Lan tỏa tiếng Việt tại đại học danh giá hàng đầu của Mỹ

Từng có thời gian dài, nhiều người Mỹ chỉ biết đến Việt Nam gắn với hai từ 'chiến tranh'. Đến nay, điều này đang thay đổi cùng với xu thế phát triển mạnh mẽ của quan hệ song phương.

Thạc sĩ Nguyễn Phương Chung và các em học viên lớp tiếng Việt. Ảnh: Đại học Columbia cung cấp.

Thạc sĩ Nguyễn Phương Chung và các em học viên lớp tiếng Việt. Ảnh: Đại học Columbia cung cấp.

Thế hệ trẻ tại Mỹ giờ đây biết đến Việt Nam là một quốc gia đang chuyển mình mạnh mẽ, một nền kinh tế năng động và hội nhập toàn cầu, đặc biệt nền văn hóa phong phú, tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc. Tiếng Việt đóng vai trò như một sứ giả trong quá trình thay đổi ấn tượng này. Hiện nay, ngày càng nhiều trường đại học tại Mỹ giảng dạy tiếng Việt, không chỉ dành cho người Mỹ gốc Việt mà cả cho đông đảo những người Mỹ quan tâm và yêu mến ngôn ngữ từ dải đất hình chữ S. Nổi bật trong số đó là Đại học Columbia - trường đại học danh tiếng nằm trong Nhóm Ivy (nhóm 8 trường đại học nổi tiếng và uy tín nhất của Mỹ).

Chương trình Việt Nam học

Chương trình Việt Nam học tại Đại học Columbia do 2 giáo sư người Mỹ gốc Việt là Liên Hằng Nguyễn và John Phan khởi xướng. Ý tưởng này đã nhận được sự ủng hộ và đầu tư của Đại học Columbia. Ngay sau đó, cả hai bắt tay xây dựng chương trình học và cùng đảm nhiệm việc giảng dạy. Theo GS. Liên Hằng, đây là chương trình nghiên cứu về Việt Nam duy nhất tại Mỹ có riêng 2 giáo sư chuyên giảng dạy Việt Nam học. Do Đại học Columbia có Khoa tiếng Việt để bổ trợ do giáo viên người Việt giảng dạy nên Chương trình Việt Nam học được xây dựng rất toàn diện và đảm bảo chất lượng cao, gồm cả khóa đại học và cao học về Việt Nam học, trong đó có giảng dạy về Lịch sử Việt Nam.

Với phương châm và hướng đi đúng đắn, Chương trình Việt Nam học kể từ khi thành lập đã duy trì mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với các tổ chức học thuật hàng đầu của Việt Nam, bao gồm Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Thông tin & Công nghệ, Viện Lịch sử và Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Đông Á của Đại học Columbia trước đó cũng ký Biên bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác với Học viện Ngoại giao Việt Nam. Đây là cơ sở để hai trường khám phá những cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, học tập và nghiên cứu, trao đổi sinh viên và giảng viên, chia sẻ kinh nghiệm về mô hình đào tạo đại học và sau đại học.

Học tiếng Việt để “giữ nguồn cội”

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân gặp gỡ Giáo sư Liên Hằng và Thạc sĩ Nguyễn Phương Chung tại Đại học Columbia trong khuôn khổ chuyến công tác tới LHQ và Hoa Kỳ tháng 3/2024. Ảnh: Thanh Tuấn - TTXVN tại Mỹ

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân gặp gỡ Giáo sư Liên Hằng và Thạc sĩ Nguyễn Phương Chung tại Đại học Columbia trong khuôn khổ chuyến công tác tới LHQ và Hoa Kỳ tháng 3/2024. Ảnh: Thanh Tuấn - TTXVN tại Mỹ

Thạc sĩ Nguyễn Phương Chung, Giảng viên kiêm Giám đốc Chương trình tiếng Việt thuộc Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Đông Á (Đại học Columbia), cho biết ngày càng nhiều người Mỹ quan tâm học tiếng Việt. Có hai nhóm sinh viên, một nhóm là người Mỹ gốc Việt và một nhóm là sinh viên người Mỹ. Với các bạn người Mỹ gốc Việt, lý do đầu tiên thôi thúc học tiếng Việt là nhu cầu kết nối và hiểu biết hơn về văn hóa nguồn cội dân tộc, về đất nước quê hương xứ sở của mình.

