Lan tỏa tình yêu quê hương bằng âm thanh sáo trúc

Sáo trúc là loại nhạc cụ gắn với các thể loại âm nhạc dân gian và các ca khúc nhạc nhẹ mang âm hưởng truyền thống. Khi âm nhạc Việt Nam ngày càng phát triển theo xu hướng hiện đại và có sự tiệm cận với âm nhạc quốc tế, sáo trúc càng ít phổ biến, đối tượng nghe cũng thu hẹp dần. Để tìm lại chỗ đứng và đưa nghệ thuật sáo trúc đến gần hơn với công chúng, những người yêu bộ môn này đã có nhiều cách làm sáng tạo.

Nghệ sĩ Đinh Nhật Minh - người kết hợp sáo trúc với nhạc EDM.

Nghệ sĩ Đinh Nhật Minh - người kết hợp sáo trúc với nhạc EDM.

Từ Thiền sáo...

Thiền sáo là tên một hội nhóm trên Facebook do nghệ sĩ Bùi Công Thơm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đào tạo phát triển âm nhạc Việt Nam sáng lập. Chia sẻ về lý do thành lập Thiền sáo, anh nói: “Hơn 26 năm hoạt động trong môi trường âm nhạc chuyên nghiệp, tôi luôn muốn giúp mọi người thay đổi cách học sáo trúc. Từ năm 2014, tôi đã bắt đầu dự án này. Thời gian ấy, phong trào chơi sáo trúc diễn ra khá mạnh mẽ và đa số đều tự học, vì vậy họ chỉ thổi theo kiểu cảm âm. Điều ấy có một số thuận lợi, nhưng cũng có hạn chế trong việc phát triển kỹ năng của người chơi”.

Trăn trở tìm hướng tháo gỡ, đến năm 2020, nghệ sĩ Bùi Công Thơm đã tìm ra phương pháp hiệu quả. Trong thời gian đại dịch, mọi hoạt động đều được tổ chức trực tuyến, vì thế, Bùi Công Thơm thử nghiệm và quyết định chọn mạng xã hội để truyền tải kiến thức. “Nhiều người học sáo tay ngang nên lúc mới bắt đầu, tôi không biết truyền đạt như thế nào, hướng dẫn ra sao. Sau khi tích lũy được kinh nghiệm từ việc làm giảng viên tại Nhạc viện và biểu diễn sáo trúc, tôi nghĩ mình có thể dẫn dắt mọi người. Và đúng vậy, tính lan tỏa của mạng xã hội rất mạnh mẽ, nhờ đó, tôi có thể tiếp cận được nhiều người học sáo hơn và bắt đầu thay đổi được phương pháp học sáo của họ” - chủ nhân thương hiệu sáo trúc Bùi Gia nói thêm.

Nghệ sĩ Bùi Công Thơm đã giúp nhiều người học sáo trúc một cách bài bản. Đặc biệt, anh đã giúp những người chơi sáo trúc nghiệp dư có thể chơi các bản nhạc được ký âm pháp bằng các nốt trong thất cung. Những yếu tố ấy đã giúp người học sáo trúc học theo cách chuyên nghiệp hơn, tiếng sáo mềm mại, điêu luyện hơn. Là giảng viên, anh Thơm chú trọng giúp người học đi từ những bước cơ bản vì anh cho rằng, nếu một ngôi nhà không được xây móng vững vàng sẽ dễ bị sụt lún.

Tuy chỉ là một hội nhóm trên mạng nhưng anh Thơm thường xuyên giao bài tập và kiểm tra trình độ học viên bằng hình thức online. Nhờ những nỗ lực ấy, Câu lạc bộ Thiền sáo đã thu hút hơn 1.000 người tham gia. Bạn Nguyễn Nhật Giang Nam (13 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: “Ở câu lạc bộ này, mọi người đều được học sáo theo lộ trình từ cơ bản đến nâng cao. Những khúc mắc sẽ được thầy Thơm giải đáp tận tình. Thầy hướng dẫn một cách tỉ mỉ, em thấy rất hiệu quả”.

Đến nay, nhóm Thiền sáo đã truyền dạy được cho nhiều người những ngón sáo cơ bản và nâng cao để duy trì sự tồn tại của bộ môn nghệ thuật sáo trúc. Hiện nay, nhiều thành viên trong Câu lạc bộ Thiền sáo đã mở các nhóm nhỏ để dạy sáo trúc. Nghệ sĩ Bùi Công Thơm chia sẻ: “Chúng tôi tổ chức những hội nhóm như thế này nhằm mục đích bảo tồn hồn cốt dân tộc. Nhưng nếu chỉ bảo tồn thì e rằng mai kia sẽ mai một dần. Vì vậy, cần có định hướng phát triển rõ ràng. Và Câu lạc bộ Thiền sáo của tôi đã làm được điều đó khi lan tỏa tình yêu sáo trúc cùng tinh thần học tập một cách chuyên nghiệp”.

