Làng đổi ngôi
Không giống như cảnh thường thấy ở nhiều nơi là người phụ nữ trông con, lo việc gia đình, đồng áng còn người đàn ông đi làm ăn xa, còn ở thôn Kim Thu Ngà, xã Kim Quan (Yên Sơn) thì ngược lại. Ở đó có nhiều phụ nữ đi làm công ty, đi xuất khẩu lao động… còn người đàn ông ở nhà hết 'đổ cày sang bừa' lại lo chu đáo mọi việc chờ ngày cả gia đình cùng đoàn viên, hạnh phúc…
“Mày râu” đảm đang
Trong những ngày này, cánh đồng xã Kim Quan đang ngập tràn màu vàng óng của lúa chín, không phân biệt nam hay nữ, tất cả đều hùa nhau ra đồng thu hoạch lúa. Ở khu đồng của người dân thôn Kim Thu Ngà, bóng dáng những người đàn ông chiếm đa phần bởi nhiều phụ nữ đã gác chuyện đồng áng, xa gia đình đi làm việc ở những khu, cụm công nghiệp trong nước hoặc đi xuất khẩu lao động.
Anh Thèn Văn Thương, dân tộc Nùng đang thoăn thoắt xếp những bó lúa mới cắt lên xe chia sẻ, vợ anh đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản gần 3 năm nay. Trước khi đi, 2 vợ chồng và gia đình cũng đã bàn rất kỹ người nào đi, người nào ở nhà. Cuối cùng, cả gia đình đồng ý cho vợ đi xuất khẩu lao động. Hàng ngày anh Thương ở nhà thay vợ, gánh vác hai vai vừa chăm con, lo việc cấy cày, đồng áng, chăn nuôi… Hiện nay, vợ anh Thương sang đó làm việc, mỗi tháng thu nhập hơn 20 triệu đồng, cả gia đình cùng nhau cố gắng để tích lũy được số vốn để sau này về quê đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống. Anh Thương cũng chia sẻ thêm, thời gian đầu ở nhà không có vợ, con anh khóc cả đêm. Nhưng rồi cuộc sống cũng dần quen, anh dần nằm lòng cách làm bảo mẫu, con lớn lên khỏe mạnh, học tốt. Những lúc nhớ vợ, anh liền mở facebook lên, gọi facetime, vợ chồng con cái được nhìn thấy nhau lại mừng mừng, tủi tủi. Cả nhà cùng động viên nhau cố gắng, vượt qua khó khăn xa cách lúc này vì tương lai tốt đẹp mai sau.
Tương tự như hoàn cảnh của anh Thương, từ ngày vợ đi làm ở khu công nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc, anh Cháng Văn Vinh ở cùng thôn cũng “một nách 2 con nhỏ”. Công việc của anh bận rộn từ sáng đến tối khi phải đưa đón con đi học, đi làm đồng, đón con về, nấu ăn, chăm con, lo cho con từng giấc ngủ… Vất vả là thế song anh Vinh không bao giờ than thở. Anh Vinh nói, hoàn cảnh nhà nông nên phải cố gắng chứ ai chẳng muốn vợ, chồng, con cái quây quần bên nhau mỗi ngày. Ở quê không có công việc ổn định, nguyên làm ruộng thì cuộc sống rất khó khăn. Từ ngày vợ đi làm công ty, mỗi tháng cũng có thu nhập 7, 8 triệu đồng, cộng với số tiền anh đi làm thuê như phụ xây, khai thác gỗ rừng trồng… thu nhập của gia đình ngày càng ổn định, xây được nhà kiên cố. Anh Vinh chia sẻ, trong thôn có nhiều phụ nữ đi làm công ty, chồng ở nhà là bởi ở nhà toàn là việc nặng nên vợ ở nhà cũng không thể cáng đáng hết được, do vậy vợ đi làm công ty chồng ở nhà là “thượng sách”.
