Lan tỏa văn hóa đọc

Chuẩn bị tới Ngày Sách Việt Nam 21/4, ngày mà cách đây 7 năm, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định chính thức có một Ngày Sách để khuyến khích, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.

Trong thời buổi công nghệ số, mạng xã hội, internet nở rộ thì làm sao để bạn đọc không “quay lưng” với sách, thấy được tầm quan trọng của sách là điều không đơn giản, đặc biệt là giới trẻ.

Không ít người cho rằng, cuộc sống thay đổi, công nghệ hỗ trợ thì đương nhiên thói quen của con người cũng thay đổi, trong đó có thói quen đọc sách. Đơn cử như trước đây, chúng ta chủ yếu khám phá cuộc sống, thế giới xung quanh thông qua những trang sách, câu chuyện ở các thư viện, trường học… thì hiện nay với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, nhu cầu tìm kiếm thông tin của bạn đọc có nhiều thay đổi. Càng ngày không ít người càng ngại đọc, ngại đến thư viện; thay vào đó là đọc sách điện tử, đọc thông tin trên mạng, bỏ qua cách đọc sách truyền thống…

Nhưng ngược lại, chưa bao giờ chúng ta thấy rõ sự nỗ lực của những người làm công tác xuất bản, thư viện… như hiện nay. Sách in ra đẹp, bắt mắt, giá thành hợp lý. Còn thư viện ở đâu cũng trang bị máy lạnh, phòng đọc yên tĩnh, sáng sủa, không gian xanh mát, rất hấp dẫn người đến đọc.

Trong các nhà trường, công tác thư viện và đầu tư cho tủ sách cơ bản đều được quan tâm. Nhiều trường học ở Bắc Giang còn có sáng kiến đọc sách dưới vòm cây xanh, tạo không gian mở, thoáng đãng, thu hút học sinh. Cùng đó, nhiều hội thi giới thiệu sách hay, kể chuyện theo sách thường xuyên được ngành Giáo dục tổ chức, nhằm “kéo” các em tới gần hơn với sách, từ đó yêu thích và ham đọc.

Đối với công tác thư viện, hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam năm nay, Thư viện tỉnh Bắc Giang còn có sáng kiến cấp thẻ đọc miễn phí cho tất cả độc giả trong tháng 4 này. Điều này sẽ khiến bạn đọc, nhất là giới trẻ ham đọc sách và ham đến thư viện hơn. Không những thế, đơn vị còn tổ chức 6 gian hàng để bán sách giảm giá cho bạn đọc, phục vụ cả buổi tối với không gian trưng bày đẹp mắt, dự kiến sẽ hấp dẫn đông đảo nhân dân tới tham quan, tìm sách để đọc.

Có thể nói, từ quyết định Việt Nam có một Ngày Sách thấy được sự quan tâm, tầm nhìn của Đảng, Chính phủ tới văn hóa đọc, chấn hưng văn hóa đọc. Nói như Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, “có thể coi đây như là tuyên bố ban đầu để tiến tới một chiến lược sách quốc gia hoặc một luật về khuyến đọc ở Việt Nam".

Để làm được điều này, phát triển văn hóa đọc, cần hướng tới những người trẻ, hình thành cho họ hứng thú, kỹ năng đọc dưới sự hỗ trợ của gia đình, nhà trường và xã hội. Ngay từ khi còn nhỏ, trẻ em cần được làm quen với việc đọc sách thông qua sự định hướng có chủ đích từ gia đình, nhà trường. Có như vậy lâu dần sẽ tạo thói quen tốt, thói quen đọc sách lành mạnh cho giới trẻ.

Không thể phủ nhận tầm quan trọng của sách trong đời sống con người. Có khi chỉ đọc một cuốn sách hay, một câu chuyện ý nghĩa đã giúp người đọc tăng năng lượng tích cực, rèn luyện nhân cách con người. Nhất là giới trẻ, họ rất cần năng lượng tích cực đó tỏa ra từ những cuốn sách, để sống có ý nghĩa hơn.

Bảo Châu

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/theo-dong-su-kien/356742/lan-toa-van-hoa-doc.html