Lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng
'Tôi không nhớ lần cuối mình đến thư viện là thời điểm nào và để mượn cuốn sách gì nhưng thói quen mua sách online và đọc sách mỗi ngày vẫn được tôi duy trì trong những năm qua. Trước khi đi ngủ, tôi thường đọc vài trang sách, có khi là tập truyện ngắn, có khi là một cuốn tiểu thuyết lãng mạn hay một cuốn sách lịch sử, văn hóa. Gần đây, tôi đã đọc sách nhiều hơn vì lý do muốn tìm cuốn sách hay nhất tham gia cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc để truyền cảm hứng, niềm đam mê đọc sách đến với cộng đồng'.
Đó là những chia sẻ của thí sinh Khưu Nhã Vân, Trường THPT Long Thành (H.Long Thành) trong lễ tổng kết cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc tỉnh Đồng Nai năm 2020. Cuộc thi diễn ra trong thời điểm phải cách ly toàn xã hội do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng vẫn thu hút hơn 3 ngàn học sinh trên địa bàn tỉnh tham gia. Nhiều phụ huynh đến nhận thưởng cùng con đều bày tỏ niềm vui, xúc động khi cuộc thi đã có tác động rất tích cực, giúp học sinh có sân chơi lành mạnh, bổ ích. Các em giảm bớt sự phụ thuộc vào các thiết bị công nghệ giải trí và quay về đọc sách nhiều hơn.
Nỗ lực của các cấp, các ngành trong việc nâng cao văn hóa đọc cho cộng đồng, đặc biệt là tạo cơ hội học tập suốt đời cho người dân mọi lúc, mọi nơi thông qua các cuộc thi, hội sách... là điều rất đáng ghi nhận. Hiện toàn tỉnh có 1.043 thư viện, trong đó có 1 thư viện tỉnh, 11 thư viện huyện, thành phố. Các thư viện ở một số địa phương đã xây dựng nhiều gian hàng giới thiệu sách của các NXB, đơn vị phát hành; tổ chức các hoạt động giao lưu, tọa đàm, kể chuyện theo sách cùng các nhà văn, nhà thơ với công chúng. Đặc biệt, các mô hình như CLB, tủ sách gia đình, nhà trường, tủ sách công cộng cũng xuất hiện ngày càng nhiều hơn.
Tuy nhiên, một thực tế hiện nay là hoạt động đọc sách chủ yếu diễn ra quy mô tại các thành phố lớn hay khu vực trung tâm thư viện các huyện trong khi với trẻ em các vùng nông thôn nhiều nơi vẫn còn “đói sách”. Phần lớn trẻ ở nông thôn rất ít hoặc chưa có điều kiện tiếp cận với những đầu sách mới, sách hay ngoài “sách giáo khoa” và một ít “sách tham khảo” mà các thầy cô giáo cung cấp trên lớp học. Thống kê của các nhà quản lý cũng cho thấy, trung bình mỗi người Việt Nam chỉ đọc trên dưới 1 cuốn sách/năm. Con số này được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong thời gian qua với những lo ngại về sự giảm sút của văn hóa đọc trong cộng đồng.
Để phát triển và nâng cao văn hóa đọc, Đồng Nai đã và đang đặt ra nhiều giải pháp, trong đó chú trọng đa dạng hóa hình thức truyền thông, tích cực quảng bá, phát triển dịch vụ thư viện công cộng miễn phí. Từ đó, hình thành thói quen, kỹ năng và phương pháp đọc; nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thư viện công lập, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Đồng thời, hoàn thiện cơ chế, chính sách và đẩy mạnh công tác xã hội hóa, khuyến khích đầu tư cho phát triển văn hóa đọc. Mở rộng hoạt động giao lưu, hợp tác trong các lĩnh vực xuất bản, thư viện và các hoạt động văn hóa liên quan đến phát triển văn hóa đọc cộng đồng.
Có thể nói, sách là chìa khóa mở ra kho tàng tri thức của nhân loại. Dù ở bất cứ thời đại nào, đọc sách không chỉ đơn thuần là giải trí mà còn để có tri thức, giúp bồi dưỡng nhân cách, thấu hiểu ý nghĩa cuộc sống. Sách và văn hóa đọc không hề mất đi giá trị văn hóa truyền thống lâu đời vốn có của nó nếu cả cộng đồng chung tay vun đắp thói quen đọc sách. Và chỉ khi cộng đồng cùng chung tay sẽ góp phần lan tỏa văn hóa đọc, kéo giảm khoảng cách đọc sách giữa thành thị và nông thôn; khuyến khích ngày càng nhiều người yêu sách, thích đọc sách.