Lan tỏa tinh thần thi đua yêu nước ở thành phố mang tên Bác

Thi đua yêu nước từ lâu đã trở thành truyền thống quý báu của TP Hồ Chí Minh. Trong mỗi giai đoạn phát triển, thành phố luôn phát huy được truyền thống tốt đẹp ấy, tạo động lực cho mỗi người dân ra sức thi đua, sáng tạo để xây dựng thành phố mang tên Bác trở thành đô thị thông minh, hiện đại, nghĩa tình.

Một góc TP Hồ Chí Minh hôm nay. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Một góc TP Hồ Chí Minh hôm nay. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Thi đua yêu nước từ lâu đã trở thành truyền thống quý báu của TP Hồ Chí Minh. Trong mỗi giai đoạn phát triển, thành phố luôn phát huy được truyền thống tốt đẹp ấy, tạo động lực cho mỗi người dân ra sức thi đua, sáng tạo để xây dựng thành phố mang tên Bác trở thành đô thị thông minh, hiện đại, nghĩa tình.

Sáng tạo trong thực hiện các phong trào

Đồng hành với các phong trào thi đua sôi nổi của cả nước, trong 5 năm qua, phong trào thi đua yêu nước của thành phố đã phát triển mạnh mẽ và đi vào chiều sâu, trở thành ngọn cờ hiệu triệu tất cả người dân tham gia xây dựng, bảo vệ và phát triển thành phố. Bên cạnh những phong trào thi đua do trung ương phát động, như: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”…, TP Hồ Chí Minh còn phát động nhiều phong trào thi đua riêng như: “Giảm ô nhiễm môi trường”, “Cải cách hành chính”, “Bảo đảm trật tự an toàn giao thông”… Các phong trào thi đua được các ngành, các cấp, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, quận, huyện, cùng mỗi người dân hưởng ứng sôi nổi, mang lại những kết quả tích cực, góp phần tạo khí thế trong sản xuất, kinh doanh, lao động sáng tạo, làm cho kinh tế - xã hội thành phố phát triển ổn định, ngay cả trong những thời điểm khó khăn nhất.

Có thể nói, TP Hồ Chí Minh là một trong những cái nôi khởi nguồn của nhiều phong trào thi đua yêu nước sáng tạo, trong đó có phong trào xóa đói giảm nghèo, mà nay đã trở thành phong trào thi đua “Chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” của cả nước. Qua mỗi giai đoạn phát triển của thành phố, phong trào chung tay vì người nghèo vẫn có sức lan tỏa mạnh mẽ, đi sâu vào đời sống nhân dân để trở thành việc làm thường xuyên của các cấp, các ngành, của mỗi người dân. Với nhiều cách làm sáng tạo, quyết liệt, đến nay tổng số hộ nghèo của thành phố chỉ còn 3.128 hộ, chiếm 0,13% số hộ dân; tổng số hộ cận nghèo là 15.197 hộ, chiếm 0,62%, đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 10 đề ra trước thời hạn một năm. Thành phố giờ đây cũng không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc diện chính sách, người có công. Bên cạnh thực hiện các phong trào thi đua chuyên đề của Trung ương, TP Hồ Chí Minh vẫn thường xuyên tổ chức các đợt thi đua ngắn ngày, theo từng chủ điểm, nhằm tháo gỡ những vướng mắc, tạo sự đột phá trong xây dựng, phát triển thành phố. Để chào mừng Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 11, nhiệm kỳ 2020 - 2025, thành phố đã phát động đợt thi đua 200 ngày chào mừng đại hội đảng bộ các cấp. Dù phát động trong thời điểm dịch Covid-19 đang hoành hành, nhưng đợt thi đua đã gặt hái được nhiều kết quả thiết thực, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của thành phố trong một năm nhiều thách thức, khó khăn.

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong cho biết: Cùng với Đại hội Thi đua yêu nước thành phố lần thứ 7, phong trào thi đua 200 ngày chào mừng đại hội đảng bộ các cấp đã khơi dậy và cổ vũ các cấp, các ngành nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ, nhất là thực hiện nhiệm vụ kép “vừa phát triển kinh tế, vừa phòng chống dịch”. Thực tiễn qua 200 ngày thi đua cho thấy, phong trào đã thật sự thấm sâu ở từng đơn vị, từng cá nhân, hoạt động thi đua không chỉ dừng lại ở việc phát động đơn thuần mà đã tạo nên quyết tâm lớn và sự lan tỏa sâu rộng để huy động sức mạnh to lớn của toàn xã hội, cùng nhau thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của thành phố. Phong trào thi đua 200 ngày đã tạo sự chuyển biến rất lớn khi 893 trong số 1.092 công trình, dự án hoàn thành đúng tiến độ, đạt 81,8%. Đặc biệt, có một số công trình, dự án tiêu biểu đóng góp quan trọng vào sự phát triển của thành phố như: 317 trong tổng số 322 phường, xã, thị trấn được công nhận “sạch, không xả rác ra đường và kênh rạch” đạt 98,4% (vượt chỉ tiêu là 90%); tình trạng xây dựng sai phép, không phép cơ bản đã được khắc phục khi giảm 80,4% (vượt chỉ tiêu là giảm từ 70% đến 80%)…

Nét mới trong tổ chức phong trào thi đua của TP Hồ Chí Minh thời gian qua đó là, việc xây dựng các mô hình giải pháp thi đua phù hợp tình hình thực tế của từng đơn vị. Thông qua hoạt động cụm, khối thi đua đã phát huy có hiệu quả tính chủ động, sáng tạo của các cụm trưởng, khối trưởng hằng năm trong việc tổ chức triển khai nội dung, tiêu chí phong trào thi đua, ký kết giao ước thi đua giữa các đơn vị trong từng cụm, khối thi đua. Việc tổ chức kiểm tra, theo dõi, đôn đốc phong trào thi đua cũng được duy trì thường xuyên; hoạt động cụm, khối thi đua đã trở thành nhu cầu cần thiết.

