Làng bánh tráng Phú Long hối hả vụ tết
Những ngày cận tết, làng bánh tráng Phú Long luôn 'đỏ lửa' cung ứng thị trường phục vụ người dân.
“Đỏ lửa” kịp đơn hàng
Càng cận tết làng nghề bánh tráng Phú Long vào guồng quay hối hả. Từ tờ mờ sáng, nhiều nhà đã dậy rất sớm xây bột, nhóm bếp lửa chuẩn bị tráng bánh. Khi nắng sớm vừa lên, bánh tráng đã được đem ra phơi. Từ hiên nhà, bờ rào đến đường đi đều được tận dụng làm sân phơi, tràn ngập một màu trắng của bánh.
Lò bánh tráng thủ công của chị Nguyễn Thị Hảo ở khu phố Phú Thịnh những ngày này ai cũng hối hả. Trong gian bếp trấu, lửa hừng hực đỏ, hơi nóng trong lò bốc lên, chị Hảo thoăn thoắt đổ bột trải đều lên tấm vải mùng được quấn trên miệng nồi. Chỉ trong chốc lát, chiếc bánh đã ra lò trong làn khói thơm ngát mùi bột nếp. Bánh sau khi tráng xong có người đứng cạnh xếp đều trên vỉ và đem phơi nắng. “Ngày thường tôi chỉ xây chừng 30 kg gạo, tết phải tăng lên 55 kg làm luôn tay mới kịp giao bánh cho khách đặt. Còn khách lẻ nhiều lúc không có bánh để bán, nhà tôi đỏ lửa đến 29 tết mới nghỉ”, chị Hảo nói. Chị Hảo 47 tuổi nhưng đã có thâm niên hơn 30 tuổi nghề. Đây là nghề truyền thống gia đình, nhà chị Hảo có 7 người con thì đã có 3 chị em gái nối nghề của mẹ. Nghề bánh tráng giúp gia đình chị có thu nhập ổn định, nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn. Một hộ khác là bà Lê Thị Bưởi ở khu phố Phú Trường cho hay: “Những ngày cận tết, khi mà nguồn đơn đặt hàng tăng cao, phải làm suốt ngày đêm, không có thời gian nghỉ ngơi. Một ngày từ 3 giờ sáng đến tối mịt, một thợ tráng cao nhất khoảng 1.000 cái bánh”.
Theo nhiều thợ tráng bánh, để tạo ra được những chiếc bánh thơm ngon, đòi hỏi người làm nghề phải thật sự khéo tay và tinh tế đến từng chi tiết. Bí quyết làm nên chiếc bánh ngon là người tráng bánh phải canh được lượng bột chuẩn xác trong chiếc gáo, đong vừa đủ, không quá ít hay quá nhiều mà phải đều tay. Bếp lửa trấu hừng hực, người tráng bánh không được phép chậm chạp, phải đều tay thì bánh mới không bị chỗ mỏng chỗ dày rất khó phơi, và khi ăn sẽ bị cứng hoặc chai bánh. Dưới cái nắng gắt, chỉ chừng 1 tiếng phơi nắng là bánh đã khô. Bánh tráng có để trữ ăn từ 2- 3 tháng mà vẫn giữ nguyên hương vị.
Chị Hảo tráng bánh.
Kỳ vọng vụ tết
Ông Đỗ Thanh Hùng – Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Phú Long cho biết: “Toàn thị trấn có 45 lò bánh tráng, trong đó có 4 lò bánh tráng tất cả đều đang hoạt động hết công suất cung ứng cho tết. Tết đang cận kề, thị trường bánh tráng sôi động hẳn lên khi lượng đặt hàng cũng tăng lên nên các hộ dân làm bánh tráng nơi đây hết sức hứng khởi. Họ đang rất chờ đợi kết thúc một vụ bánh tráng tết sẽ có khoản thu khá”. Không khí sản xuất nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Dù là làm máy hay thủ công, việc tráng bánh của các hộ dân cũng bắt đầu sớm và sẽ kết thúc muộn hơn so với thường lệ. Các khu phố Phú Trường, Phú An, Phú Thịnh trở nên nhộn nhịp khi những chiếc xe máy cồng kềnh vào, ra chở bánh tráng rồi tỏa đi các hướng.
Ngoài 70 tuổi, bà Lương Thị Riêm, chủ cơ sở sản xuất bánh tráng máy Ba Riêm không ngơi tay. Do cơ sở mới đi vào hoạt động, mặc dù một số công đoạn có dây chuyền sản xuất các khâu xây bột, tráng bánh còn các khâu phơi bánh, gỡ bánh ở vỉ rồi đóng gói đều làm thủ công. Tết này, mỗi ngày cơ sở sản xuất 20.000 cái bánh tăng hơn một nửa so với ngày thường. Bánh tráng cơ sở ngoài bỏ mối cho các huyện trong tỉnh còn bán cho Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh. “Năm nay lượng bánh bán ra của gia đình tôi và nhiều gia đình thực sự thấp hơn các năm trước, do một thời gian dài ảnh hưởng dịch bệnh. Những ngày cuối cùng của năm rồi nên nhà nào cũng đang tích cực làm bánh để bán ra thị trường. Cả năm chật vật rồi, chỉ mong mỗi vụ tết này mà thôi!”, bà Riêm nói.
Bánh tráng Phú Long ngày càng được cải thiện về mẫu mã, được tiêu thụ trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Ngoài tạo ra sản phẩm đặc trưng cho quê hương, nghề bánh tráng còn giúp giải quyết lao động nhàn rỗi ở địa phương, gìn giữ được nghề truyền thống, giữ một nét đẹp văn hóa cho quê hương.
Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/lang-banh-trang-phu-long-hoi-ha-vu-tet-94829.html