Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong học sinh

Để thực hiện Đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025 theo Quyết định số 1665/QĐ/TTg, ngày 30-10-2017của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Kiên Giang thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo trong học sinh.

TẬN DỤNG NGUYÊN LIỆU BẢN ĐỊA

Trường Trung học phổ thông (THPT) Châu Thành (Châu Thành) có hai ý tưởng tham gia cuộc thi ý tưởng học sinh, sinh viên khởi nghiệp khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần thứ II năm 2023 do mạng lưới hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp khu vực đồng bằng sông Cửu Long tổ chức. Hai ý tưởng đều đoạt giải; trong đó, ý tưởng “Phân bón hữu cơ từ rác thải nông nghiệp và thủy sản” của nhóm học sinh Trần Ngọc Đan Thanh, Nguyễn Lý Ngọc Thảo, Từ Gia Huy đoạt giải khuyến khích.

Hai em Trần Ngọc Đan Thanh, Nguyễn Lý Ngọc Thảo phát triển ý tưởng “Phân bón hữu cơ từ rác thải nông nghiệp và thủy sản” thành dự án. Em Đan Thanh cho biết: “Thấy lượng rác nông nghiệp và thủy sản thải ra môi trường rất lớn, em nảy sinh ý tưởng xử lý rác thải, sản xuất thành phân bón hữu cơ. Dự án này tận dụng nguồn nguyên liệu là rác thải trên địa bàn huyện Châu Thành, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế từ rác thải, phát triển nền nông nghiệp bền vững”.

Hai em Trần Ngọc Đan Thanh, Nguyễn Lý Ngọc Thảo.

Hai em Trần Ngọc Đan Thanh, Nguyễn Lý Ngọc Thảo.

Đối với phân bón hữu cơ từ rác thải nông nghiệp, nhóm đã thu gom phế phẩm nông nghiệp như tàu dừa khô, vỏ dừa, lục bình, vỏ cau… xay nhuyễn trộn cùng phân động vật. Hỗn hợp này được ủ với men vi sinh sau 2-3 tháng, cho ra thành phẩm phân bón; sau đó được xay nhuyễn lần nữa để cho ra sản phẩm bón trực tiếp cho cây trồng...

Sản phẩm đóng bao 5kg, 10kg với giá 6.000 đồng/kg. Đối với phân bón hữu cơ từ rác thải thủy sản, nhóm thu gom rác thải của các công ty chế biến thủy sản trên địa bàn như nội tạng mực, vỏ tôm, ruột cá… chứa trong bể hoặc thùng phuy, ủ cùng hỗn hợp men vi sinh. Thành phẩm là dạng lỏng, sử dụng bằng cách pha loãng với nước phun qua lá hoặc tưới gốc cây trồng.

Dự án “Bánh tráng ngọt Thạnh Hưng” của hai em Lê Thị Cẩm Tuyết và Đỗ Cao Tú Bình - học sinh lớp 11T1A Trường THPT Giồng Riềng (Giồng Riềng) hướng đến mục tiêu góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tăng thu nhập cho các cơ sở sản xuất bánh tráng, tác động tích cực đến sự phát triển làng nghề sản xuất bánh tráng Thạnh Hưng.

Em Cẩm Tuyết chia sẻ: “Sản phẩm bánh tráng Thạnh Hưng đã có trên thị trường với nhiều ưu điểm như bánh ngon, nguyên liệu từ thiên nhiên, không sử dụng phẩm màu và chất bảo quản, nhưng ít người biết đến. Đối tác chúng em hướng đến là các tiệm tạp hóa, cửa hàng bánh kẹo, kênh online, khu du lịch nhằm đưa sản phẩm bánh tráng ngọt Thạnh Hưng đến với nhiều người tiêu dùng”.

Năm 2023, Sở Giáo dục và Đào tạo Kiên Giang chọn 5 dự án tham gia vòng bán kết cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp năm 2023 (SV_STARTUP-2023) do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Dự án “Phân bón hữu cơ từ rác thải nông nghiệp và thủy sản” và “Bánh tráng ngọt Thạnh Hưng” là hai trong năm dự án được chọn. Trước đó, từ năm 2019-2022 toàn tỉnh có 10 dự án dự thi cấp quốc gia.

Em Lê Thị Cẩm Tuyết giới thiệu sản phẩm bánh tráng ngọt Thạnh Hưng tại căn tin Trường THPT Giồng Riềng.

Em Lê Thị Cẩm Tuyết giới thiệu sản phẩm bánh tráng ngọt Thạnh Hưng tại căn tin Trường THPT Giồng Riềng.

HỖ TRỢ KHỞI NGHIỆP

Để thực hiện đạt hiệu quả đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025, các cơ sở giáo dục ở Kiên Giang tăng cường tích hợp giáo dục hướng nghiệp, giáo dục khởi nghiệp, các hoạt động giáo dục gắn với thực tiễn sản xuất, kinh doanh tại địa phương vào giảng dạy. Học sinh nắm được những thông tin về ngành, nghề cần phát triển tại địa phương, hình thành năng lực nghề nghiệp và tinh thần kinh doanh, khởi nghiệp.

Sở Giáo dục và Đào tạo Kiên Giang chỉ đạo các cơ sở giáo dục đẩy mạnh các hoạt động trải nghiệm, sáng tạo, nghiên cứu khoa học, kỹ thuật trong học sinh; tổ chức các câu lạc bộ về khởi nghiệp tại các trường trung học; tạo điều kiện cho các em tham gia các cuộc thi về khởi nghiệp nhằm phát huy tính sáng tạo, ý tưởng kinh doanh và áp dụng kiến thức đã học để lập các dự án khởi nghiệp...

Từ năm 2019-2023, Sở Giáo dục và Đào tạo Kiên Giang tổ chức 4 lớp tập huấn về giáo dục khởi nghiệp cho 500 cán bộ quản lý, giáo viên; tổ chức 2 hội thảo, 1 cuộc đối thoại về giáo dục khởi nghiệp cho học sinh trung học. Đồng thời, hỗ trợ kinh phí cho các trường trung học tham gia các hoạt động trải nghiệm về khởi nghiệp với kinh phí gần 400 triệu đồng.

Bài và ảnh: BÍCH TUYỀN

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/giao-duc/lan-toa-tinh-than-khoi-nghiep-trong-hoc-sinh-18065.html