Với nhiều em, học tiếng Việt trở thành niềm đam mê lớn vì mỗi ngày đến lớp là mỗi ngày được biết thêm những nét văn hóa đặc sắc như văn hóa gia đình, văn hóa ứng xử giữa bố mẹ và con cái, giữa ông bà và các cháu, quan hệ hàng xóm láng giềng... Đây là những đặc điểm khác biệt giữa văn hóa Việt Nam và với văn hóa Mỹ. Biết tiếng mẹ đẻ và hiểu hơn về văn hóa dân tộc, nhiều bạn trẻ gốc Việt sinh ra ở Mỹ coi tiếng Việt là động lực để thay đổi những khúc mắc do bất đồng ngôn ngữ trong không ít gia đình.

Em Lưu Thị Tường Vy, sinh ra và lớn lên tại thành phố San Diego (bang California), chia sẻ: “Em muốn học tiếng Việt để có thể hiểu gia đình tốt hơn vì em thấy khi lớn lên, có nhiều tâm tư rất khó nói chuyện với ba mẹ. Em sẽ cố gắng tập dùng tiếng Việt nhiều hơn để hiểu gia đình mình”. Tường Vi cũng khuyên các bạn trẻ người Mỹ gốc Việt nên duy trì tiếng mẹ đẻ, một phần là để biết về nguồn cội, một phần cũng góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Tiếng Việt – Sứ giả hòa bình

Một tiết học tiếng Việt của các học viên năm thứ nhất. Ảnh: Phương Chung

Một tiết học tiếng Việt của các học viên năm thứ nhất. Ảnh: Phương Chung

Với những bạn trẻ người Mỹ, tiếng Việt lại có sức hấp dẫn theo một cách khác. Trước đây, anh Jonathan Formella và hầu hết bạn bè chỉ biết Việt Nam qua sách báo và các phương tiện truyền thông của Mỹ và phương Tây. Năm 2023, Jonathan sang Hà Nội sinh sống trong gần 1 năm. Chuyến đi đã để lại trong chàng sinh viên Mỹ những ấn tượng sâu đậm về một Việt Nam phát triển, người dân nồng hậu thân thiện, một nền văn hóa đặc sắc, phong phú và vô cùng ấm áp. Anh Jonathan Formella chia sẻ: “Việt Nam và Mỹ có một quan hệ rất đặc biệt vì trước đây hai nước có thời gian dài đối đầu. Tôi học tiếng Việt để thể hiện sự tôn trọng Việt Nam, để hiểu đúng hơn về lịch sử quan hệ song phương và hiểu nhiều hơn về văn hóa Việt Nam. Hy vọng trong tương lai, tôi có thể sử dụng tiếng Việt để giúp nhiều người Mỹ hiểu hơn về Việt Nam”.

Trong khi đó, cơ duyên học tiếng Việt với nữ sinh Sophie Arnstein (tới từ thành phố Boston, bang Massachusetts) lại khác. Duyên dáng trong tà Áo dài truyền thống, Sophie Arnstein tâm sự: “Lúc đầu, tôi học tiếng Việt vì muốn nói chuyện với người bạn thân thuận tiện hơn. Bằng cách học ngôn ngữ của cô ấy, tôi muốn chứng tỏ sự tôn trọng của mình. Tôi cho rằng để hiểu một nền văn hóa, điều cần thiết là học ngôn ngữ của nền văn hóa ấy, đặc biệt là nền văn hóa đặc sắc như Việt Nam. Quyết định ấy đã mở ra cho tôi một thế giới mới. Điều ấy thật tuyệt vời”. Chỉ sau vài tháng học tiếng, Sophie đã thực hiện chuyến du lịch đến Việt Nam, đi thăm những danh lam thắng cảnh như Phố cổ Hội An, Cố đô Huế, Hồ Gươm hay Vịnh Hạ Long vốn trước đây chỉ biết qua phim ảnh, sách báo. Nữ sinh Đại học Columbia cho biết cô ngày càng thấy gần gũi với Việt Nam và hy vọng một ngày không xa sẽ đến sống, làm việc tại đất nước này.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Phương Chung, tiếng Việt không chỉ là một ngôn ngữ, mà thật sự đã trở thành cầu nối gắn kết những người Việt xa xứ, đồng thời mở ra cách cửa mới chào đón bạn bè quốc tế đến với Việt Nam. Với vị thế, uy tín quốc tế ngày càng cao, văn hóa Việt Nam, ngôn ngữ Việt Nam thật sự đóng vai trò như là “sứ giả” để truyền tải tới bạn bè quốc tế hình ảnh một nước Việt Nam năng động; một thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; một Việt Nam thịnh vượng với nền văn hóa nhân văn, tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Thanh Tuấn (P/v TTXVN tại Mỹ)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/nguoi-viet-4-phuong/lan-toa-tieng-viet-tai-dai-hoc-danh-gia-hang-dau-cua-my-20250124103456058.htm