Vào những ngày gần cuối năm, khắp làng nghề Sơn Đồng (Hoài Đức, Hà Nội) nhộn nhịp, xưởng sản xuất tượng và đồ thờ nào cũng vang tiếng đục đẽo lách cách. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Các xưởng hoạt động quanh năm vì nhu cầu về sản phẩm ổn định, tuy nhiên càng gần tới dịp Tết Nguyên đán, các xưởng càng trở nên bận rộn vì lượng hàng khách đặt tăng nhiều lần. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Những người thợ ở đây luôn tự hào khi hầu hết các chùa chiền, nhà thờ lớn nhỏ ở khắp các vùng trên cả nước đều có những pho tượng hay đồ thờ cúng, sơn son thiếp bạc từ Sơn Đồng. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Làng nghề đã có từ ngót nghét gần một thế kỷ, qua nhiều thế hệ cha truyền con nối nên ngày nay có khoảng 4.000 lao động phần lớn là người trong làng. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Thợ Sơn Đồng lớp trẻ vẫn giữ được nét tài hoa truyền thống, vừa tìm tòi đổi mới sản phẩm cho phù hợp với nhu cầu của khách hàng. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Kỹ thuật sơn tượng rất kỳ công và tỉ mỉ, trải qua nhiều công đoạn để bề mặt tượng được phẳng, nhẵn và mọng. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Tùy theo nhu cầu của khách hàng mà công đoạn cuối người thợ sẽ dán bạc hoặc dán vàng quỳ. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Bên cạnh sản phẩm nổi bật là tượng thì người Sơn Đồng còn làm những đồ thờ thủ công mỹ nghệ khác như hoành phi, câu đối, ngai, khảm thờ,… (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Tất cả các sản phẩm đều được những người thợ lành nghề chăm chút từng ly, tỉ mỉ trong từng nét vẽ, nét sơn. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Với chất liệu chủ đạo bằng gỗ mít, những nghệ nhân làng nghề Sơn Đồng tạo ra nhiều sản phẩm thủ công vô cùng tinh xảo và đẹp mắt. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Những ngày giáp Tết dường như ai cũng tất bật, hoạt động hết công suất bởi lượng hàng phải trả cho khách vào dịp cuối năm gấp 2-3 lần với hàng ngàn sản phẩm. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Không khí trong làng những ngày này vừa bận bịu vừa vui vẻ cùng nhau. Mỗi người một việc từ những công đoạn đòi hỏi kĩ thuật cao đến những bước vệ sinh cuối cùng trước khi giao tới khách hàng. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Những pho tượng tinh xảo có giá từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng thậm chí lên tới cả tỷ đồng. Đó không chỉ đơn thuần là việc tạo việc làm tăng thu nhập cho người dân địa phương mà còn là động lực để phát triển cũng như gìn giữ làng nghề truyền thống. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)