Làng cổ Trung Quốc - Những nốt trầm của thời gian
Du lịch Trung Quốc dịp giao mùa cuối tháng 3 đầu tháng 4/2025, nhóm tour Việt Nam chúng tôi được chứng kiến sự bùng nổ du lịch nông thôn khi lựa chọn tour tùy chỉnh có 4 điểm đến làng cổ ở 2 tỉnh Giang Tây và An Huy. Nơi nào cũng rất đông du khách nhưng trật tự và an toàn.

Cảnh quan ruộng bậc thang mùa hoa cải dầu nở rộ (ngày 31/3) tại "ngôi làng trong tranh ấn tượng nhất Trung Quốc" - Hoàng Lĩnh cổ thôn. Ảnh: Linh Lê
Làng cổ Trung Quốc - những nốt trầm của thời gian và linh hồn thôn xóm
Các điểm đến này bao gồm: 2 làng cổ ở huyện Vụ Nguyên, thuộc thành phố cổ Thượng Nhiêu có lịch sử hơn 1700 năm của tỉnh Giang Tây.
Vụ Nguyên nổi tiếng là xứ sở của những cánh đồng hoa cải vàng nở rộ đẹp mê hồn, cùng đặc sản trà xanh mùa xuân hảo hạng. Đồng thời Vụ Nguyên còn nổi tiếng nơi lưu giữ những kiến trúc cổ xưa được bảo tồn tốt nhất Trung Quốc.
Đó là "Ngôi làng trong tranh ấn tượng nhất Trung Quốc" Hoàng Lĩnh cổ thôn và làng cổ Ly Khanh (Likeng), với điểm nhấn là lối kiến trúc Huệ Châu ấn tượng bởi những ngôi nhà tường trắng, mái ngói đen cùng những chạm khắc rất tinh tế.
Hai làng cổ còn lại đều ở huyện Y, tỉnh An Huy, được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới từ năm 2000 gồm: Làng cổ Tây Đệ được mệnh danh là "ngôi làng trong Đào Nguyên Minh", với điểm nhấn là những ngôi nhà nghìn năm tuổi được chạm khắc tỉ mỉ từng đường nét hoa văn trên gỗ, đá và gạch… như các kiệt tác nghệ thuật.
Cách đó khoảng 25km là Hoành Thôn - nơi từng xuất hiện trong bộ phim bom tấn võ hiệp Trung Quốc "Ngọa hổ tàng long" (năm 2000) nổi tiếng thế giới. Hoành Thôn có hệ thống thủy lợi nhân tạo được tôn vinh là "Trung Hoa nhất tuyệt", viết nên trang sử thủy văn sinh động về hình con trâu. Trong đó Lôi Cương là đầu trâu, cây cổ thụ cao chót vót trong làng là sừng trâu. Hệ thống nhà cửa san sát nhau tạo thành hình thân trâu.

Hoàng Lĩnh cổ thôn (huyện Vụ Nguyên, thành phố Thượng Nhiêu, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc) ngày 31/3. Ảnh: Linh Lê

Cặp đôi du khách "tín đồ xê dịch" Việt Nam đến từ Hà Nội, chụp ảnh lưu niệm trong một ngõ hẹp tại Hoàng Lĩnh cổ thôn. Ảnh: Giang
Sức cuốn hút của các ngôi làng cổ ở chỗ vẻ đẹp cổ điển, được ví như "những nốt trầm của thời gian" - anh Nguyễn Quang Nam ở Hà Nội, một "tín đồ xê dịch", thành viên nhóm du khách Việt Nam vừa thực hiện tour du lịch tùy chỉnh Vũ Hán - Giang Tây - An Huy mở rộng từ 28/3-7/4 - chia sẻ.
Chúng tôi đến Hoàng Lĩnh cổ thôn mang theo nỗi háo hức của chuyến du xuân khởi đầu năm mới 2025, đúng mùa hoa cải dầu nở rộ đẹp nhất trong năm.
Ngồi trên cáp treo ai cũng mê mẩn ngắm nhìn những thửa ruộng bậc thang như được khoác lên vô số dải lụa vàng óng, từng lớp từng lớp uốn lượn, sóng sánh chuyển động theo gió xuân.
Nhìn từ xa ngôi làng được xây dựng trên địa hình đồi núi và nằm cheo leo trên vách đá tạo nên khung cảnh độc đáo rất ấn tượng. Đây có lẽ là một trong những thôn làng miền núi điển hình của Trung Quốc.

Dòng suối nhỏ với những cây cầu tạm bắc ngang tại làng Ly Khanh (Likeng) ở Vụ Nguyên hút khách chụp ảnh chech in sáng 1/4. Ảnh: Thanh Nguyễn

Nhịp sống chậm êm đềm ở làng cổ Ly Khanh (Likeng) đem lại cho du khách cảm giác thư thái, yên bình. Ảnh: Thanh Nguyễn
Cũng giống như ở Việt Nam, ruộng bậc thang nơi đây không chỉ là nơi canh tác mà còn là một phần linh hồn thôn xóm. Mỗi mùa hoa cải về những bậc thang ấy lại được tô điểm bằng bàn tay của thiên nhiên, để kể câu chuyện về sự giao hòa giữa lao động với cái đẹp, giữa con người với đất đai bản quán.
Xuống cáp treo, chúng tôi tha thẩn vào làng trên con đường nhỏ lát đá phiến đã mòn viền, cong nhẹ dưới bước chân bao thế hệ, lấp ló giữa những luống hoa vàng mọc sát bên đường đang nghiêng mình đón nắng. Cảnh tượng hệt như đường nét của bức tranh cổ.
Con đường từ từ đưa chúng tôi lạc vào một thế giới khác khi bắt gặp những ngôi nhà với kiến trúc mộc mạc, chắc bền và gắn bó sâu sắc với thổ nhưỡng địa phương. Kiến trúc của làng cổ mang nét dân gian bản địa với tường đất trộn rơm. Đồng thời cũng chịu ảnh hưởng rõ nét của phong cách kiến trúc Huệ Châu với tường trắng, ngói đen - trường phái kiến trúc nổi bật của vùng An Huy cổ mà sau đó chúng tôi tiếp tục gặp lại ở các làng cổ Tây Đệ, Hoành Thôn.

