Lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nhân ái trong toàn xã hội

Từ chủ trương mang đậm tính nhân văn của Đảng và Nhà nước, chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát đang từng bước hiện thực hóa ước mơ an cư lạc nghiệp cho hàng trăm nghìn người dân nghèo.

Nhiều căn nhà kiên cố thay thế những căn nhà tạm, nhà dột nát ở xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang. Ảnh: Quang Cường/TTXVN

Nhiều căn nhà kiên cố thay thế những căn nhà tạm, nhà dột nát ở xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang. Ảnh: Quang Cường/TTXVN

Với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và tinh thần sẻ chia của toàn xã hội, đến nay đã có 19 địa phương trên cả nước không còn nhà tạm, nhà dột nát. Đây là minh chứng sinh động cho một chính sách đi vào lòng dân, lan tỏa bằng trách nhiệm, tình thương và nghĩa đồng bào sâu sắc.

Phong trào thi đua rộng khắp

Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn kiên định mục tiêu phát triển đất nước đi đôi với bảo đảm an sinh xã hội, không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế thuần túy. Việc bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt cho người yếu thế, người nghèo, người có công với cách mạng… luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Và Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát là sự nối dài logic nhất quán trong đường lối phát triển của Đảng ta - lấy dân làm gốc, đặt con người làm trung tâm.

Khởi nguồn từ chỉ đạo của Trung ương, trực tiếp là Tổng Bí thư Tô Lâm, chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát đã nhanh chóng trở thành phong trào thi đua rộng khắp. Các cấp ủy đảng, chính quyền từ Trung ương đến cơ sở đều xác định đây là nhiệm vụ chính trị, xã hội trọng tâm trong năm 2025 - năm của những sự kiện chính trị lớn, đặc biệt là tiến tới Đại hội Đảng lần thứ XIV.

Quan trọng hơn, chương trình không chỉ hướng đến việc xây dựng mái nhà vật chất mà còn xây dựng niềm tin, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nhân ái trong toàn xã hội. Mỗi căn nhà được dựng lên là một biểu tượng của nghĩa đồng bào, là sợi dây gắn kết giữa người dân với Đảng, giữa những trái tim thiện nguyện và những phận người còn nhiều gian khó.

Theo thống kê từ Bộ Dân tộc và Tôn giáo, tính đến ngày 17/5/2025, đã có 19 địa phương trên cả nước hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát, gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Cần Thơ, Khánh Hòa, Tây Ninh, Trà Vinh, Bình Phước, Vĩnh Long, Kiên Giang, Sơn La, Bình Định, Bình Phước và Hậu Giang.

Đây là kết quả của sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, từ Ban Chỉ đạo Trung ương đến từng xã, thôn, bản; là sự cộng hưởng từ nguồn lực nhà nước, doanh nghiệp và người dân; và là minh chứng rõ ràng cho tinh thần “mỗi người góp một tay, mỗi nhà san sẻ một phần”, tạo nên sức mạnh tổng hợp.

Theo đó, đến nay, các bộ, cơ quan, đơn vị, ngân hàng, tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp đã chuyển 3.142,8/3.464 tỷ đồng (theo phương án huy động nguồn lực tại Chương trình phát động ngày 5/10/2024); các đơn vị còn lại đang phối hợp với địa phương hoàn thiện hồ sơ đề chuyển kinh phí hỗ trợ, dự kiến hoàn thành trong tháng 5/2025.

Cùng với đó, Quỹ “Vì người nghèo" Trung ương đã tiếp nhận trên 84,44 tỷ đồng hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát; Ban Vận động Quỹ “Vì người nghèo" Trung ương đã phân bổ 13,74 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa 240 căn nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo của một số địa phương; hiện Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương còn dư gần 92 tỷ đồng sẽ tiếp tục phân bổ, hỗ trợ các địa phương trong thời gian tới.

Một số bộ, ngành tham gia tích cực chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát như: Các bộ, ngành đã đóng góp nguồn lực đáng kể: Bộ Công an hỗ trợ 645 tỷ đồng, tương đương 12.500 căn nhà; Bộ Quốc phòng không chỉ tài trợ 595 tỷ đồng mà còn huy động 21.167 lượt cán bộ, chiến sĩ, đóng góp hơn 76.000 ngày công; ngành ngân hàng đóng góp gần 1.350 tỷ đồng…

Ngoài ra, sự đóng góp của doanh nghiệp và người dân là yếu tố then chốt. Họ không chỉ ủng hộ vật chất mà còn góp công sức, ý tưởng, giải pháp - từ việc cho mượn đất, cung cấp nhân công, hỗ trợ vật liệu đến vận động những người xung quanh cùng chung tay giúp sức.

Quyết tâm đến ngày 31/10/2025 cơ bản hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát

Tại Phiên họp thứ tư của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, trưởng Ban Chỉ đạo, nhấn mạnh cần tiếp tục thống nhất phương hướng, cách thức thực hiện, quyết tâm đến ngày 31/10/2025 cơ bản hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước”, rút ngắn 2 tháng so với mục tiêu ban đầu.