Những điểm sáng

Từ phong trào thi đua yêu nước đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, nhiều nhân tố mới, nhiều điển hình tập thể, cá nhân với hàng nghìn sáng kiến, giải pháp hữu ích trên hầu hết các lĩnh vực, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Hồ Chí Minh Tô Thị Bích Châu cho biết: Tuy chưa thể định lượng chính xác hiệu quả về kinh tế - xã hội, nhưng có thể dễ dàng nhận thấy qua các hoạt động của tổ chức mặt trận, các giới, các tầng lớp nhân dân đã quan tâm, tích cực tham gia các phong trào thi đua của thành phố ngày càng nhiều hơn. Người dân tích cực tham gia góp ý và quyết định việc thực hiện các kế hoạch, công trình tại khu dân cư; đóng góp để nâng cấp, mở rộng các tuyến đường, tuyến hẻm; lắp đặt hệ thống ca-mê-ra quan sát để phòng ngừa tội phạm, phòng chống xả rác bừa bãi, bảo vệ môi trường; công trình chăm lo cho hộ nghèo; tham gia ý kiến sửa đổi, bổ sung các quy ước phù hợp tình hình thực tế của địa phương,… Đó là kết quả thực hiện linh động, sáng tạo phương châm “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”, khơi gợi sức sáng tạo, nguồn lực to lớn trong nhân dân.

Qua các phong trào thi đua yêu nước, người dân thành phố còn biết đến ông Tống Hữu Châu, phường Thạnh Xuân, quận 12, là chủ trại cá Châu Tống, luôn trăn trở, dám nghĩ, dám làm để nghề nuôi cá cảnh ở thành phố ngày thêm phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân. Đến nay, ông đã xây dựng hơn 20 vệ tinh và tiêu thụ sản phẩm cá cảnh, cá thịt cho nông dân trên địa bàn thành phố và các tỉnh lân cận. Không chỉ thế, ông đã mở rộng thị trường khi cung cấp cho 20 đầu mối tỉnh, thành phố trong cả nước, và đưa con cá cảnh Việt Nam xuất khẩu đi các nước như Mỹ, Ca-na-đa, Hàn Quốc, Ma-lai-xi-a, I-xra-en… Một trong những gương điển hình trong phong trào yêu nước TP Hồ Chí Minh 5 năm qua còn có ông Kao Siêu Lực, mà gần đây người dân vẫn quen gọi với cái tên gần gũi “ông vua bánh mì thanh long”. Ông Kao Siêu Lực chia sẻ, trước tình hình dịch Covid-19 vừa qua, qua truyền thông ông biết được có hơn 300 công-ten-nơ mặt hàng nông sản của Việt Nam bị tắc nghẽn tại các cửa khẩu, trong đó có các mặt hàng như thanh long, dưa hấu, sầu riêng… Hiểu được nỗi khổ của người dân, ông đã táo bạo biến ý tưởng làm bánh mì từ nguyên liệu thanh long trở thành hiện thực. Và ông đã thực hiện ý tưởng độc đáo của mình. Những chiếc bánh mì thanh long không chỉ phần nào giúp đỡ người nông dân dịu bớt khó khăn, cơ cực mà còn trở thành món ăn dinh dưỡng hỗ trợ đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế… nơi tuyến đầu phòng, chống dịch trong những ngày qua.

Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nhận định, thực tế 45 năm qua đã chứng minh, phần lớn thành công của thành phố đều xuất phát từ các phong trào thi đua. Chính phong trào thi đua đã tạo động lực cho sự phát triển và cổ vũ, khích lệ tinh thần đổi mới, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, giúp thành phố luôn giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế, là trung tâm nhiều mặt của cả nước. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, người dân vẫn luôn tràn đầy nỗ lực vươn lên, càng khó khăn càng thể hiện bản lĩnh và khát vọng lớn để hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Cùng với đó, thành phố không ngừng đổi mới từ nội dung đến hình thức, làm cho phong trào thi đua thật sự thấm sâu ở từng đơn vị, từng con người cụ thể, để hoạt động thi đua không chỉ dừng lại ở việc phát động đơn thuần mà tạo nên sức sống và sự lan tỏa sâu rộng trong nhân dân, góp phần tạo ra động lực tinh thần và sức mạnh tổng hợp của toàn thể xã hội.

Với truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, TP Hồ Chí Minh sẽ có thêm nhiều phong trào thi đua thiết thực, khơi dậy được sức dân, để phong trào thi đua yêu nước trở thành nguồn động lực to lớn, đưa thành phố phát triển nhanh, bền vững, sớm trở thành thành phố thông minh trong tương lai không xa.

VÕ MẠNH HẢO

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/lan-toa-tinh-than-thi-dua-yeu-nuoc-o-thanh-pho-mang-ten-bac-627588/