Lan tỏa văn hóa Việt từ những trái tim xa xứ

Trong bối cảnh kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất, hội thảo quốc tế với chủ đề 'Văn học, nghệ thuật của người Việt Nam ở nước ngoài sau 50 năm đất nước thống nhất, đổi mới, phát triển (1975-2025)' vừa tổ chức tại Hà Nội, là dịp đặc biệt để tôn vinh những đóng góp thầm lặng của cộng đồng văn nghệ sĩ kiều bào, những 'người thắp lửa văn hóa' nơi đất khách.

Văn học nghệ thuật của kiều bào luôn hướng về Tổ quốc

Tại hội thảo, GS-TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, nhấn mạnh: Văn nghệ sĩ người Việt ở nước ngoài là những “đại sứ văn hóa” góp phần gìn giữ bản sắc dân tộc trong cộng đồng kiều bào, đồng thời là cầu nối giới thiệu một Việt Nam nhân văn, năng động ra thế giới.

Trong suốt 50 năm qua, dòng chảy văn học, nghệ thuật (VHNT) kiều bào đã chuyển từ nỗi đau chiến tranh sang khát vọng hòa giải, từ hoài niệm quá khứ đến niềm tự hào về sự đổi thay và phát triển của đất nước. Những đóng góp ấy là minh chứng cho mối gắn kết sâu sắc, trường tồn giữa cộng đồng người Việt toàn cầu với quê hương xứ sở.

VHNT của kiều bào Việt Nam luôn mang trong mình một điểm tựa tinh thần vững chắc: tình yêu quê hương, lòng tự hào dân tộc và khát vọng được gắn bó với cội nguồn. Dù sống xa Tổ quốc, trải qua nhiều thế hệ, các văn nghệ sĩ người Việt ở nước ngoài vẫn luôn giữ gìn bản sắc Việt trong sáng tạo nghệ thuật và đời sống tinh thần.

Họ là những “người kể chuyện” về một Việt Nam vừa gần gũi, thân thương, vừa đổi mới, phát triển. Từ những bản tình ca hoài niệm quê hương, đến những tác phẩm văn học khắc họa số phận người Việt xa xứ, hay các bộ phim khai thác ký ức chiến tranh và giấc mơ hòa hợp, văn nghệ sĩ kiều bào đã và đang truyền tải thông điệp nhân văn hướng về đất nước.

 Cảnh trong phim Mùi đu đủ xanh của đạo diễn người Pháp gốc Việt Trần Anh Hùng. Ảnh: ĐPCC

Cảnh trong phim Mùi đu đủ xanh của đạo diễn người Pháp gốc Việt Trần Anh Hùng. Ảnh: ĐPCC

Nhiều tác phẩm của họ không chỉ lay động cộng đồng người Việt hải ngoại mà còn chạm tới cảm xúc của bạn bè quốc tế, góp phần làm nổi bật vẻ đẹp tâm hồn và chiều sâu văn hóa Việt Nam. Chính tình cảm chân thành đó đã giúp VHNT kiều bào trở thành nhịp cầu kết nối, không ngừng vun đắp cho mối quan hệ gắn bó giữa kiều bào với quê hương.

Như GS-TS Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, đây là lực lượng tiên phong trong lan tỏa “sức mạnh mềm” quốc gia, vừa là niềm tự hào của dân tộc, vừa là tài sản quý của nền văn hóa Việt trong thời đại hội nhập.

Cầu nối xuyên biên giới

Trong bài phát biểu của mình tại hội thảo, PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, khẳng định, dù là thế hệ thứ hai, ba hay bốn, phần lớn kiều bào vẫn mang trong mình hồn cốt Việt, luôn hướng về cội nguồn. Những văn nghệ sĩ như GS Trần Văn Khê, nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị…, hay các thiết kế mang đậm bản sắc Á Đông, đã cho thấy sức sống văn hóa mạnh mẽ từ cộng đồng Việt ở nước ngoài, là minh chứng sống động cho tình yêu không biên giới với Tổ quốc.

TS Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến Phát triển điện ảnh Việt Nam, cho rằng, dù đã có nhiều phim Việt góp mặt tại các liên hoan quốc tế, nhưng để có chỗ đứng trong mạng lưới phát hành toàn cầu vẫn cần thêm nhiều nỗ lực. Trong khi đó, các đạo diễn gốc Việt với nền tảng quốc tế lại có khả năng vượt rào cản ngôn ngữ, văn hóa, tạo nên sự lan tỏa sâu rộng.

Theo TS Ngô Phương Lan, cần học hỏi từ thành công của các đạo diễn gốc Việt để đem đến những luồng gió mới cho điện ảnh Việt Nam, nhất là trong việc phát hành phim ra thế giới.

Nhiều ý kiến cũng thống nhất cho rằng, nghệ sĩ Việt ở nước ngoài không chỉ góp phần quảng bá văn hóa dân tộc, mà còn là nguồn cảm hứng cho nghệ thuật đương đại trong nước. Từ điện ảnh, văn học đến thiết kế, hội họa… ký ức Việt, tuổi thơ Việt, gia đình Việt luôn là mạch nguồn cảm xúc chảy mãi trong tác phẩm của họ.

Chính sự kết hợp giữa nền tảng văn hóa truyền thống và tư duy nghệ thuật đương đại đã tạo nên chiều sâu đặc biệt cho các tác phẩm của họ. Họ không chỉ kể chuyện về Việt Nam, mà còn giúp thế giới hiểu hơn về tâm hồn người Việt.

GS-TS Nguyễn Xuân Thắng đề xuất nhiều giải pháp để khơi thông nguồn lực quý giá này: tạo điều kiện thuận lợi cho văn nghệ sĩ kiều bào về nước sáng tác, tổ chức các hoạt động giao lưu, hợp tác trong và ngoài nước, ghi nhận và tôn vinh xứng đáng những đóng góp từ xa…

Điều quan trọng hơn cả, theo các đại biểu, là cần đánh thức “hồn dân tộc” trong từng tác phẩm, từng con người, để từ đó cùng nhau thắp lên một “làn sóng Việt Nam”, mạnh mẽ, nhân văn, là sợi dây mềm mại mà bền chặt nối Việt Nam với thế giới, nối quá khứ với tương lai.

MAI AN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/lan-toa-van-hoa-viet-tu-nhung-trai-tim-xa-xu-post793370.html