Làng chài tỷ phú trong cơn 'bão nợ'

Từng được ví là 'làng chài tỷ phú', bởi xã Nghĩa An, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi có đội tàu lưới kéo hùng hậu; mỗi năm thu nhập của chủ tàu từ 1,5 đến 2 tỷ đồng. Thế nhưng, giờ đây, hàng trăm chủ tàu lâm vào cảnh nợ nần. Ở xã biển này, hầu như ngày nào cũng có lực lượng chức năng đến kê biên, cưỡng chế tài sản. Làng biển trở nên tiêu điều trong cơn 'bão nợ'.

Nợ ngân hàng, 22 tàu cá ở xã Nghĩa An không hoạt động nên phần lớn bị chìm trên sông. Ảnh: Văn Tánh

Nợ ngân hàng, 22 tàu cá ở xã Nghĩa An không hoạt động nên phần lớn bị chìm trên sông. Ảnh: Văn Tánh

Ngư dân lao đao trong cơn “bão nợ”

Chúng tôi về xã Nghĩa An vào một ngày nắng. Mới qua cầu An Phú nối đôi bờ sông Phú Thọ đã bắt gặp hàng chục ngư dân nhản tản ngồi bên quán nước ven đường, đôi mắt thẫn thờ nhìn những con tàu lưới kéo dập dềnh theo con nước thủy triều ở phía bờ sông; thi thoảng họ thả vào nhau những câu chuyện về khoản nợ khiến họ phải mất nhà cửa.

Lân la làm quen, tôi gặp anh Võ Văn Chí (53 tuổi), ở thôn Phổ Trung, xã Nghĩa An, người sở hữu 1 trong 7 chiếc tàu chìm ở bến sông Phú Thọ. Giãi bày chuyện nợ nần nghề biển, anh Chí cho hay, anh nối nghiệp ông cha từ độ tuổi trăng tròn. Nhờ siêng năng làm ăn, anh đóng được đôi tàu công suất 900CV, hành nghề lưới kéo ở vùng biển vịnh Bắc Bộ. Thời điểm năm 2013 và trước đó, đôi tàu này đã mang về cho gia đình anh nguồn thu nhập từ 1,8 đến 2 tỷ đồng mỗi năm.

Trong đà làm ăn thuận lợi ấy, năm 2014, anh vay ngân hàng 2 tỷ đồng nâng cấp phần vỏ 2 con tàu. Chưa dừng lại ở đó, 2 năm sau, anh bán tàu cũ, vay bổ sung 1,8 tỷ đồng và gom tiền tích góp đầu tư 2 chiếc tàu mới, công suất lên đến hơn 1.300CV. Cặp tàu đóng mới vừa rời khỏi xưởng, anh đưa thẳng ra vịnh Bắc Bộ, rồi mua vé xe cho thuyền viên ra Lạch Bạn (Thanh Hóa) lên tàu đi khai thác.

“2 năm đầu, vỏ mới, máy mới, đánh bắt đầy ghe, tôi thu về được 1,2 tỷ đồng/năm. Niềm vui ngắn chẳng tày gang, những năm tiếp theo, công việc đánh bắt gặp khó khăn, những phiên biển thu nhập “trăm triệu” thưa dần, rồi “năm biển tiền tỷ” cũng đi xa diệu vợi” - anh Chí kể.

Biết mình không đủ khả năng cầm cự, năm 2018, anh Chí đưa tàu về quê giao cho ngân hàng bán đấu giá thu hồi nợ. Giữa cơn “thoái trào”, cặp tàu chỉ bán được 1 chiếc, với giá “rẻ bèo”, chiếc còn lại neo bờ. Đằng đẵng ngần ấy năm trời, con tàu hơn 4 tỷ đồng đã chìm trên sông, mà khoản nợ ngân hàng tương đương với giá trị con tàu lại ngày càng dày thêm. Mấy chục năm làm biển, anh Chí vượt qua không biết bao nhiêu cơn bão biển, giữ an toàn tài sản cho mình, nhưng giờ đây, anh bất lực trước cơn “bão nợ”.

Anh Chí buông tiếng thở dài nuối tiếc: “Chiếc tàu của tôi giờ định giá chỉ còn 150 triệu đồng thôi”. Anh nhắc lại đến hai lần: “Tôi còn sở hữu một tàu lớn, thân dài 19 mét, công suất máy 600CV nhưng thời buổi kinh tế khó khăn, không ai bỏ tiền ra mua tàu. Nếu còn vốn, tôi cũng tìm cách nâng cấp tàu, khôi phục lại sản xuất. Bây giờ thì không thể nào cứu vãn được nữa”.

Hết thời hoàng kim

Xã Nghĩa An có 800 tàu khai thác hải sản, nhiều ngư dân sở hữu đôi tàu lưới kéo trị giá hàng chục tỷ đồng, những chuyến biển thu được 100 triệu đồng và năm biển tích lũy từ 1,5-2 tỷ đồng không hề lạ với ngư dân. Nghề lưới kéo thịnh vượng giai đoạn 2012-2016, nhịp sống của gần 20.000 người dân ở xã biển sôi động này như một thành phố thu nhỏ. Người người đua nhau xây dựng nhà cửa, mua sắm vật dụng gia đình; hàng tiêu dùng từ các nơi tìm đường đổ về Nghĩa An, các cửa hàng điện thoại thông minh, tiệm vàng và nhiều loại dịch vụ ăn theo mọc lên như nấm sau mưa. Trong men say “chiến thắng” ấy, ít ai nghĩ được rằng, người dân ở địa phương này sẽ có ngày lâm nợ.

