên cơ sở mẫu số chung là hợp tác, hiểu biết, lòng tin và trách nhiệm. Trong bối cảnh khu vực và quốc tế đang phải tập trung nguồn lực để xử lý các vấn đề cấp bách chưa có tiền lệ, thì trên hết và trước hết các nước cần đóng góp có trách nhiệm đối với các vấn đề này; cần tôn trọng lẫn nhau, hợp tác bình đẳng và cùng có lợi.

Đối với vấn đề Biển Đông, cần giải quyết các tranh chấp và bất đồng bằng giải pháp hòa bình, thượng tôn pháp luật, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Hai là, châu Á cần tiên phong thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, tinh thần hợp tác và liên kết theo hướng mở, bao trùm, công bằng, bền vững và dựa trên luật lệ. Cần có cách tiếp cận toàn cầu để giải quyết các vấn đề toàn cầu ngày càng cấp bách; tăng cường hợp tác, lòng tin giữa các nước châu Á, nâng cao năng lực thích ứng, tự cường trước những biến đổi mau lẹ của tình hình.

Ba là, các nước cần nỗ lực cùng nhau bảo đảm các nền tảng thúc đẩy sự phục hồi tăng trưởng của các quốc gia và khu vực châu Á, từ đó tiếp tục duy trì vai trò của châu Á là một động lực then chốt của tăng trưởng toàn cầu. Theo đó, các nước cần xây dựng kinh tế tự cường gắn với hội nhập quốc tế, có khả năng chống chịu với các cú sốc bên ngoài; phối hợp xử lý các vấn đề mới, các thách thức toàn cầu đang nổi lên.

Bốn là, với vị thế một trong những khu vực đi đầu về công nghệ số và chuyển đổi số, châu Á cần tiên phong khởi xướng, thúc đẩy các động lực mới cho phát triển như khoa học công nghệ, công nghệ số, tăng trưởng xanh, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, quan tâm và tạo thuận lợi về thể chế, nguồn lực, năng lực để khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ trở thành một động lực tăng trưởng nội sinh mạnh mẽ.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh chào xã giao Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh chào xã giao Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio.

Năm là, châu Á cần tiếp tục đẩy mạnh hội nhập và liên kết với các khu vực và các đối tác then chốt trên thế giới. Sự phục hồi hậu Covid-19 của châu Á sẽ phụ thuộc rất nhiều vào khả năng duy trì thương mại và đầu tư cả trong nội khối cũng như với các khu vực bên ngoài. Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh nhấn mạnh, với mong muốn xây dựng môi trường hòa bình ổn định ở châu Á và trên thế giới, Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, đẩy mạnh chủ nghĩa đa phương.

Việt Nam tiếp tục là bạn, là đối tác tin cậy với các nước trên thế giới, là thành viên tích cực và trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Việt Nam đã đưa ra cam kết ở mức rất cao tại Hội nghị COP26 nhằm chia sẻ trách nhiệm hướng tới phát triển xanh, bền vững. Trong bối cảnh thế giới đối mặt với thách thức an ninh lương thực, Việt Nam tiếp tục duy trì, đẩy mạnh các hoạt động xuất khẩu nông sản và lương thực.

Sẵn sàng, tự tin trước mọi thách thức

Ở một hội nghị quốc tế quy mô rộng lớn vươn tầm khu vực - Hội nghị WEF Davos 2022, với sự tham dự của hàng ngàn lãnh đạo cấp cao các nước, các tổ chức quốc tế, và khu vực tư nhân, Việt Nam cũng đã để lại những dấu ấn của riêng mình. Chủ đề của hội nghị - “Lịch sử ở giai đoạn bước ngoặt: Chính sách của Chính phủ và chiến lược của doanh nghiệp” đã được Việt Nam cụ thể hóa trong nhiều lĩnh vực với các định hướng chính sách cũng như chiến lược bài bản.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tham dự và phát biểu khai mạc Phiên toàn thể về chủ đề "Chuyển hướng khủng hoảng lương thực toàn cầu".

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tham dự và phát biểu khai mạc Phiên toàn thể về chủ đề "Chuyển hướng khủng hoảng lương thực toàn cầu".

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã tham dự và phát biểu, chia sẻ tầm nhìn của Việt Nam tại các phiên trọng tâm về “Chuyển hướng một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu”, “Phát triển ASEAN số cho tất cả mọi người” và Đối thoại giữa các nhà Lãnh đạo Cấp cao với chủ đề “Xây dựng nền kinh tế tự cường cho tăng trưởng bền vững”.

Đây đều là những vấn đề trọng tâm trong chương trình nghị sự của Hội nghị, nhận được nhiều sự quan tâm của các nước cũng như cộng đồng doanh nghiệp quốc tế, đồng thời cũng thuộc những lĩnh vực ưu tiên trong chiến lược phát triển của Việt Nam.

Nổi bật, các đề xuất của Phó Thủ tướng tại Phiên toàn thể về chủ đề “Chuyển hướng khủng hoảng lương thực toàn cầu”, diễn ra ngay sau phiên khai mạc Hội nghị, được đánh giá rất cao.

