Lắng đọng cảm xúc chương trình nghệ thuật 'Miền xa thẳm'
Chương trình chính luận nghệ thuật đặc biệt 'Miền xa thẳm' do Đài Hà Nội tổ chức nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024) nhằm tri ân và tưởng nhớ công lao to lớn của các chiến sĩ đã hy sinh xương máu, viết nên những trang sử hào hùng cho dân tộc. Được dàn dựng công phu, hoành tráng, từng tiết mục của chương trình đã mang đến cho khán giả những cảm xúc sâu lắng, xen lẫn niềm tự hào.
Tối 30/7, tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt – Xô, Đài Hà Nội tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt mang tên “Miền xa thẳm”. Chương trình là một lời tri ân chân thành tới các anh hùng liệt sĩ, và là một dịp để chúng ta cùng nhau nhắc nhớ và ghi ơn những người đã hy sinh vì Tổ quốc.
Tham dự chương trình có các đồng chí: Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Thiếu tướng Trần Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Chính trị, Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam; lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương cùng đông đảo khán giả theo dõi trực tiếp qua sóng truyền hình.
Điểm đặc biệt của “Miền xa thẳm” là ngoài Cung Văn hóa hữu nghị Hà Nội, chương trình còn kết nối với 5 điểm cầu trên khắp cả nước: Đền thờ Anh hùng Liệt sĩ điểm cao 468 (Thanh Thủy, Hà Giang), Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên (Hà Giang), Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9 (Quảng Trị), Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn (Quảng Trị), Nghĩa trang Hàng Dương (Côn Đảo). Đây đều là những nơi linh thiêng, ghi dấu những hy sinh cao cả của các Anh hùng Liệt sĩ. Việc lựa chọn những địa điểm này nhằm tạo ra một không gian kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giúp khán giả cảm nhận sâu sắc hơn về ý nghĩa của sự hy sinh và lòng biết ơn đối với những người đã ngã xuống.
Trong 120 phút, chương trình “Miền xa thẳm” đã thể hiện một không gian nghệ thuật kết nối giữa quá khứ và hiện tại thông qua những tác phẩm nghệ thuật sống mãi với thời gian, như: “Màu hoa đỏ”, “Biết ơn chị Võ Thị Sáu”, liên khúc “Bế Văn Đàn sống mãi, Cùng anh tiến quân trên đường dài”, “Dáng đứng Việt Nam”, “Bài ca bên cánh võng”, “Miền xa thẳm”… được chuyển soạn và phối khí cho dàn nhạc bán cổ điển, mang đến khán giả những cảm xúc sâu lắng, xen lẫn niềm tự hào.
Trong chương trình “Miền xa thẳm”, lần đầu tiên bản gốc của ca khúc “Hát Giang Trường Hận” - tiền thân của bản “Hồn tử sĩ” nổi tiếng - được trình diễn trên sân khấu với tư cách một tác phẩm nghệ thuật độc lập. Điều này đã mang đến một góc nhìn mới, đầy bất ngờ cho khán giả. Hoàn cảnh sáng tác khá đặc biệt của ca khúc gắn liền với những năm tháng tăm tối của đất nước, khi mà dân tộc vẫn chìm trong cảnh vong nô, mất nước. Việc được nghe lại bản gốc “Hát Giang Trường Hận” trong một không gian âm nhạc hiện đại, với bản phối khí mới mẻ, đầy bi tráng sẽ giúp khán giả cảm nhận chiều sâu và ý nghĩa của tác phẩm âm nhạc vốn rất quen thuộc này.
Xen kẽ các bài hát, chương trình còn có các tuyến phóng sự và tiểu phẩm “Bức tâm thư gửi cho hậu thế” là điểm nhấn lấy nước mắt của người xem thông qua câu chuyện cảm động về bức thư được tìm thấy sau chiến tranh giữa rừng già Nam Bộ.
Ca khúc “Bóng chiều Tây Nam” được nhạc sĩ Trương Quý Hải gửi gắm rất nhiều cảm xúc. Khác với những ca khúc trước đây thường gắn liền với hình ảnh những người lính bảo vệ biên giới phía Bắc, “Bóng chiều Tây Nam” hướng về những chiến sĩ tình nguyện đã hy sinh tại chiến trường Campuchia. Đây là một chủ đề ý nghĩa, nhưng ít được khai thác trong âm nhạc Việt Nam. Ca khúc như một lời gọi thiết tha, mong muốn đưa linh hồn các anh trở về với đất mẹ. Hình ảnh “Bóng chiều Tây Nam” gợi lên nỗi nhớ quê hương da diết.
Chương trình “Miền xa thẳm” hội tụ nhiều giọng ca nổi tiếng như: NSND Mai Hoa, NSND Tấn Minh, NSƯT Vũ Thắng Lợi, ca sĩ Đông Hùng, Bảo Yến, Viết Danh… Các tiết mục biểu diễn tại chương trình được lựa chọn từ các tác phẩm âm nhạc kinh điển, gồm: Màu hoa đỏ; Hát Giang trường hận; Biết ơn chị Võ Thị Sáu; Liên khúc: Bế văn Đàn sống mãi – Cùng anh tiến quân trên đường dài; Lời anh vọng mãi ngàn năm; Dáng đứng Việt Nam; Bài ca bên cánh võng; Miền xa thẳm; Liên khúc: Xin đừng gọi anh là Liệt sĩ vô danh – Đồng đội ơi; Về đây đồng đội ơi; Hát cho người còn sống; Lũy đá bất tử; Bóng chiều Tây Nam; Tổ quốc gọi tên mình; Liên khúc: Người Mẹ của tôi – Huyền thoại Mẹ; Linh thiêng Việt Nam…