Lan tỏa tình yêu thương từ bữa cơm gia đình

Chuẩn bị bữa cơm ngon canh ngọt cho gia đình là niềm vui, hạnh phúc của nhiều người. Ảnh: THIÊN LÝ

Trong cuộc sống của gia đình Việt Nam, bữa cơm là nơi gắn kết các thành viên, là nơi xây dựng mối quan hệ bền chặt và nâng cao hạnh phúc gia đình.

Tuy nhiên, nhịp sống hiện đại dường như đang ngày càng làm cho bữa cơm truyền thống Việt Nam thiếu dần trong mỗi gia đình, nhất là những gia đình trẻ ở thành thị.

Kết nối yêu thương

Vợ chồng bà Nguyễn Thị Hoa ở phường 6 (TP Tuy Hòa) đang sống cùng vợ chồng người con út và 2 đứa cháu nội. Con trai và con dâu đi làm công nhân, cháu nội thì đi học cả ngày nên buổi tối, cả nhà bà Hoa mới có thời gian ăn một bữa cơm gia đình. “Nếu không phải tăng ca thì khoảng 5 giờ chiều là các con tôi có mặt ở nhà. Có hôm vợ chồng con đi làm về trễ thì cả nhà vẫn đợi để cùng ăn cơm. Thành nếp rồi, không thay đổi được”, bà Hoa chia sẻ.

Chị Dương Thị Hằng ở xã Hòa Tân Tây (huyện Tây Hòa), lập gia đình hơn 10 năm, dù công việc bận rộn nhưng chị vẫn duy trì việc nấu ăn. Chị Hằng quan niệm, bữa cơm là dịp để người lớn chia sẻ về các hoạt động trong ngày, còn với trẻ nhỏ, qua bữa cơm có thể rèn luyện những đức tính như nhường nhịn, dành những miếng ngon cho ông bà, cha mẹ, tập những thói quen tốt trong khi ăn. “Duy trì bữa ăn gia đình đầm ấm là điều mà bất kỳ người phụ nữ nào cũng mong muốn nhưng cuộc sống tất bật khiến cho việc làm này không dễ thực hiện. Vì vậy, tôi luôn tranh thủ sắp xếp công việc hợp lý để có thể nấu những bữa cơm ngon, canh ngọt, đầy đủ dưỡng chất cho gia đình”, chị Hằng bộc bạch.

Tương tự, mặc dù bận rộn nhưng bữa cơm gia đình ông Lê Văn Lý ở thị trấn Phú Hòa (huyện Phú Hòa) luôn đầy đủ các thành viên thuộc 3 thế hệ. Cùng ăn cơm, cùng trao đổi trong bữa cơm sum vầy làm cho niềm hạnh phúc của gia đình ông Lý như được nhân lên. Ông Lý chia sẻ: “Với tôi, bữa cơm là ngọn lửa nuôi dưỡng tình cảm gia đình. Dù canh rau đạm bạc nhưng các thành viên trong gia đình có mặt đầy đủ, đó mới là điều đáng trân trọng!”.

Xây dựng gia đình hạnh phúc

Theo các nghiên cứu, hạnh phúc gia đình được thể hiện qua những giá trị đạo đức rất đáng trân trọng như tình yêu, lòng chung thủy, tình nghĩa vợ chồng, lòng yêu thương, sự quý trọng, hiếu thảo của con cháu đối với ông bà, cha mẹ...Đồng thời, hạnh phúc gia đình còn được thể hiện qua những việc làm nho nhỏ trong cách ứng xử, đối xử giữa các thành viên, qua những nét sinh hoạt đời thường như ăn uống, nghỉ ngơi, chuyện trò, vui chơi của gia đình. Vì vậy, chúng ta không thể xem nhẹ ý nghĩa của bữa cơm hàng ngày đối với việc xây dựng hạnh phúc gia đình.

Một bữa cơm có đầy đủ các thành viên để mọi người có thể hỏi han, chuyện trò về công việc, học tập, điều chỉnh uốn nắn những hành vi của con cháu... Tuy nhiên, dường như cuộc sống càng hiện đại thì những bữa cơm gia đình càng giảm dần, nhất là ở thành thị, nơi có quá nhiều quán xá, nhà hàng, những cuộc vui... Đây cũng là lý do khiến nhiều thành viên ít có mặt trong bữa cơm gia đình. Nhưng nếu như mỗi người đều nhận thức được tầm quan trọng của bữa cơm gia đình, của sự sum họp thì sẽ có một bữa cơm thực sự ấm áp, yêu thương.

ThS Hoa Hữu Vân, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ VH-TT-DL) từng nói: “Bữa cơm gia đình vui vẻ, đầm ấm chính là sợi dây vô hình gắn kết tình thân của các thành viên trong gia đình, đó cũng là lúc hai từ sum họp trọn vẹn ý nghĩa nhất. Sự chăm chút cho bữa ăn làm cho các thành viên trong gia đình có cái nhìn đầy yêu thương đối với người nấu nên bữa ăn ngon, đó là chất keo gắn kết, bồi đắp hạnh phúc gia đình. Nó cũng là động lực rất quan trọng tác động đến suy nghĩ, hành động của những thành viên trong gia đình. Từ đó giúp họ có động lực phấn đấu vươn lên làm người hữu ích cho gia đình và xã hội, góp phần xây dựng gia đình là tế bào tốt của một xã hội tốt”.

THIÊN LÝ

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/93/273251/lan-toa-tinh-yeu-thuong-tu-bua-com-gia-dinh.html