Cổng làng Tây Đệ lúc hoàng hôn ngày 4/4. Tây Đệ được biết đến là "khung ảnh thu nhỏ của văn hóa truyền thống Trung Quốc", "Bảo tàng nhà cổ đời Minh và Thanh của Trung Quốc". Ảnh: Linh Lê

Đến nay làng cổ Tây Đệ còn lưu giữ nguyên vẹn được 122 ngôi nhà cổ với hơn 300 hộ dân. Ảnh chụp một cửa hàng nhỏ bán trà xanh ở Tây Đệ ngày 4/4. Ảnh: Linh Lê
Men theo những con đường có rất nhiều cửa hàng theo phong cách An Huy cổ với cửa hàng phía trước và xưởng sản xuất ở phía sau. Các ngôi nhà trong làng ít bị du lịch hóa, được bảo tồn khá tốt. Nhiều ngôi nhà còn nguyên bản với kết cấu truyền thống kiểu tứ hợp viện hoặc tam gian hai chái, khung nhà bằng gỗ.
Hầu hết khung cửa, kèo, xà đều được chạm hoa văn rồng, phượng, cá hóa long, bầu hồ lô, hoa sen. Tất cả đều hàm chứa ước vọng an yên, thịnh vượng. Các chi tiết chạm khắc ở đây theo chúng tôi nhận thấy, dù có tinh tế nhưng ở mức độ tiết chế. Không dày đặc tỉ mỉ, cầu kỳ và mang tính học thuật như tại các làng cổ Tây Đệ, Hoành Thôn.
Quá trưa chúng tôi rời làng đi bộ xuống núi trong lời thì thầm của làn gió lướt trên biển hoa cải dầu vàng rực rỡ, mang lại cho du khác cảm giác nhẹ tênh khác hẳn với nhịp sống vội vàng và náo nhiệt ngoài kia.
Du lịch nông thôn - "cơn sốt" mới ở Trung Quốc
Theo thông tin báo chí, du lịch nông thôn đang trở thành "cơn sốt" mới ở Trung Quốc, với số lượng du khách đổ tới các điểm đến nông thôn đã tăng 55,5% đem lại mức doanh thu tăng 48% lên 551 tỉ USD vào năm 2021.

Rất đông du khách ngắm cảnh trong khi nhiều học sinh, sinh viên tập trung vẽ tranh phong cảnh ngày 4/4 tại Nam Hồ - hồ nước nhân tạo được tạo dựng từ thời nhà Minh, bao quanh mặt trước của làng cổ Hoành Thôn theo hình cánh cung độc đáo. Ảnh: Linh Lê
Trong kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của Chính phủ Trung Quốc cho giai đoạn 2021-2025, du lịch nông thôn được đưa vào trọng tâm với các kế hoạch "Mở rộng vùng nông thôn". Điều này phù hợp với nỗ lực trước đây của chính quyền nhằm xây dựng "Những thôn làng quyến rũ" (Charming Villages) trên khắp các vùng nông thôn.

Hai du khách nhí nghỉ chân sau khi chụp ảnh tại Hoành Thôn ngày 4/4. Ảnh: Linh Lê

Đặc sản thịt lợn muối phơi nắng tại Hoành Thôn ngày 4/4. Ảnh: Linh Lê
Tổ chức Du lịch Liên Hợp Quốc mới đây công bố danh sách Top "55 thôn làng du lịch tuyệt nhất để ghé thăm năm 2025" (UN Tourism's 55 best tourism villages to visit in 2025). Trong đó Trung Quốc nổi bật với 6 địa điểm lọt Top 55 này, bao gồm:
Làng cổ Azheke (A Giả Khóa), tỉnh Vân Nam (xếp thứ 6); huyện Quảng Dương (Guangyang) thuộc Lang Phường là một địa cấp thị của tỉnh Hà Bắc (thứ 17); Shibadong - nhóm làng cổ của người Miao ở tỉnh Hồ Nam (thứ 41); làng Đào Bình (Taoping), tỉnh Tứ Xuyên (thứ 45); làng Tiểu Cương (Xiaogang) tỉnh An Huy (thứ 53); làng Xitou thuộc thị trấn Lương Khẩu, Quảng Châu, Quảng Đông (thứ 54); làng chài Yandunjiao, tỉnh Sơn Đông (thứ 55).
Việt Nam cũng là một trong các đại diện châu Á góp mặt vào Top 55 này với làng rau Trà Quế ở Hội An (xếp thứ 46). Ngoài ra còn có làng Bo Suak, Thái Lan (thứ 7); Indonesia có 2 làng Jatiluwih (thứ 20) và Wukirsari (thứ 52); làng Nishikawa, Nhật Bản (thứ 25).