Làng đèn trung thu Báo Đáp qua thời bĩ cực
Năm nay, đèn lồng ông sao của làng Báo Đáp (thuộc xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) đắt hàng, làm không kịp bán.
Khác với mấy năm trước, làng đèn trung thu Báo Đáp lặng buồn trước dịp Tết Trung thu bởi không cạnh tranh nổi với “làn sóng” đồ chơi điện tử Trung Quốc ồ ạt đổ về, đến năm nay, đèn lồng ông sao của làng Báo Đáp đắt hàng, làm không kịp bán.
Làm giàu từ nghề truyền thống
Những ngày đầu tháng 8, PV Báo Giao thông có mặt tại làng Báo Đáp (thuộc xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định). Ngay từ đầu làng, xe ô tô tải ra vào tấp nập để vận chuyển đèn ông sao đi về các tỉnh. Trong làng, các sân nhà, phòng khách ngập tràn tre nứa, nilon, dây tua rua đủ các sắc màu dùng để làm đèn. Dường như không khí Tết Trung thu về sớm hơn ở nơi này.
Đang tất bật hoàn thiện các sản phẩm để kịp giao cho khách, bà Nguyễn Lộc Thành (58 tuổi, ở xóm 7, làng Báo Đáp) cho hay, làm đèn lồng ông sao quanh năm nhưng nhộn nhịp nhất vào bốn tháng trong năm, từ tháng 5 đến tháng 8 âm lịch. Nhất là từ đầu tháng 7 âm lịch tới giờ, đèn ông sao cháy hàng, thương lái đưa ô tô về tận làng đánh hàng đi liên tục. “Đèn ông sao hạng nhỏ, hạng trung có giá chỉ 5-7 nghìn đồng/cái là đắt hàng nhất, còn ai đèn ông sao hạng to, đắt hơn thì chúng tôi cũng làm, nhưng phải đặt trước”, bà Thành kể.
Theo lời bà Thành, đèn ông sao năm ngoái, năm nay mới bắt đầu đắt hàng trở lại, chứ chỉ khoảng năm kia đổ ra, thì Tết Trung thu có cận kề, làng đèn vẫn ảm đạm vì ế khách. Nhiều hộ ngày ấy phải chuyển sang nghề làm hoa nhựa, hoa giả để kiếm sống. Nhưng từ năm ngoái và nhất là năm nay, đèn đắt hàng trở lại.
Anh Bùi Văn Chung (49 tuổi, ở xóm 8, làng Báo Đáp) cho hay, sau một thời gian chạy theo các sản phẩm đồ chơi Tàu hào nhoáng, giờ đây người tiêu dùng đã quay lại với đèn ông sao được coi là hình ảnh đặc trưng nhất của ngày Tết Trung thu, gắn liền với phong tục, tập quán và nét văn hóa cổ truyền của bao thế hệ người Việt..
Theo anh Chung, nghề làm đèn ông sao ở Báo Đáp có từ lâu đời. Ở đây từ các cụ già đến em bé 7- 8 tuổi đều có thể tham gia làm đèn. Do đó, làng nghề khôi phục trở lại, đã tận dụng được rất nhiều nhân lực ngày nông nhàn.
Những ngày này, đến Báo Đáp thấy ai ai cũng cắm cúi làm đèn ông sao, khắp ngõ trong sân ngập nguyên liệu làm đèn. Trung bình mỗi người có thể làm được 100-150 chiếc đèn/ngày, tiền trả nhân công là 150-200 nghìn đồng/ngày. Nhờ đó, nhiều hộ dân Báo Đáp khá giàu có với những hộ thu nhập 50 triệu đồng đến cả trăm triệu đồng/tháng từ việc làm đèn ông sao.
