Sinh viên cật lực làm thêm mong kiếm vài triệu đồng dịp Tết

Thay vì về quê từ sớm, nhiều sinh viên ở các trường đại học chọn ở lại Hà Nội làm thêm đến ngày giáp Tết với mục tiêu đạt được vài triệu đồng sau hơn tuần làm việc.

Nghỉ Tết sớm, nhiều sinh viên làm thêm những ngày giáp Tết. Ảnh: Đỗ Hợp

Nghỉ Tết sớm, nhiều sinh viên làm thêm những ngày giáp Tết. Ảnh: Đỗ Hợp

Văn Dũng, sinh viên năm thứ hai (Cao đẳng FPT), chọn ở lại Hà Nội làm thêm đến ngày giáp Tết.

Công việc của Dũng là làm tài xế beBike mỗi ngày làm tới 15 tiếng. Đây là việc làm thêm của em từ khi ở Thái Bình lên Hà Nội nhập học mấy năm qua. Ngày thường, mỗi ngày tùy vào lịch học Dũng chạy xe kiếm thêm lấy tiền trang trải tiền trọ học và tiền ăn, nhưng từ ngày 20 tháng Chạp, em được nghỉ học và chạy cả ngày. Mấy ngày đầu cậu làm từ 7h sáng đến 12 giờ đêm, thù lao kiếm được chỉ gấp đôi ngày thường (khoảng 500-800.000 đồng một ngày).

"Chạy cả ngày, dù giá có tăng những giờ cao điểm nhưng đường sá Hà Nội mấy ngày Tết rất đông nên hiệu quả chỉ được hơn ngày thường một chút. Nhưng em cố gắng làm đến 28 Tết rồi tự chạy xe về quê. Tính đến ra Tết lại đóng tiền trọ, tiền ăn nên em muốn tranh thủ kiếm thêm, sau Tết có muốn chạy xe cả ngày cũng khó", Dũng nói.

Dũng bảo, cố làm gần ngày đợt Tết khoảng được 5-6 triệu, hơn cả tháng làm trước đây nên em phải cố.

Tết năm nay, Thu Hương (Hoài Đức, Hà Nội), sinh viên năm 2 Đại học Quốc gia Hà Nội, cũng chọn làm thêm cận Tết, thay vì về quê luôn. Khi bạn bè lục đục rời thành phố từ cả tuần trước thì Hương nhận làm thêm nhiều giờ hơn so với những ngày thường: “Em nhận đi bán giày dép cho một chị bạn cùng quê quen biết. Mỗi ngày em nhận được 700.000 đồng. Tổng số ngày nhận việc là 8 ngày, em sẽ kiếm được một khoản kha khá", Hương nói.

Được nghỉ khá sớm từ ngày 22, Văn Thành (Thanh Thủy, Phú Thọ) nhận những công việc như vệ sinh công nghiệp, hoặc quét sơn cùng với hai bác cùng quê. Trung bình, mỗi ngày thù lao của Thành là 550.000- 800.000 đồng. Đến sau 24 Tết, công việc của em được 1,2 triệu đồng/ngày.

“Vì lương khá cao dù công việc có vất vả nhưng chỉ làm trong 8 tiếng kiếm được số tiền lớn nên năm ngoái và năm nay em đều cố gắng làm đến sau 27 Tết mới về quê", Thảnh chia sẻ.

Quê tại huyện Mê Linh, Hà Nội, Nguyễn Thảo, sinh viên năm cuối, trường Học viện Ngân hàng, kết thúc ca làm việc cuối cùng của mình ở một công ty bán mỹ phẩm Hàn Quốc vào 28 Tết. Công việc của Thảo là chốt đơn cho khách hàng mua online. Nữ sinh cho biết, ngày thường em chỉ làm thêm 2-3 tiếng nhưng những ngày nghỉ, mỗi ca làm việc kéo dài 6 tiếng, có thể chọn sáng, chiều hoặc tối. Mỗi ca, Thảo được trả 600.000 đồng hoặc hơn, tùy thời điểm, tổng cộng hơn tuần sát Tết, em nhận khoảng 7 – 8 triệu đồng.

Lý do làm thêm dịp Tết, theo cả các sinh viên là vì muốn có thêm thu nhập trang trải học phí và hỗ trợ bố mẹ một khoản do Tết phải chi tiêu nhiều.

"Nhìn bạn bè kéo hành lý về quê sớm, em cũng chạnh lòng, nhưng muốn đỡ đần cha mẹ nên phải cố gắng", Thảo nói.

Còn Thành nhận tiền làm thêm xong dự tính đưa mẹ một khoản, đổi tiền để lì xì và mua ít bánh kẹo ngon, giò bê về để cả nhà dùng trong dịp Tết.

Trong khi đó, dù gia đình không quá túng thiếu, nhưng Thu Hương vẫn muốn tự trang trải cuộc sống ở thành phố. Nữ sinh quê ở vùng ngoại thành Hà Nội cho rằng ở nhà lo và sắm Tết đã có cha mẹ.

"Lúc đầu nghe em nói làm thêm, ban đầu ba mẹ không đồng ý. Nhưng em thuyết phục rằng làm dịp này lương cao, tiết kiệm được sẽ có khoản để đi ôn thi chứng chỉ IELTS sau Tết nên mẹ em đồng ý", Hương nói.

Ngoài thu nhập, nhiều sinh viên chia sẻ, việc làm thêm giúp các em học cách quản lý, sự kiên nhẫn và cách xử lý tình huống. Văn Dũng, sinh viên năm thứ hai (Cao đẳng FPT) đánh giá đây đều là những kỹ năng cần thiết với sinh viên như em.

“Nghe về vụ shipper bị đánh ầm ĩ dư luận vừa qua bố mẹ cũng sợ gọi điện bảo em về nhưng em vẫn cố gắng làm đến sát Tết như dự định”- Dũng chia sẻ.

Dũng cho rằng, muốn làm thêm dịp Tết, các bạn sinh viên nên cẩn trọng, tìm hiểu kỹ về địa điểm hoặc tổ chức cung cấp vị trí việc làm.

"Thông tin đăng tuyển rất nhiều, nhưng cần tỉnh táo chọn lọc, kiểm tra thực tế. Không nên làm ở những nơi không có hợp đồng. Nếu có thể chọn đi làm với người quen, công việc có sẵn không phải tìm, được chọn công việc, tránh rủi ro như nợ lương, quỵt lương mà thu nhập lại tốt”- sinh viên này chia sẻ.

Đỗ Hợp

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/sinh-vien-cat-luc-lam-them-mong-kiem-vai-trieu-dong-dip-tet-post1712511.tpo