Dù đã những kết quả rất đáng ghi nhận, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, nhiệm vụ từ nay đến ngày 31/10/2025 vẫn còn rất nặng nề. Trong đó, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người có công với cách mạng vẫn có nơi chưa như mong muốn…

Thủ tướng chỉ đạo Ban Chỉ đạo phải “nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật để nhân dân được hưởng thành quả thật”. Tinh thần chủ đạo xuyên suốt là “chỉ bàn làm, không bàn lùi”. Đặc biệt phải cụ thể hóa chương trình thành các kế hoạch hành động trọng tâm, trọng điểm, phân công rõ ràng theo nguyên tắc “6 rõ”: rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ thời gian, rõ kết quả; đề cao trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu.

Trong lộ trình cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ưu tiên hoàn thành hỗ trợ nhà ở cho thân nhân liệt sĩ trước ngày 27/7, cho người có công với cách mạng trước ngày 2/9/2025 - những mốc thời gian có ý nghĩa lịch sử, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

Để bảo đảm tiến độ, Chính phủ đã đề ra một loạt giải pháp đồng bộ và quyết liệt. Trước hết, là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp, tăng cường năng lực thực thi của các địa phương. Cùng với đó là kiên quyết cắt bỏ các thủ tục hành chính rườm rà, xử lý dứt điểm những rào cản pháp lý về đất đai, tài chính, xây dựng, vốn làm chậm tiến độ triển khai.

Thủ tướng cũng yêu cầu phát huy tối đa nội lực của địa phương, khuyến khích tinh thần tự lực, tự cường, không trông chờ ỷ lại, đồng thời khơi dậy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái của dân tộc với phương châm hành động: “mỗi người góp một tay, mỗi nhà san sẻ một phần; ai có gì góp nấy, ai có công góp công, ai có của góp của, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít”. Đây không chỉ là giải pháp về nguồn lực, mà còn là cách khơi dậy lòng nhân ái, truyền cảm hứng và khích lệ tinh thần cộng đồng trong xã hội.

Không dừng lại ở việc ra chỉ đạo chung, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành:

Bộ Dân tộc và Tôn giáo có trách nhiệm theo dõi sát sao, cập nhật tiến độ hằng ngày, chủ động tháo gỡ khó khăn cho địa phương và kịp thời tham mưu Thủ tướng giải quyết các vấn đề vượt thẩm quyền. Đồng thời, phối hợp với Bộ Tài chính và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để phân bổ hợp lý nguồn kinh phí từ Quỹ “Vì người nghèo” và nguồn tiết kiệm chi thường xuyên năm 2024, bảo đảm không có địa phương nào bị “đứt gãy” về tài chính.

Bộ Tài chính hướng dẫn các địa phương tạm ứng ngân sách nếu cần thiết, đồng thời chủ trì phân bổ kinh phí hỗ trợ nhà ở cho người có công và thân nhân liệt sĩ đúng thời gian, đúng đối tượng.

Bộ Xây dựng khẩn trương sửa đổi hướng dẫn về mức hỗ trợ nhà ở thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia cho đồng bộ với chương trình tổng thể. Bộ cũng được giao nhiệm vụ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên - Môi trường để hướng dẫn tháo gỡ các vướng mắc về quy hoạch đất đai, bảo đảm tiến độ xây dựng và chất lượng nhà ở.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đôn đốc các tổ chức tín dụng tích cực chuyển kinh phí cam kết hỗ trợ, bảo đảm đúng tiến độ.

Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu và đại diện lãnh đạo Bộ công an thực hiện nghi thức khánh thành, bàn giao nhà đến hộ dân. Ảnh: Chanh Đa/TTXVN

Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu và đại diện lãnh đạo Bộ công an thực hiện nghi thức khánh thành, bàn giao nhà đến hộ dân. Ảnh: Chanh Đa/TTXVN

Đối với các địa phương, Thủ tướng nhấn mạnh, người đứng đầu phải là trung tâm chỉ huy, nêu gương trong hành động, có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, và chịu trách nhiệm cá nhân về kết quả thực hiện. Các tỉnh, thành phố cần rà soát kỹ lưỡng đối tượng thụ hưởng, đảm bảo công bằng, đúng quy định, không để xảy ra tình trạng trục lợi chính sách hay sai lệch số liệu. Bên cạnh đó, các địa phương cần tiếp tục huy động hiệu quả mọi nguồn lực, trong đó có đóng góp từ cộng đồng doanh nghiệp và người dân, đồng thời tiết kiệm chi phí xây dựng, hạn chế tối đa thất thoát và lãng phí.

Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát không chỉ là một chiến dịch an sinh xã hội, mà là một nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài, vừa có tính xã hội và nhân văn sâu sắc. Việc hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025 là “mệnh lệnh của trái tim, lương tri và trách nhiệm với cộng đồng”, đồng thời là hành động thiết thực để chào mừng Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Những căn nhà mới không chỉ là nơi ở, mà còn là biểu tượng sống động của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của một Nhà nước “của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân”.

Minh Hiếu (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/chinh-phu-voi-nguoi-dan/lan-toa-tinh-than-trach-nhiem-nhan-ai-trong-toan-xa-hoi-20250522081225338.htm