Nghề chỉ có thể dùng tay
“
Ông Nguyễn Văn Quang, Phó chủ tịch UBND xã Hồng Quang cho biết, làng nghề truyền thống Báo Đáp có khoảng 900 hộ với gần 3.000 nhân khẩu, một số người dân đi thoát ly, còn lại chủ yếu ở nhà làm đèn ông sao. Mỗi năm làng nghề Báo Đáp sản xuất khoảng 2 - 2,5 triệu chiếc đèn ông sao các loại, bán đi toàn quốc. “Đây là làng nghề truyền thống, người dân làm theo nhu cầu thị trường. Đến nay huyện, xã cũng chưa có cơ chế chính xác gì hỗ trợ bà con trong làng nghề”, ông Quang nói.
”
Theo các cụ cao niên trong làng, làng nghề Báo Đáp có 7 thôn với khoảng 1.000 hộ thì có tới 300 gia đình làm đèn ông sao truyền thống.
Cụ Nguyễn Thị Gấm (75 tuổi) ở xóm 7, làng Báo Đáp cho biết: Đèn ông sao được chia làm nhiều loại: Loại lớn có đường kính 50cm, loại vừa 40cm, loại nhỏ 30cm và loại to đại làm theo đơn đặt hàng của khách hàng. Trong làng có rất ít hộ làm đèn to vì loại này đòi hỏi khá kỳ công. Đối với loại đèn to, người thợ chỉ làm được khoảng 30 - 40 chiếc/ngày, còn làm loại nhỏ thì một người có thể làm được 120 - 150 chiếc/ngày.
“Nhìn đơn giản thế thôi nhưng để làm ra một sản phẩm đèn ông sao cũng mất hơn chục công đoạn”, cụ Gấm nói và kể, đèn ông sao làng Báo Đáp được làm hoàn toàn theo phương pháp thủ công, vật liệu làm đèn khá đơn giản gồm: Tre, nứa, giấy bóng và xương cây đay làm cán.
Bắt đầu từ tháng Giêng, người làng Báo Đáp đã đi mua tre nứa về ngâm để nan có đủ độ dẻo không bị gẫy khi uốn. Sau khi đã được chẻ ra thành từng nan, người làng nghề bắt đầu uốn khung đèn rồi cột lại với nhau bằng dây kẽm, sau đó dán giấy bóng lên, cuối cùng là khâu trang trí cho sản phẩm.
Theo bà Hoa ở xóm 7, làng Báo Đáp, xã Hồng Quang, bây giờ làm đèn lồng không cầu kỳ như xưa. “Vì giá thành rẻ, mà nhu cầu của người mua cũng chỉ vậy thôi, nên giá đèn lồng bán ra ở đây cũng chỉ 6 - 7 nghìn đồng một cái, kích thước dài khoảng 50 cm. Giờ muốn có đèn lồng to, hay làm kiểu đèn kéo quân dán các hoạt cảnh cầu kỳ rồi đặt cây đèn thắp sáng ở bên trong như ngày xưa, thì phải đặt trước mà cũng không nhiều nhà muốn nhận làm”, bà Hoa nói.
Theo bà Hoa, cái khó nhất của làm đèn ông sao là đòi hỏi sự tỉ mẩn, khéo léo và kiên trì. Gần như tất cả các công đoạn làm nên chiếc đèn ông sao đều phải làm thủ công bằng tay, không thể vội vàng và cũng không thể nhờ máy móc hỗ trợ. “Đã có giai đoạn, một số hộ mua máy về dập khung đèn bằng nhựa, nhưng khi dán giấy bóng lên thì không dính, nên lại phải bỏ máy dùng tay làm trên nền tre nứa cũ”, bà Hoa cho hay.
“Chiếc đèn ông sao đẹp là hình sao phải đều cánh, giấy bóng kính dán căng đều, các chi tiết của đèn phải chắc chắn, trọng lượng đèn phải nhẹ để đảm bảo trẻ em thoải mái, thích thú cầm chiếc đèn vui Tết Trung thu”, bà Hoa nói.