... đến kết hợp với âm nhạc điện tử

Xưa nay, sáo trúc chỉ góp mặt trong các dàn nhạc dân tộc biểu diễn hát văn, nhã nhạc cung đình Huế... Trước kia, sáo trúc cũng có mặt trong dàn nhạc cải lương, nhưng về sau cũng không còn nữa. Các dàn nhạc dân tộc hiện đang tồn tại dưới dạng “báo động đỏ”. Chính vì vậy, để gìn giữ và phát huy giá trị của nghệ thuật sáo trúc, phải nhanh chóng đưa loại hình này tham gia các dàn nhạc hiện đại. Đây là con đường mà nhiều bạn trẻ như Lê Thanh Xuân, Nguyễn Hải An, Đinh Nhật Minh, Mão Mèo... hiện đang theo đuổi.

Nguyễn Hải An (22 tuổi), sinh viên Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam là thành viên của Câu lạc bộ Thiền sáo, cùng tham gia giảng dạy và cũng từ “lò” của nghệ sĩ Bùi Công Thơm đào đạo. An cho hay: “Từ năm 2019, tôi đã cover những bản tân nhạc với mục đích mang một làn gió mới đến với sáo trúc. Và điều ấy đã giúp kênh YouTube của tôi được nhiều người chú ý. Điều đó đã góp phần làm cho sáo trúc trở nên gần gũi hơn với giới trẻ”.

Cùng ý tưởng với Hải An, Lê Thanh Xuân (22 tuổi, sinh viên Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) cho biết: “Việc chơi sáo trúc với những bản nhạc đang thịnh hành, đặc biệt là những bản nhạc trẻ đang gây chú ý sẽ kéo gần khoảng cách với khán giả. Trước kia, tôi đã từng thổi những bài như “Giấc mơ của em”, “Từng quen”, “Lạc nhau có phải muôn đời”... rồi phát hành trên kênh YouTube, Facebook, TikTok của mình và được nhiều bạn trẻ ủng hộ. Điều đó cho thấy, trong xu thế hiện nay, không thể bảo thủ quan điểm chỉ chơi những bản nhạc truyền thống bằng sáo trúc bởi tiềm năng của loại nhạc cụ này còn nhiều hơn thế”.

Táo bạo hơn, nghệ sĩ Đinh Nhật Minh (Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen) đã mạnh dạn kết hợp sáo trúc với nhạc EDM (loại nhạc sôi động được tạo ra từ các thiết bị điện tử) và “gây sốt”, thu hút sự chú ý của nhiều “cư dân mạng”. Anh mang đến hơi thở mới cho cây sáo trúc. Đinh Nhật Minh cho biết, năm 2017, anh bắt đầu thử nghiệm cách thức mới trong biểu diễn sáo trúc. Ban đầu, anh kết hợp sáo trúc với nhạc Pop, và bài đầu tiên được cover là “Despacito” - một nhạc phẩm quốc tế từng “làm mưa làm gió” trong giới trẻ vài năm trước. Sau khi quay clip rồi đăng lên mạng, Đinh Nhật Minh khiến bao người tò mò vì sự kết hợp độc đáo giữa sáo trúc với nhạc Pop.

Năm 2019, Đinh Nhật Minh tham gia nhiều chương trình truyền hình và biểu diễn sáo trúc kết hợp với nhạc EDM. Điều đó đã làm “trẻ hóa” cây sáo trúc. “Tôi thổi sáo với những bản nhạc trẻ chủ yếu là để thỏa mãn mình. Dần dần, điều đó mang lại hiệu ứng tích cực và tôi nhận ra rằng nên phát triển nó để tạo điều kiện cho các bạn trẻ tiếp cận với nhạc cụ và âm nhạc dân tộc. Tôi cũng chính là người thổi sáo trong MV “Để Mị nói cho mà nghe” từng "gây sốt" trên mạng xã hội. Sau này, cũng có nhiều tác phẩm mang âm hưởng dân gian như vậy. Điều đó góp phần tạo nên thương hiệu, chỗ đứng cho âm nhạc Việt Nam trên thị trường thế giới và tạo cảm hứng cho nhiều bạn trẻ”.

Chia sẻ thêm về những đóng góp của bản thân đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị của nghệ thuật sáo trúc, Đinh Nhật Minh khiêm tốn: “Để bảo tồn và phát huy nghệ thuật sáo trúc cần phải làm nhiều điều hơn thế. Tôi sẽ cố gắng để góp một phần công sức nhỏ bé của mình trong việc lưu giữ và phát triển loại nhạc cụ và âm nhạc mang giá trị quốc hồn quốc túy này”.

Nghệ sĩ Đinh Nhật Minh đặt cho mình nhiều mục tiêu hoạt động nghệ thuật trong thời gian tới. Mỗi hoạt động đều nhằm mục đích mang giá trị của sáo trúc đến với nhiều người hơn. Anh muốn đến các trường học để giao lưu, truyền cảm xúc đam mê sáo trúc đến với nhiều bạn trẻ. Trong năm nay, anh sẽ cho ra mắt nhiều sản phẩm để lan tỏa năng lượng tích cực của loại nhạc cụ cổ truyền này bằng tinh thần trẻ trung, sáng tạo. Không chỉ để mang những giá trị của âm nhạc dân tộc đến với công chúng, mà qua đó anh còn muốn lan tỏa tình yêu quê hương bằng chính thanh âm gần gũi, giản dị và là giá trị muôn đời của người Việt Nam.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/lan-toa-tinh-yeu-que-huong-bang-am-thanh-sao-truc-661587.html