Lan tỏa văn hóa Hà thành vào lớp học mầm non
Cô giáo Hà thành giáo dục trẻ thói quen sinh hoạt, nếp chào hỏi, nét đẹp văn hóa Thủ đô trong bài học...
Thay vì quát mắng những bạn nhỏ lớp mầm chưa ngoan, cô Nguyễn Thùy Dung, Trường Mầm non Sao Mai, Quận Ba Đình (Hà Nội) giáo dục trẻ thói quen sinh hoạt, nếp chào hỏi, nét đẹp văn hóa Hà Nội trong bài học để trẻ phát triển toàn diện.
Gần 20 năm “ươm mầm” xanh
Cô Nguyễn Thùy Dung tâm sự, bản thân trưởng thành trong gia đình có truyền thống làm nghề “bụi phấn” cộng với tình yêu với trẻ con từ nhỏ, cô đã theo học tại Trường Sư phạm Mẫu giáo Trung ương.
Gần hai thập kỷ giảng dạy, cô Dung nhớ lại năm 2005, khi đó lớp đón một học sinh mới 2 tuổi tên là Minh Anh. Ấn tượng đầu tiên là cô học trò nhỏ rất nhút nhát, cứ tới lớp là khóc. Qua tìm hiểu, Minh Anh trước đó chưa đi học bao giờ, luôn ở nhà với mẹ nên lần nào đi học, xa mẹ, bạn thu mình. Để cô bé hòa nhập, cô Dung dành nhiều thời gian bên em hơn. Khi em không chịu ngủ trưa, hai cô trò nằm cạnh nhau để trò chuyện cho con thôi tủi thân, cảm thấy hơi ấm như ở nhà…
“Ngày đầu tiên được bạn Minh Anh gọi là mẹ ơi, tôi cảm thấy rất vui. Đến giờ, ngày lễ 20/11, bạn Minh Anh vẫn quay trở lại trường trò chuyện với mình…”, cô Dung nói.
Chia sẻ về công việc, cô Nguyễn Thùy Dung kể, giáo viên mầm non phải ở trường gần như cả ngày. “Sáng có mặt ở lớp từ 7 giờ, chờ học sinh về hết thì đã chiều muộn. May mắn là chồng chia sẻ, hiểu công việc của mình”, cô Dung nói.
Dù khó khăn vậy, cô Dung luôn tự động viên bản thân rằng “như mẹ chăm con, con mình chăm như thế nào thì học sinh mình chăm thế”. “Mình rất hiểu cảm giác lạ lẫm của các bạn nhỏ mới 3 tuổi đã xa vòng tay mẹ, đến với lớp được tiếp xúc với môi trường mới, cô mới, bạn mới. Do vậy, mình cố gắng xây dựng không khí lớp học giống như gia đình. Cô giáo giống người mẹ thứ hai chăm sóc chứ không chỉ là giáo viên dạy kiến thức…”, cô Dung cho hay.
Nếp sống đẹp của người Hà thành
Vốn sinh ra và lớn lên tại Thủ đô, cô Dung cảm nhận Hà Nội với những nét văn hóa đặc trưng rất riêng. Người Hà Nội không phô trương, hào nhoáng, sống khiêm tốn. Do vậy, bản thân muốn đưa chương trình giáo dục nếp sống văn minh cho người Hà Nội tới các bạn nhỏ.
“Với các con lứa tuổi nhỏ, giáo dục đơn giản từ nếp chào hỏi hay sắp bát đũa kèm lời mời mâm cơm với người lớn, khách tới chơi nhà. Người Hà Nội trọng lời mời trong mâm cơm nên mình hướng dẫn và rèn cho học sinh khi ăn cơm phải có lời mời. Hay trong mâm có bát nước chấm, người Hà Nội tinh tế chỉ chấm bên cạnh, không xuề xòa trong ăn uống dù chỉ là miếng bánh hay tấm quà... Đây là những nét đẹp nên duy trì”, cô Dung chia sẻ.
