Làng đào Đồng Dụ tất bật vào Tết

Các vườn đào cổ thụ xã Đặng Cương, huyện An Dương, TP Hải Phòng có những gốc đến hàng chục năm, thân mốc trắng, rêu phong bao quanh được cẩu lên xe giao cho khách. Hầu hết người chơi đào đều là khách quen đến từ Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình, Thanh Hóa…Có những gốc giá thuê đến vài chục triệu đồng.

Những ngày cuối tháng 12 âm lịch, khắp các nẻo đường dẫn về xã Đặng Cương huyện An Dương, TP Hải Phòng người và xe qua lại tấp nập đến các vườn đào cổ thụ xem và mua đào. Người dân địa phương tất bật với công việc đào đất quanh gốc, vận chuyển cho khách, một không khí hồ hởi đón xuân tràn khắp thôn xã.

Xã Đặng Cương với các làng Đồng Dụ và Trí Hiếu nổi tiếng về trồng đào, trồng quất và hoa hải đường, được công nhận là làng nghề truyền thống. Đào ở đây được người dân đi mua gốc đào trên vùng miền núi phía Bắc như các tỉnh: Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Hòa Bình… sau đó về ghép đào phai. Trung bình mỗi gốc đào mua có giá từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng tùy từng gốc to hay nhỏ. Thông thường mỗi gốc đào cổ thụ người dân phải trồng và chăm sóc từ 1-2 năm mới phục vụ khách chơi Tết và hầu hết đào ở Đồng Dụ chủ yếu chỉ để cho thuê vào những ngày Tết. Ông Đỗ Đình Đại, người làng Đồng Dụ cho biết, năm nay, vườn đào nhà ông có 70 gốc cổ thụ và đến thời điểm này cơ bản khách đã đặt cọc và thuê hết. Những cây đẹp nhất trong vườn, ông cho thuê giá cao đến 15 triệu đồng cho một khách đến từ Thanh Hóa. Trừ các khoản chi phí vụ đào Tết này, ông thu lãi khoảng hơn 150 triệu đồng.

 Đào cổ thụ xã Đặng Cương thường được khách thuê chơi trong những ngày Tết.

Đào cổ thụ xã Đặng Cương thường được khách thuê chơi trong những ngày Tết.

Công đoạn chăm sóc một cây đào cổ thụ đến dịp Tết cũng rất kỳ công. Những gốc đào rừng khi mua về thường nhiều rễ, nhiều cành. Người trồng phải cắt tỉa bớt cho gọn gàng, dùng bao tải che, quấn và chăm sóc, quá trình chăm bón khi phát triển cũng là lúc bắt đầu phải tạo thế. Đất trồng đào phải là lớp đất màu trên ruộng lúa để ải, đập nhỏ, trộn với phân, được đánh thành luống cao và có rãnh thoát nước tốt về mùa mưa. Theo tìm hiểu của chúng tôi, làng đào cổ thụ Đặng Cương mới phát triển khoảng 10 năm trở lại đây. Xưa kia, người dân địa phương chỉ trồng những cây đào nhỏ, nay những cây đào được ghép gốc lớn rêu phong và cánh hoa dày, tươi sắc, rực rỡ, được uốn tỉa kỳ công, tạo các thế tuyệt mỹ cho từng cây đào. Ông Nguyễn Quốc Măng, 49 tuổi, làng Đồng Dụ, xã Đặng Cương, huyện An Dương, TP Hải Phòng chia sẻ: Nghề trồng đào cho thu nhập cao hơn nghề trồng lúa nhưng luôn ẩn chứa những lo âu, nhất là dịp giáp Tết nếu thời tiết nắng ấm thì gần như mất trắng. Năm nay đến thời điểm hiện tại trời se lạnh thuận lợi cho trồng đào, vườn của ông nhiều gốc đào to, nụ mũm mĩm và sẽ nở rộ vào ngày Tết.

Những ngày Tết cận kề các vườn đào cổ thụ xã Đặng Cương là điểm hút khách đến tham quan, thuê và mua đào. Nghề trồng hoa nói chung, trồng đào nói riêng ở xã Đặng Cương đang được cấp chính quyền quan tâm, xây dựng thành thương hiệu. Ông Nguyễn Văn Thiết, Phó chủ tịch UBND xã Đặng Cương cho biết: "Với diện tích hơn 110ha, các loại cây trồng có thế mạnh là đào, quất, hải đường, chính quyền khuyến khích nhân dân phát triển làng nghề một cách bền vững. Với điều kiện thời tiết tết như hiện nay làng nghề sẽ thu được kết quả cao".

Bài, ảnh: HẢI HÀ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/lang-dao-dong-du-tat-bat-vao-tet-608467