Cuộc sống đổi thay
Toàn thôn Kim Thu Ngà, xã Kim Quan có 148 hộ, trong đó dân tộc Nùng chiếm đến hơn 70%, gần 30% là người Mông, người Kinh chỉ có 2 hộ. Có thể nói nét văn hóa nhường cho phụ nữ làm những công việc nhẹ nhàng hơn, cánh đàn ông lo việc nặng đã trở thành một phong tục đẹp bao đời ở đây.
Ông Lù Văn Lương, dân tộc Nùng năm nay ngoài 60 tuổi cho biết, đối với người Nùng, người đàn ông là trụ cột trong gia đình, nhưng người đàn ông không chỉ làm những công to việc lớn mà luôn phải biết chia sẻ, gánh vác cùng vợ những việc nhỏ từ chuyện chăm con, làm đồng… Như thế mới được đánh giá là trưởng thành. Ngày nay khi cuộc sống thay đổi, nhiều cơ hội mở ra có thu nhập cao hơn. Giữa lúc ấy có 2 sự lựa chọn giữa đi và ở, người đàn ông hoặc người phụ nữ đi làm, người còn lại ở nhà lo mọi việc. Ở nhà, chắc chắn vất vả hơn, thế nên, người đàn ông là trụ cột nhận lấy là điều nên làm, dễ hiểu.
Theo thống kê của UBND xã Kim Quan, trong những năm gần đây, số người đi làm việc tại các khu, cụm công nghiệp trong nước và đi xuất khẩu lao động trên địa bàn ngày càng tăng. Điều này đã góp phần nâng cao thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn. Đây cũng chính là hướng đi trong hành trình giảm nghèo của xã. Hiện nay, trên địa bàn xã có hơn 300 người đang làm việc tại các khu, cụm công nghiệp trong nước và đi xuất khẩu lao động, thu nhập bình quân đạt từ 6 đến 9 triệu đồng/người/tháng. Trong đó, Kim Thu Ngà là thôn điển hình có nhiều người đi làm việc ở các khu, cụm công nghiệp trong nước và đi xuất khẩu lao động, kết hợp với phát triển trồng trọt, chăn nuôi, nhất là nuôi trâu bò nhốt chuồng đã giúp cuộc sống ở thôn có những đổi mới, phát triển từng ngày.
Ông Thèn Văn Minh, dân tộc Nùng, Bí thư chi bộ thôn Kim Thu Ngà là người có gần 40 năm làm cán bộ thôn cho biết, từ ngày có các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh mở ra, nhất là vài năm trở lại đây, người ở thôn đi làm ăn xa rất nhiều, gần một nửa số hộ trong thôn có người đi làm trong đó phụ nữ chiếm đa số. Thu nhập ít cũng 5, 6 triệu mỗi tháng, người nhiều thì trên chục triệu đồng/tháng. Đây là hướng đi giúp nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo hiệu quả. Đã có lúc tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống chỉ còn hơn chục hộ nhưng theo chuẩn nghèo đa chiều mới giai đoạn 2021 -2025 thì lại tăng lên thành 79 hộ. Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền về lao động, việc làm thì thôn cũng nhắc nhở người dân giữ gìn những nét đẹp văn hóa truyền thống, duy trì tỷ lệ gia đình đạt văn hóa chiếm trên 97%, trong thôn không có tệ nạn xã hội, cuộc sống ngày càng phát triển…
Rời thôn Kim Thu Ngà trong buổi chiều muộn trên con đường bê tông sạch đẹp, khói lam chiều bảng lảng trên nhiều nóc nhà, bắt gặp cảnh những người đàn ông hối hả đón con đi học về rồi vội vã thổi lửa làm cơm rồi dạy con học bài... Dù vất vả nhưng trên gương mặt những người đàn ông vẫn luôn ánh lên vẻ rạng rỡ. Họ đang nỗ lực cùng một nửa của mình xây đắp tương lai tươi sáng, hạnh phúc mai sau.
Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/phong-su/lang-doi-ngoi-159396.html