“Mỗi lứa tuổi, học sinh được rèn một kỹ năng khác nhau. Đơn cử, lớp 3 tuổi chưa thể cầm được đũa, chỉ cầm thìa thì dặn dò các bạn làm sao vét sạch thức ăn trong bát, rơi cơm biết nhặt vào khay và lau tay. Riêng với học sinh lớp lớn được rèn kỹ năng dùng đũa, mời và gắp thức ăn”, cô Dung bộc bạch.
Để dạy trẻ, lớp của cô giáo Thùy Dung thường tổ chức bữa ăn gia đình cho trẻ một tuần/lần. Trong bữa ăn đó, trẻ được tự tay chuẩn bị bát, đũa, khay đĩa để ăn. Mỗi một bàn nhỏ (gồm 6 bạn) tạo thành một gia đình nhỏ. Khi ăn, các bạn nhỏ cũng được dặn kĩ không để rơi vãi hay bỏ thừa mứa thức ăn.
Qua chương trình này, cô Dung cũng như giáo viên Trường Mầm non Sao Mai mong rèn cho học sinh kỹ năng tự phục vụ bản thân, kỹ năng giao tiếp xã hội... Đây là những khởi nguồn, bước đệm đầu tiên để sau này ra môi trường sống, từ đó học sinh trở thành những người có nếp sống văn minh. Ngoài những tiết học về dạy ăn, còn có giờ học dạy chào hỏi hoặc giới thiệu về mâm cơm dịp Tết của người Hà thành.
Khi dạy những kỹ năng, cô Thùy Dung còn sử dụng giáo án điện tử để cung cấp hình ảnh, video clip để tạo hứng thú trong giờ học và trẻ được tận mắt nhìn thấy thực trạng nếp sống thanh lịch văn minh của người Hà Nội xưa và nay.
Dạy trẻ bằng yêu thương
Theo cô Nguyễn Thùy Dung, giáo viên mầm non không nên quát tháo trẻ mà đánh vào tâm lý. “Đối với học sinh biếng ăn, không phải cứ quát nạt là được, các thầy cô phải tìm hiểu tâm lý tại sao trẻ biếng ăn và trao đổi với phụ huynh. Học sinh ở nhà thường ăn gì. Có những bạn không thích món này, món kia hay sợ món gì. Còn những trẻ đi học muộn, có thể trao đổi với phụ huynh liệu tối trẻ khó ngủ, bố mẹ làm việc muộn ảnh hưởng đến con. Sau đó, gia đình và nhà trường thống nhất về việc cho con đi ngủ sớm, đặt đồng hồ đúng nhịp sinh học.
Trao đổi với Báo GD&TĐ, cô Nguyễn Thị Thanh Hương, Hiệu trưởng Trường Mầm non Sao Mai (quận Ba Đình), đánh giá cô Nguyễn Thùy Dung là một giáo viên yêu nghề, tâm huyết. Dù là giáo viên trẻ nhưng Thùy Dung có chuyên môn tốt, kinh nghiệm trong xây dựng môi trường học tập lấy trẻ làm trung tâm, tổ chức lớp kiến tập về chăm sóc nuôi dưỡng. Đồng thời là cây sáng kiến của Trường Mầm non Sao Mai.
Cùng với những giờ dạy sôi nổi, cô Thùy Dung còn là MC, một cán bộ mẫn cán của các phong trào Trường Mầm non Sao Mai. Nhiều năm cô Thùy Dung đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, giáo viên giỏi cấp quận Ba Đình.
“Cô Dung luôn hướng tới việc rèn cho trẻ lễ giáo, hành vi văn minh trong giao tiếp và trong các hoạt động như ăn, ngủ, vệ sinh. Đây là hành động cần thiết. Bởi đối với trẻ mầm non, việc hình thành cho trẻ các hành vi chuẩn mực rất cần thiết và sẽ giúp cho trẻ ở các cấp học khác nữa. Trẻ mầm non ảnh hưởng ở cô giáo rất nhiều, từ hành vi lời nói. Cô giáo nhẹ nhàng, thường xuyên nói cảm ơn, chào học sinh thì hình thành hành vi chuẩn mực cho các em…”, cô Thanh Hương đánh giá.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/lan-toa-van-hoa-ha-thanh-vao-lop-hoc-mam-non-post627145.html