Lan tỏa văn hóa đọc, xây dựng ý thức tự học ở Trường Sa
Trong chuyến công tác tại quần đảo Trường Sa, chúng tôi không chỉ hiểu hơn về công việc, đời sống, sinh hoạt của quân và dân nơi đầu sóng, mà còn chứng kiến nét đẹp về văn hóa đọc. Những năm qua, các đơn vị đóng quân trên quần đảo đã triển khai đồng bộ các biện pháp khuyến khích đọc sách, lan tỏa văn hóa đọc, qua đó nâng cao nhận thức và bồi dưỡng đạo đức, nhân cách cho quân nhân, góp phần quan trọng hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị.
Thượng tá Nguyễn Duy Bá, Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân cho biết, hiện nay, các đơn vị đóng quân trên huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa đều có Phòng Hồ Chí Minh - phòng sinh hoạt chung, được trang bị tủ sách pháp luật với số lượng lớn các đầu sách về chính trị - xã hội, pháp luật, văn học, lý luận; các loại báo, tạp chí, tài liệu, thông tin trên mọi lĩnh vực.
Phòng Hồ Chí Minh ở đảo Trường Sa có khoảng 2.500 đầu sách với hơn 4.000 bản sách phục vụ nhu cầu giải trí, học tập của CBCS. Ngoài nhóm thông tin tuyên truyền, cổ động, ở đảo còn có nhóm sách, báo nội bộ; nhóm hoạt động văn nghệ; nhóm vui chơi giải trí, thể dục thể thao. Hàng tuần, tổ hoạt động Phòng Hồ Chí Minh của các đảo đề ra hoạt động cụ thể như: Thi tìm hiểu sự kiện và nhân vật lịch sử, trưng bày giá sách mới, hưởng ứng Ngày hội đọc sách, tổ chức cuộc thi đại sứ văn hóa đọc, thành lập các nhóm đọc sách, tọa đàm sách... Các hoạt động đã lôi cuốn đông đảo CBCS tham gia, nhờ đó việc đọc sách, báo đã trở thành nhu cầu hàng ngày của bộ đội.
Trung sĩ Nguyễn Ngọc Cần, chiến sĩ đảo Phan Vinh thừa nhận, khi ở nhà thường ít khi đọc sách, báo vì đã có tivi, máy tính, mạng internet... Song ra đảo rồi, không có những thứ đó nên việc đọc sách lâu dần thành quen. "Vào những giờ nghỉ, ngày nghỉ, ngoài việc chăm sóc cây cối, rau xanh, chúng tôi thường lên Phòng Hồ Chí Minh mượn sách về đọc. Đọc sách, báo, tôi hiểu biết, tư duy nhiều hơn và giúp ích trong học tập, công tác nơi đảo xa", chiến sĩ nói.
Ngoài thời gian học tập, công tác, chỉ các huy đảo còn khuyến khích CBCS chủ động làm phong phú đời sống tinh thần của mình thông qua việc tìm hiểu, tra cứu tài liệu, sách báo ở Phòng Hồ Chí Minh và các phòng sinh hoạt chung; triển khai nhiều hoạt động sáng tạo như: làm clip giới thiệu sách; gắn phong trào đọc sách, báo với mô hình "mỗi ngày một câu hỏi, mỗi tuần một điều luật"... Vì vậy, số lượng CBCS thường xuyên tìm đến tủ sách pháp luật và Phòng Hồ Chí Minh mượn, đọc sách, báo tăng lên đáng kể.
Vào những ngày nghỉ tại Lữ đoàn 146 nói chung, trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa nói riêng thực sự trở thành ngày hội gắn kết tuổi trẻ đơn vị, mang lại những hiệu quả tích cực trong công tác quản lý, giáo dục CBCS. Hiện, mỗi đảo được trang bị hàng nghìn đầu sách, báo, tạp chí, thường xuyên được bổ sung mới từ đất liền và các đoàn công tác ra thăm, tặng CBCS trên đảo. Chẳng hạn, Đoàn công tác số 3 vừa ra thăm quần đảo Trường Sa ngày 10 đến 15/4 vừa qua đã trao tặng một số điểm đảo, nhà giàn cuốn sách "Vang vọng lời nước non" về tư tưởng Hồ Chí Minh và hai cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Một số vấn đề lý luận, thực tiễn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam", "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh".
Cũng nhân dịp này, Đoàn công tác của Học viện An ninh nhân dân, Bộ Công an đã trao "Tủ sách gửi Trường Sa" gồm nhiều đầu sách về chính trị, lịch sử, văn hóa, văn học tặng CBCS ở một số điểm đảo: Trường Sa, Song Tử Tây, Sinh Tồn, Cô Lin, Đá Đông A và nhà giàn DKI/12. "Đây là món quà tinh thần mà đoàn mang từ đất liền ra, cùng với máy tính và máy in, nhằm mục đích giúp CBCS trên các đảo hiểu thêm về lịch sử, văn hóa quê hương đất nước, qua đó giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc cũng như bổ sung những kiến thức bổ ích trong quá trình học tập, chiến đấu, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc", Thượng tá Phạm Quốc Dũng, Chánh Văn phòng Học viện An ninh nhân dân chia sẻ.
Được biết, định kỳ 6 tháng, Lữ đoàn 146 sẽ luân chuyển sách, báo giữa các đảo, để bộ đội được đọc nhiều loại sách khác nhau, phong phú hơn về kiến thức. Phong trào đọc sách ở Trường Sa không chỉ được duy trì và phát triển trong CBCS mà đã lan tỏa mạnh mẽ đối với những người dân sinh sống trên các đảo, đặc biệt là các em học sinh. Em Ngô Nguyễn Thiên Long, học sinh lớp 5, Trường Tiểu học xã Song Tử Tây hào hứng cho biết: "Đọc sách, truyện không chỉ mở mang kiến thức, mà còn giúp em có những phút giây thư giãn, giải trí. Em yêu thích nhất sách về biển, đảo và lịch sử đất nước".
Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 146 khẳng định, đẩy mạnh phong trào đọc sách nhằm thúc đẩy, lan tỏa văn hóa đọc là việc làm cần thiết để xây dựng ý thức tự học, bồi dưỡng nhân cách, tri thức toàn diện cho mỗi CBCS, xây dựng môi trường văn hóa thân thiện, lành mạnh. Đồng thời, từ việc đọc sách sẽ trang bị cho bộ đội hành trang để khi hoàn thành nghĩa vụ sẽ có được kiến thức hữu ích về đời sống, pháp luật, cơ hội nghề nghiệp rộng mở và trở thành người có ích cho xã hội...