Bước sang nửa năm 2017, đoàn tàu giã cào bắt đầu “đi có, về không”, khiến hàng trăm chủ tàu như anh Chí lâm vào cảnh nợ xấu và kéo theo hàng nghìn hộ dân khác mắc nợ. Chủ tịch UBND xã Nghĩa An - bà Phạm Thị Công bộc bạch: “Việc nợ ngân hàng của nhân dân địa phương đã manh nha cách đây 2-3 năm, nhưng đến thời điểm này, người dân mới khốn đốn khi các ngân hàng không còn “đồng hành cùng ngư dân” mà quyết liệt triển khai các biện pháp thu hồi vốn”.

Bà Đỗ Thị Giá bên trong căn nhà xây dựng trái phép trên đất nghĩa trang. Ảnh: Văn Tánh

Bà Đỗ Thị Giá bên trong căn nhà xây dựng trái phép trên đất nghĩa trang. Ảnh: Văn Tánh

Đưa đôi tay gầy, nhăn nheo lên khung cửa sổ gỉ sắt, nhìn xa xăm ra bãi tha ma, nước mắt bà Đỗ Thị Giá (trú tại thôn Phổ Trung, xã Nghĩa An) chảy dài mặn chát. Bà Giá trải lòng: Tôi thế chấp căn nhà cấp 4, vay ngân hàng 300 triệu đồng đưa cho người thân đóng tàu giã cào khai thác hải sản. Đổi lại việc làm nghĩa tình, hằng tháng, ngoài trả lãi suất ngân hàng, chủ tàu còn cho thêm chút tiền mắm muối qua ngày. Không ngờ họ làm ăn sa sút, bỏ đi biệt xứ nên căn nhà của tôi đã bị kê biên bán đấu giá.

Ở tuổi 65, bà Giá phải ra gần nghĩa địa san lấp khoảng đất trống, xóm làng quyên góp người vài tấm tôn, viên gạch cho bà xây tạm nơi ở, tá túc cho qua ngày mưa nắng. “Xây nhà trái phép, hễ thấy người lạ là tôi điếng hồn. Ở đây có rất nhiều người như tôi, họ phải di dời mộ ông bà, cha mẹ đi nơi khác, lấy đất che tạm cái lều cho con cái ở” - bà Giá rụt rè nói.

Nghề giã cào khó khăn - Vì đâu nên nỗi?

Chắp nối những câu chuyện ở “làng chài tỷ phú”, tôi nhận ra nguyên nhân thất bại của nghề giã cào là do ngư dân bị cuốn vào vòng xoáy nâng công suất máy và đóng tàu to nhằm chạy đua tốc độ trong vùng đánh cá chung. Cùng với đó, ngư trường cạn kiệt và giá nhiên liệu tăng cao đã khiến ngư dân chìm sâu dưới đáy nợ.

Ngư dân Đỗ Văn Trung (40 tuổi) cho hay: “Trước đây, nghề giã cào sử dụng máy Nhật Bản, mức tiêu hao nhiên liệu thấp, nhưng khi bà con đồng loạt chuyển sang máy tàu Trung Quốc siêu tốc thì loại này “ngốn” nhiêu liệu gấp đôi. Đặc biệt, sau 2-3 năm sử dụng thì máy tàu Trung Quốc “uống” dầu như nước biển. Việc này kết hợp với giá dầu, nhớt tăng cao, ngư trường thu hẹp, nguồn thủy sản cạn kiệt nên ngư dân thất thủ”.

Từng kiếm bạc tỷ mỗi năm, giờ đây, nhiều chủ tàu giờ phải ly hương làm thuê cho các tàu nơi khác, hoặc đi phụ hồ kiếm từng đồng trả nợ. Kinh tế biển khó khăn, việc học tập của con em địa phương cũng bấp bênh, dang dở; nhiều em phải bỏ học, tha phương mưu sinh, phụ giúp gia đình.

Buông tiếng thở dài, bà Phạm Thị Công giọng trầm buồn: “Địa phương đã kiến nghị ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ và tạm dừng kê biên, cưỡng chế tài sản để ổn định tình hình nhân dân. Xã cũng đã báo cáo với cấp trên tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho người dân tái thiết cuộc sống. Tuy nhiên, những vấn đề kiến nghị vẫn chưa được giải quyết”.

Rời “làng chài tỷ phú” giữa chiều mưa dông như trút nước, tôi phóng xe lao nhanh như thể người dân đi “lánh bão”. Suốt quãng đường, tôi miên man câu hỏi: Bao giờ nhân dân Nghĩa An mới hết nợ nghề

Bà Phạm Thị Công thông tin: “Toàn xã có 4.744 hộ dân, thì đã có 90% hộ vay vốn ngân hàng. Bình quân mỗi hộ nợ từ 1,5-2 tỷ đồng; cá biệt, có trường hợp nợ lên đến 7 tỷ đồng và không có khả năng thanh toán. Tính đến nay, đã có 860 trường hợp ở địa phương bị kê biên tài sản, 100 ngôi nhà bị bán đấu giá. Con số này sẽ còn tăng lên trong thời gian tới, bởi không chỉ chủ tàu vay ngân hàng, mà nhiều người dân đã thế chấp nhà cửa, đất đai vay vốn đưa cho chủ tàu làm ăn, để rồi biến mình thành “con nợ” bất đắc dĩ”.

Văn Tánh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/lang-chai-ty-phu-trong-con-bao-no-post454271.html