Lan tỏa từ thương mại - dịch vụ
Chuyển dịch cơ cấu xã Hàm Thuận Nam giúp thương mại, dịch vụ vươn lên, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, nâng cao đời sống. Nhờ đó, diện mạo địa phương ngày càng khởi sắc.

Một góc trung tâm xã Hàm Thuận Nam
Theo báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ xã Hàm Thuận Nam lần thứ I, năm 2020, kinh tế địa phương chủ yếu dựa vào nông - lâm nghiệp, chiếm 70% cơ cấu. Thương mại - dịch vụ còn mờ nhạt, chưa định hình rõ nét. Thế nhưng, chỉ sau 5 năm, nông - lâm nghiệp giảm còn 50%, trong khi thương mại - dịch vụ vươn lên chiếm 35%. Sự chuyển dịch này không chỉ là thay đổi về tỷ lệ mà còn phản ánh bước khởi sắc thương mại - dịch vụ gắn liền với tiềm năng du lịch.
Nổi bật nhất là Khu du lịch Tà Cú - nơi có rừng nguyên sinh được bảo tồn gần như nguyên vẹn với cảnh quan hùng vĩ, khí hậu mát dịu. Ngồi trên cáp treo lướt qua tán rừng xanh mát, du khách thu vào tầm mắt sắc xanh ngút ngàn cùng làng mạc, đồng bằng phì nhiêu trải dài dưới chân núi. Trải nghiệm thi vị ấy khiến ai từng đến Tà Cú cũng khó quên, sẵn lòng lưu lại lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn. 6 tháng đầu năm 2025, Khu du lịch Tà Cú đón gần 123.000 lượt khách, đạt doanh thu 28,6 tỷ đồng. Sức hút từ du khách, tạo lực đẩy cho nhiều dịch vụ phát triển quanh khu du lịch. Dọc các tuyến đường vào Tà Cú, quán ăn, nhà nghỉ, cửa hàng đặc sản liên tiếp mọc lên, phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi, mua sắm trong không gian gần gũi thiên nhiên. Từ đó, một hệ sinh thái thương mại - dịch vụ hình thành tại địa phương.
Không chỉ thế, từ Khu du lịch Tà Cú, không gian thương mại - dịch vụ còn lan rộng đến tận thôn, xóm. Chẳng hạn, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống, trạm xăng… mọc lên ngày càng nhiều. Mạng lưới dịch vụ đa dạng này đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng, sản xuất của người dân. Toàn xã hiện có 1 khu du lịch, 102 khách sạn, nhà nghỉ, 9 nhà hàng, 127 cửa hàng ăn uống và hơn 580 cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ cá thể tham gia lưu trú, ẩm thực, buôn bán nội thất, vật liệu xây dựng… Thị trường dịch vụ này không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, sản xuất, mà còn tạo việc làm cho hơn 2.100 lao động trong giai đoạn 2020 - 2025, góp phần nâng cao đời sống người dân. Đáng chú ý, địa bàn xã hiện có 7 ngân hàng thương mại đang hoạt động - điều hiếm thấy ở một địa phương thuần nông. Đây là minh chứng rõ nét cho hạ tầng tài chính phát triển đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn, mở rộng đầu tư.
Có được những kết quả nêu trên, không chỉ nhờ lợi thế thiên nhiên mà còn là sự cộng hưởng của nhiều yếu tố. Trong đó, tinh thần đổi mới, năng động của người dân và doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng; sự đồng hành quyết liệt từ chính quyền địa phương. Với phương châm “đồng hành - hỗ trợ - tạo điều kiện”, chính quyền xã linh hoạt tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh cải cách hành chính, hỗ trợ vốn vay, đầu tư hạ tầng và khuyến khích ứng dụng công nghệ vào kinh doanh. Sự kết nối chặt chẽ giữa Nhà nước và người dân không chỉ tạo nền tảng vững chắc cho thương mại - dịch vụ phát triển bền vững, mà còn góp phần nâng cao đời sống, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế của xã Hàm Thuận Nam theo hướng hiện đại, năng động hơn.
Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/lan-toa-tu-thuong-mai-dich-vu-383992.html