Lan tỏa tri thức, bồi dưỡng nhân cách cho thế hệ trẻ
Không chỉ dừng lại ở hành trình tìm kiếm, tôn vinh những gương mặt trẻ yêu sách, cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc còn góp phần định hướng giá trị thẩm mỹ, bồi dưỡng nhân cách và khơi gợi ý thức giữ gìn, phát triển văn hóa đọc trong giới trẻ...

Các bài dự thi cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc có sự đổi mới, nâng cao chất lượng qua từng năm
Từ những trang sách và câu chuyện được lan tỏa, các “đại sứ” đã trở thành cầu nối đưa tri thức và tình yêu sách đến với cộng đồng; qua đó góp phần làm giàu đời sống tinh thần và xây dựng một xã hội học tập, nhân văn.
Gieo tri thức, dựng nhân cách
Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc là một trong những hoạt động tiêu biểu nhằm triển khai Quyết định số 329/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Được tổ chức thường niên dành cho học sinh, sinh viên trên toàn quốc, cuộc thi hướng đến mục tiêu khơi dậy đam mê đọc sách, thúc đẩy phong trào đọc trong thế hệ trẻ; khuyến khích việc chia sẻ, lan tỏa tình yêu sách, góp phần phát triển văn hóa đọc trong nhà trường, cộng đồng và xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam.
Thông qua các hoạt động đa dạng, cuộc thi đã khẳng định vai trò của văn hóa Việt Nam, đặc biệt là văn hóa đọc trong việc nâng cao dân trí, bồi dưỡng tâm hồn, phát triển tư duy sáng tạo và hình thành lối sống lành mạnh. Hơn thế, cuộc thi còn góp phần nuôi dưỡng tình yêu quê hương, niềm tự hào dân tộc và khát vọng vươn tới xã hội học tập, đất nước phát triển bền vững, phồn vinh và hạnh phúc.
Tại các địa phương, cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc được hưởng ứng nhiệt tình và triển khai rộng rãi. Tại Bắc Ninh (trước khi sắp xếp, sáp nhập), dù số lượng bài dự thi năm 2025 có giảm so với năm 2024, nhưng chất lượng lại được nâng cao rõ rệt, cho thấy sự đầu tư kỹ lưỡng cả về hình thức lẫn nội dung; số lượng bài vượt qua vòng sơ loại để xét giải tăng 25% so với năm trước.
Ở Lào Cai (trước khi sắp xếp, sáp nhập), nhờ những đổi mới sáng tạo trong cách tổ chức, cuộc thi đã thu hút 55.774 học sinh, sinh viên đến từ 337 trường trên toàn tỉnh tham gia. Theo BTC, phần lớn các thí sinh đều ý thức rõ tầm quan trọng của việc đọc sách và thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến việc lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng.
Không riêng Bắc Ninh hay Lào Cai, nhiều địa phương trên cả nước cũng đang bước vào giai đoạn hoàn tất chấm điểm, tuyển chọn bài thi nổi bật tham dự vòng chung kết toàn quốc.
Những bài dự thi tiến sâu vào vòng trong được đánh giá cao nhờ ý tưởng sáng tạo, cách thể hiện mới mẻ và góc nhìn sâu sắc. Không ít bài được trình bày công phu với nét chữ đẹp, minh họa sinh động, góp phần tạo nên dấu ấn đặc biệt cho cuộc thi năm nay.
Định hình thế hệ tương lai
Theo Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy, cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tiếp tục khẳng định sức hấp dẫn khi thu hút đông đảo học sinh, sinh viên trên cả nước tham gia, trong đó có cả những thí sinh khiếm thị, khuyết tật.
“Điều đó chứng tỏ nhiều bạn trẻ đã có nhận thức đúng và quan tâm sâu sắc đến văn hóa đọc. Nhiều em bày tỏ mong muốn trở thành đại sứ để có thể chia sẻ, lan tỏa kinh nghiệm đọc sách bổ ích, hiệu quả và giới thiệu những nhân vật, cuốn sách hay đã truyền cảm hứng, hướng các em tới lối sống tích cực, làm thay đổi nhận thức của chính mình, có trách nhiệm với xã hội, góp phần hình thành một cộng đồng văn hóa đọc phát triển”, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhận định.
Cục Văn hóa cơ sở, Gia đình và Thư viện (Bộ VHTTDL) cho biết thêm, qua nhiều lần tổ chức, những bài dự thi đã cho thấy sức lan tỏa sâu rộng của văn hóa đọc đối với việc hình thành tri thức, nhân cách và thế giới quan của giới trẻ.
Nhờ thói quen đọc sách, các em được bồi dưỡng lòng nhân ái, biết sẻ chia và quan tâm đến cộng đồng. Đặc biệt, không ít em đã trở thành những “đại sứ văn hóa đọc” thầm lặng, mang đến cơ hội tiếp cận tri thức và văn hóa cho những người xung quanh.
Điều đáng quý nhất mà cuộc thi mang lại chính là đã góp phần làm sâu sắc thêm phong trào đọc sách trong nhà trường và lan tỏa rộng rãi trong xã hội. Không chỉ là sân chơi sáng tạo cho học sinh, sinh viên cả nước, cuộc thi còn trở thành điểm nhấn tiêu biểu của ngành Văn hóa và Thư viện.
Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao phường Tây Hồ (Hà Nội) Phùng Thị Ngọc Anh đánh giá, các em đã thể hiện tình yêu sách của mình qua những chia sẻ thú vị về những nhân vật bước ra từ những cuốn sách, những câu chuyện sáng tác, những bài thơ... kết hợp hình ảnh minh họa, góp phần làm cho bài thi thêm sinh động, hấp dẫn.
“Cuộc thi đang thúc đẩy mạnh mẽ phong trào văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng, góp phần hình thành thói quen, kỹ năng đọc sách cho học sinh - nền tảng quan trọng để xây dựng xã hội học tập trong thời đại mới. Đồng thời, đây cũng là môi trường giúp các em rèn luyện năng lực tự học, tự đọc và duy trì thói quen đọc trong lứa tuổi học sinh”, bà Phùng Thị Ngọc Anh nhấn mạnh.