Làng cổ lắng đọng sắc Xuân

Cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về, các ngôi làng cổ ở thành phố ngã ba sông lại tấp nập, sôi động hẳn lên, không khí náo nức, ấm áp lan tỏa mỗi ngõ xóm, mỗi nếp nhà cổ kính. Dù trong quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ nhưng truyền thống văn hóa lâu đời mang đậm chất quê, hồn Việt vẫn được gìn giữ, trở thành nét đẹp xuyên suốt thời gian, lan tỏa không gian. Đó là những lễ hội, các loại hình văn nghệ dân gian, nghề thủ công truyền thống, phong tục tập quán, nếp sống… đã trở thành hồn cốt, bản sắc đặc trưng đời sống văn hóa cũng như tâm linh của mỗi người dân nơi làng cổ...

Người dân xã Hùng Lô quây quần gói bánh chưng dịp Tết cổ truyền.

Lưu giữ hồn quê

Những ngày này, trên khắp các nẻo đường ở các ngôi làng cổ trong lòng thành phố Việt Trì đều được trang hoàng lộng lẫy với cổng chào, câu đối Tết, màu cờ đỏ ở khắp các xóm làng tung bay trong nắng gió, tô thắm sắc Xuân, náo nức chuẩn bị đón một cái Tết cổ truyền đậm đà bản sắc.

Hùng Lô là một trong những ngôi làng cổ kính nằm bên dòng Lô giang, nơi đây có rất nhiều di tích gắn liền với thời kỳ Hùng Vương. Cận Tết, đường từ cổng làng đến các ngõ xóm, di tích lịch sử văn hóa tâm linh trong xã… phong quang sạch đẹp hơn. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương vẫn bảo tồn được gần như nguyên vẹn kiến trúc ngôi đình cổ, di tích lịch sử cấp quốc gia đã được công nhận từ năm 1990 - Đình Xốm hay còn gọi là Đình Hùng Lô, thuộc quần thể di tích lịch sử văn hóa Đền Hùng. Đình là quần thể di tích lịch sử văn hóa được xây trên dải đất rộng, gồm nhiều hạng mục công trình như: Tòa Đại đình, Phương Đình, Lầu Chuông, Lầu Trống, Nhà tiền tế...

Đồng chí Lã Tiến Boong- Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Với người dân Đất Tổ nói chung hay Hùng Lô nói riêng, ngôi đình vừa là nơi lưu giữ văn hóa tín ngưỡng vừa là nơi thờ cúng các vị tiền nhân có công với dân, với nước. Vì thế vào mỗi dịp Tết đến, Xuân về hay những ngày lễ trọng, chính quyền địa phương cùng người dân dâng hương hoa, lễ vật để bày tỏ lòng biết ơn, cầu mong những điều may mắn. Ngôi đình không chỉ mang giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc mà còn là không gian sinh hoạt cộng đồng cho nhân dân, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tri ân công đức tổ tiên.

Du khách thập phương ghé thăm làng cổ Hùng Lô và trải nghiệm hát Xoan cùng các nghệ nhân.

Còn với du khách thập phương về Hùng Lô trong dịp Tết đến Xuân về không chỉ được nghe những điển tích lịch sử để thêm hiểu, tự hào về truyền thống, nguồn cội mà còn được chiêm ngưỡng những giá trị nghệ thuật điêu khắc đỉnh cao đặc trưng thời Hậu Lê trên gỗ, gốm; được chiêm ngưỡng các đồ thờ tự như đỉnh, đèn, lư hương, hạc... bằng gốm, đồng chạm khắc tinh xảo; tiêu biểu nhất là năm cỗ kiệu sơn son thếp vàng, hệ thống 43 câu đối... Bên cạnh đó, những ngày này, về Hùng Lô, du khách không thể bỏ lỡ cơ hội nghe “Hát Xoan làng cổ”, thăm những ngôi nhà cổ... Đây thực sự là những di sản vô giá, nền tảng cốt lõi mang giá trị bền vững, quý báu cũng như chứng nhận cho bao công lao, tâm huyết gìn giữ ngôi làng cổ nguyên vẹn đến ngày nay và là mục tiêu cần được tập trung hướng tới trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao của địa phương.

Địa danh huyền thoại, nơi thờ tự Vua Hùng của dân tộc ta, về Hy Cương, mỗi người sẽ tìm được những khoảnh khắc yên bình khi Tết đến Xuân về, được hòa mình trong không gian xanh, cảnh sắc đồi núi thơ mộng mang những giá trị của văn hóa tâm linh.Trong tiềm thức mỗi người Việt, dấu ấn sâu đậm nhất về Hy Cương đó là mảnh đất thiêng, trước có tên là làng Cả, sau đổi tên là làng Cổ Tích. Nơi có Di tích lịch sử Đền Hùng, thờ tự các vua Hùng cùng rất nhiều di tích lịch sử khác như Đình Cổ Tích, Đình Lũng...

Giữa cuộc sống hiện đại, sôi động của sự phát triển phố thị, mái Đình Cổ Tích vẫn trầm mặc trong mái ngói thâm nâu, vững chãi theo thời gian. Đây cũng là một trong những ngôi đình lớn của các xã vùng ven Đền Hùng giữ được tục thờ cúng Hùng Vương. Đình còn là điểm xuất phát trong lễ rước kiệu chính lên đền Thượng vào ngày Giỗ Tổ, giữ vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân nơi đây. Dẫn chúng tôi đi tham quan đình Cổ Tích, đồng chí cán bộ văn hóa xã Bùi Thị Thượng cho biết: “Hàng năm, người dân xã Hy Cương đều tri ân công đức Tổ tiên-Vua Hùng trong mỗi dịp lễ, Tết bằng những sản vật của địa phương nuôi, trồng được. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhờ ơn công đức các Vua Tổ phù hộ nên địa phương ngày càng có sự khởi sắc đó là minh chứng rõ nhất qua cuộc sống của người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc…”.