Các giải pháp của Việt Nam trước cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền này bao gồm: Cần có cách tiếp cận tổng thể, đa mục tiêu, hướng tới một hệ thống lương thực toàn cầu tự cường, bao trùm và bền vững; tăng cường hợp tác quốc tế, chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy vai trò của tổ chức quốc tế để giải quyết các vấn đề liên quan đến an ninh lương thực toàn cầu; đề cao cách tiếp cận toàn dân, bảo đảm quá trình chuyển đổi sản xuất lương thực công bằng, tính đến lợi ích của các nhóm dễ bị tổn thương, nhóm yếu thế; xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp có sự tham gia và phối hợp hành động của tất cả các bên liên quan; đổi mới tư duy, kiến tạo động lực mới để thúc đẩy sự phát triển của ngành nông nghiệp và sản xuất lương thực…

Đặc biệt, xuyên suốt thời gian tham dự Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái luôn tận dụng mọi cơ hội tiếp xúc để “kể”, chia sẻ, giới thiệu với các lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, đầu tư lớn trên thế giới về “bức tranh” chiến lược phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn mới, chủ trương mở cửa du lịch, quảng bá và thu hút thương mại, đầu tư và phục hồi kinh tế bao trùm, hướng đến chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh, số hóa và bền vững, cùng với cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đề cao và thúc đẩy hợp tác đa phương, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Qua đó, thế giới hiểu hơn về một Việt Nam đang nỗ lực vươn lên không ngừng để phát triển và hội nhập sâu rộng; quyết tâm theo đuổi lộ trình tăng trưởng xanh, thu hút các nguồn tài chính xanh hướng đến phát triển bền vững của quốc gia; Việt Nam là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất trong khu vực với lợi thế về vị trí địa lý, dân số trẻ và nền kinh tế có độ mở cao…

Nhìn lại, dù ở diễn đàn kinh tế khu vực hay quốc tế, trong dòng chảy không ngừng nghỉ của kinh tế quốc tế dù đứng trước thuận lợi hay khó khăn, luôn sáng rõ một Việt Nam chủ động, tích cực, có trách nhiệm vì hòa bình, ổn định và sự phát triển bền vững, bao trùm; khát vọng phát triển và nâng tầm vị thế, uy tín của đất nước.

Đặt con người làm trung tâm mọi hoạt động

Khóa họp lần thứ 78 của ESCAP diễn ra khi có nhiều lo ngại về những tác động nặng nề và đa diện của đại dịch Covid-19, của các thách thức như biến đổi khí hậu, thiên tai… đến quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, đặc biệt là việc thực hiện Chương trình nghị sự năm 2030 vì sự phát triển bền vững.

 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Phiên thảo luận cấp cao Khóa họp lần thứ 78 Ủy ban Kinh tế và xã hội Liên hợp quốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Phiên thảo luận cấp cao Khóa họp lần thứ 78 Ủy ban Kinh tế và xã hội Liên hợp quốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Trong bối cảnh đó, “Một chương trình nghị sự chung nhằm thúc đẩy phát triển bền vững tại châu Á - Thái Bình Dương”- chủ đề Khóa họp, theo Việt Nam cần phải chú trọng những thành tố nào?

Tại Phiên thảo luận cấp cao, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đưa ra ba “chìa khóa” quan trọng được khái quát cụ thể.

Thứ nhất, luôn đặt con người ở trung tâm của mọi hoạt động; cần xây dựng hệ thống an sinh xã hội bảo đảm người dân có việc làm, thu nhập và được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ cơ bản; tăng cường năng lực, ứng phó và chống chịu với các thách thức mới.

Thứ hai, tăng cường kết nối khu vực, nhất là về giao thông vận tải, năng lượng, công nghệ thông tin và truyền thông; bảo đảm các chuỗi cung ứng có khả năng chống chịu; thúc đẩy chuyển đổi số, giảm khoảng cách số.

Thứ ba, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tăng cường huy động nguồn lực thực hiện các sáng kiến, nỗ lực chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang tăng trưởng carbon thấp, phát triển kinh tế và tuần hoàn, ứng phó với biến đổi khí hậu; thúc đẩy các quan hệ đối tác trong khu vực và với các khu vực khác.

Để… không bỏ ai lại phía sau

Khóa họp lần thứ 78 của ESCAP được tổ chức đúng dịp kỷ niệm 75 năm thành lập ESCAP (1947-2022). Do đó, đây là dịp để nhìn lại những thành tựu đã đạt được về phát triển kinh tế-xã hội tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và đối thoại về tương lai hợp tác, liên kết khu vực để ứng phó với các thách thức, thúc đẩy Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững và thực hiện cam kết không ai bị bỏ lại phía sau.

Với Việt Nam, đây cũng là cơ hội để một lần nữa khẳng định quyết tâm tiếp tục đóng góp một cách chủ động, tích cực, có trách nhiệm và hiệu quả vào những nỗ lực của ESCAP nói riêng và Liên hợp quốc nói chung vì hòa bình, ổn định và sự phát triển bền vững, bao trùm, không bỏ ai lại phía sau tại khu vực và trên toàn thế giới.

Phát biểu tại Phiên thảo luận cấp về những thành quả phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện Chương trình nghị sự vì sự phát triển bền của Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, năm 2021 Việt Nam xếp thứ 51/165 nước trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, tăng hơn 30 bậc so với 5 năm trước. Việt Nam đã kiểm soát được dịch bệnh Covid-19 và chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, dần phục hồi kinh tế, xã hội.

Sau lời cảm ơn, Phó Thủ tướng bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác và hỗ trợ cộng đồng quốc tế, trong đó có Liên hợp quốc nói chung và ESCAP nói riêng, để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững và các cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).

Thực hiện: Hà Phương

Đồ họa: Anh Tuấn

Nguồn ảnh: TTXVN, VGP

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/lan-toa-thong-diep-ve-hoa-binh-phat-trien-trong-giai-doan-buoc-ngoat-185562.html