Làng Cơ Tu dưới Khu căn cứ cách mạng

Trong ký ức của già làng Cơ Tu Nguyễn Văn Cần (thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng), vùng tam giác Phú Túc - Ô Rây - Tống Cói (H. Hiên, Quảng Nam - Đà Nẵng cũ) có độ cao hơn 300m là Khu căn cứ cách mạng có lịch sử tồn tại lâu dài, có vai trò và tác dụng to lớn đối với chặng đường lịch sử đấu tranh cách mạng của quân, dân địa phương. Nơi đây đã gắn liền với những sự kiện lịch sử quan trọng, lưu dấu biết bao bước chân của cán bộ cách mạng trong công cuộc kháng chiến trường kỳ.

Người Cơ Tu thôn Phú Túc chuẩn bị nguyên liệu nấu rượu cần.

Người Cơ Tu thôn Phú Túc chuẩn bị nguyên liệu nấu rượu cần.

Dải đất chiến khu xưa có địa hình núi non hiểm trở, không chỉ là một thành trì vững chắc bao bọc dân làng mà còn là niềm tin không chuyển dời từ cái nôi phong trào cách mạng của H. Hòa Vang. Tất cả gần như đều bị bao phủ bởi đồi rừng, lau lách, đường đi cheo leo, nhiều vách đá dựng đứng… “Lúc đó, tụi mình mới chỉ là những thanh niên độ tuổi mười tám, đôi mươi, còn chưa hiểu cách mạng là gì nhưng khi thấy giặc về làng sát hại dân lành thì ai nấy đều hừng hực khí thế sẵn sàng ở lại giúp cách mạng. Những chàng trai, cô gái người Cơ Tu không ngại xông pha lửa đạn, làm du kích, giao liên sát cánh với cán bộ, bộ đội huyện trong mọi gian khổ, hiểm nguy”, già Cần trải lòng.

Chiến tranh kết thúc, do thiếu “cái ăn, cái mặc” nên không ít người bỏ làng di cư lên vùng cao tìm miền đất mới. Người ở lại do nhu cầu cuộc sống phải vất vả vào rừng đốn củi, đốt rẫy làm nương. Năm 1989, khi được chuyển giao cho xã Hòa Phú quản lý, đồng bào Cơ Tu Phú Túc quây quần lập làng dưới chân núi Khu căn cứ cách mạng xưa, không còn cám cảnh “du canh, du cư” nữa. Được sự đầu tư của các ngành, các cấp, H. Hòa Vang tập trung chỉ đạo và giải quyết những nhu cầu cấp thiết cho đồng bào dân tộc thiểu số thông qua nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, làm cơ sở hạ tầng định canh định cư, xóa đói giảm nghèo; trong đó, có chủ trương mang nặng nghĩa tình là xây dựng nhà ở kiên cố cho đồng bào vùng cao.

Bà Lê Thị Trâm - người dân địa phương xác nhận: “Trước đây, nhà cửa của người Cơ Tu nơi đây chỉ bằng tranh nứa lụp xụp. Cuộc sống của gia đình còn nhiều khó khăn, chỉ trông cậy vào nương rẫy, làm bao nhiêu ăn hết bấy nhiêu cho dù rất mong muốn nâng cấp ngôi nhà, nhưng không thể nào thực hiện được. Khi được Nhà nước xây nhà mới, vợ chồng, con cái mình ưng cái bụng lắm. Ở vùng cao này mà được như vậy thì còn gì hơn, khỏi sợ gió bão, mưa lũ nữa”.

Bên cạnh đó, xác định tầm quan trọng của di sản văn hóa dân tộc, cũng như giữ gìn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa đồng bào vùng cao, ngoài việc duy trì Liên hoan “Văn hóa, thể thao miền núi” hằng năm, H. Hòa Vang còn tổ chức cho người dân nghiên cứu thực tế cách thức làm du lịch cộng đồng của người Cơ Tu ở vùng cao Đông Giang, Tây Giang (Quảng Nam) và phục dựng các lễ hội “Ăn thề kết nghĩa”, “Mừng lúa mới”; tập huấn, khôi phục nghề dệt thổ cẩm, đan mây tre, điêu khắc tượng gỗ truyền thống gắn với phát triển du lịch để góp phần nâng cao đời sống. Bây giờ, lớp trẻ trong thôn Phú Túc thì lao động hợp đồng cho các Khu du lịch sinh thái tại địa phương, lớp người cao tuổi thì được hỗ trợ nghề nấu rượu cần của cha ông để lại, phục vụ khách du lịch.

Có thể nói, sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, diện mạo thôn miền núi Phú Túc đã có nhiều thay đổi vượt bậc. Đường giao thông thuận lợi hơn rất nhiều, ô-tô vào tận bản làng. Mạng lưới điện thoại, phát thanh, truyền hình đã đến từng nhà, giúp cho 131 hộ dân, 500 nhân khẩu trong thôn được tiếp cận với những phương tiện truyền thông hiện đại… Cùng với đó, phương châm “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với đồng bào vùng cao cũng được các cấp chính quyền tiếp tục đề cập, coi đó là động lực nhằm giảm thiểu chênh lệch mức sống của người dân miền núi với miền xuôi. Ngoài sự tiếp sức của huyện, sự đầu tư của TP thì nội lực tự vươn lên của bà con vẫn là yếu tố mang tính then chốt, hạn chế tư tưởng trông chờ ỉ lại vào chính sách của Nhà nước…

“Bây giờ, bà con Cơ Tu chẳng muốn ngồi không chờ gạo cứu đói nữa, cũng chẳng muốn lên rừng chỉ để bứt mây, chặt nứa, đào củ mưu sinh mà muốn được vay vốn làm ăn, được tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, được đào tạo nghề… để lo cho cuộc sống của chính mình”, ông Đinh Văn Nhom quả quyết.

VY HẬU

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/65_230832_lang-co-tu-duoi-khu-can-cu-cach-mang.aspx