Rộn ràng không khí đón Xuân

Một mùa Xuân mới đang về, không khí đón Xuân đã rộn ràng khắp nơi. Mỗi vùng miền đều có sự chuẩn bị đón Tết khác nhau nhưng cùng chung tinh thần phấn khởi, vui tươi và cùng hy vọng, mong muốn về những điều tốt đẹp nhất trong năm mới.

Luôn mang lại cảm giác mới lạ trong không gian cổ kính, yên bình quen thuộc, về Hùng Lô trong những ngày đầu Xuân ai ai cũng sẽ được cảm nhận những cơn gió se lạnh hay nắng ửng vàng trải khắp ngôi làng cổ nằm nép mình hiền hòa bên dòng sông Lô. Điều đặc biệt hấp dẫn là ngoài vẻ đẹp cổ kính cùng các giá trị lịch sử, văn hóa lâu đời, Hùng Lô còn là ngôi làng sở hữu kỹ thuật làm mỳ truyền thống và làm bánh chưng có tiếng. Đây không chỉ là nghề gia truyền, sinh kế của các hộ gia đình mà còn đang dần trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc của làng cổ.

Các hộ sản xuất mỳ gạo xã Hùng Lô đẩy mạnh sản xuất phục vụ nhu cầu của thị trường trong dịp Tết.

Ở mỗi chòm xóm, các gia đình, cơ sở sản xuất mỳ gạo, hộ làm bánh chưng đang tất bật để chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết cho thị trường. Từ đầu làng đến cuối xóm cảnh cán bột, phơi mỳ trở nên nhộn nhịp; ở mỗi hiên nhà, đâu cũng thấy màu xanh của lá dong, màu trắng của gạo, màu vàng của đỗ; không khí đón Tết càng trở nên rộn ràng hơn trong những phiên chợ Xốm, đủ các mặt hàng, người bán kẻ mua tấp nập đã tạo nên đặc trưng rất riêng có của ngày Tết cổ truyền, như bức tranh đẹp, sinh động và tràn đầy sức sống, sắc Xuân ở vùng quê làng cổ đất Trung du. Anh Nguyễn Văn Ninh - một thợ làm bánh lâu năm của làng cho biết: Hùng Lô hiện có hàng trăm hộ làm nghề cung cấp bánh chưng quanh năm. Chúng tôi rất tự hào về nghề truyền thống của cha ông, vì bánh chưng của làng được làm lễ vật đại diện cho con cháu mọi miền đất nước dâng lễ vật cúng các Vua Hùng hàng năm mỗi dịp Xuân về.

Xuân là mùa đẹp nhất, mùa của hội ngộ, sum họp đón Tết cổ truyền, mùa của sự khởi đầu và kỳ vọng những điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới. Trong tâm thức người Việt, Tết cổ truyền có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống tâm linh, là bản sắc văn hóa độc đáo, phản ánh đời sống của con người. Trong niềm vui hân hoan Xuân mới, người dân làng cổ xã Hy Cương đón chào Xuân mới 2023 với những niềm tin, ước vọng mới. Năm nay, địa phương đón Tết sung túc và trọn vẹn hơn với sự chuyển mình mạnh mẽ, đạt được nhiều thắng lợi trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, cuộc sống người dân ngày càng khởi sắc.

Dạo một vòng quanh xã, không khí tràn ngập bởi sắc thắm các loài hoa cùng sắc đỏ những câu đối, người người ở khắp mọi nơi thành kính tâm linh đi lễ để cầu mong mọi sự bình an, hạnh phúc... Còn những người nội trợ trong mỗi gia đình thì bận rộn hơn với việc sắm sửa những vật dụng còn thiếu để chuẩn bị cho bữa cơm Tất niên và lễ cúng đêm Giao thừa cùng những món ăn ngon cho ba ngày Tết.Trong guồng quay hối hả của cuộc sống, những ngày cuối năm, dù bận rộn tới đâu, mọi người đều sắp xếp công việc sớm nhất để về với gia đình thân thương của mình, để cùng quây quần bên mâm cơm Tất niên, chia sẻ những buồn vui sau một năm làm việc vất vả, chờ đón thời khắc chuyển giao của đất trời, chào năm mới với những niềm vui, ước vọng sung túc, an lành…

Để tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho bà con ăn Tết, đồng chí Bùi Thị Thượng, cán bộ văn hóa xã Hy Cương chia sẻ: Xã đã chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền để người dân vui Xuân đón Tết nhưng vẫn giữ an toàn, tiết kiệm. Thực hiện việc thăm hỏi, hỗ trợ những đối tượng nghèo, đối tượng chính sách. Cùng với đó, đẩy mạnh hoạt động chỉnh trang đô thị; dâng hương tại Đình Cổ Tích, Đình Lũng. Việc trân trọng, gìn giữ và phát huy những nét đẹp văn hóa ở những ngôi làng cổ chính là mục tiêu mà Đảng và Nhà nước ta trong quá trình phát triển đất nước luôn đặt ra, nhằm xây dựng con người mới, nét văn hóa mới, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

Ánh Dương

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//van-hoa/lang-co-lang-dong-sac-xuan/190340.htm