Lắng đọng lòng người qua từng hiện vật

Trong những ngày Thu lịch sử, nhiều người dân, du khách và các đoàn tham quan đã tới bảo tàng để trực tiếp xem, lắng nghe câu chuyện về những mốc son lịch sử. Mỗi hiện vật, tư liệu chiến tranh về giai đoạn Cách mạng tháng Tám năm 1945 và Quốc khánh 2/9 mang trong mình những câu chuyện riêng, được truyền tải đến người xem với tinh thần 'Không có gì quý hơn độc lập, tự do'.

Lắng lòng từ những kỷ vật

Một ngày cuối tháng 8, trong không khí cả nước đang hướng về kỷ niệm 79 năm Ngày Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Nguyễn Minh Thu - sinh viên trường Đại học Công đoàn Hà Nội dành cho mình trải nghiệm thực tế, thu nhận những kiến thức sâu hơn về lịch sử thông qua những kỷ vật, hiện vật chiến tranh được lưu trữ tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

Nơi đây, mỗi hiện vật, tư liệu chiến tranh về giai đoạn Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và Quốc khánh 2/9 mang trong mình những câu chuyện riêng, được trưng bày trang trọng, như nhắc nhở những người trẻ về một giai đoạn lịch sử oanh liệt, hào hùng của cả dân tộc.

Du khách tìm hiểu thông tin tại không gian trưng bày.

Du khách tìm hiểu thông tin tại không gian trưng bày.

79 năm đã qua đi, những di sản ký ức này không chỉ là câu chuyện của quá khứ mà còn là thông điệp của thế hệ trước gửi lại cho muôn đời sau.“Những kỷ vật này là vô giá, không gì so sánh được. Khi đến đây được xem các thước phim tài liệu, được nhìn thấy các vũ khí, các kỷ vật chiến tranh, những hy sinh quá lớn của các chiến sĩ và nỗi mất mát do chiến tranh gây ra khiến em cảm thấy rất xúc động. Thông qua các buổi học trực quan như thế này, các thế hệ đi sau sẽ có thêm nhận thức và tự hào về Việt Nam”, Nguyễn Minh Thu chia sẻ.

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (28A Điện Biên Phủ, Điện Biên, Ba Đình, Hà Nội) lưu trữ hàng trăm hình ảnh, hiện vật, tư liệu quý liên quan đến cuộc Cách mạng Tháng Tám và buổi Lễ Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945.

Tấm ảnh đen trắng phóng to với dòng chú thích “Lễ đài tại quảng trường Ba Đình, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc “Tuyên ngôn Độc lập” khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 2/9/1945” được đặt ở vị trí trang trọng nhất trong khu trưng bày các tư liệu, hiện vật về Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9/1945. Phía bên dưới là dòng chữ vàng, trên nền đỏ trích từ Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Khu vực này cũng thu hút sự quan tâm, chú ý của rất nhiều người dân, du khách khi tới tham quan, tìm hiểu về kỷ niệm 79 năm ngày Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Vừa chỉ tay hướng dẫn vừa giới thiệu những hiện vật đang trưng bày tại Bảo tàng, cho hai người bạn từ trong nam ra Hà Nội chơi, anh Hoàng Văn Thái (quận Nam Từ Liêm) cho biết, tôi có nhiều người bạn ở khắp mọi miền Tổ quốc. Mỗi lần họ ra đây, tôi sẽ đưa họ đi Bảo tàng nếu có dịp.

“Mỗi lần giới thiệu tới bạn bè cũng chính là khi bản thân cảm thấy rất tự hào về lịch sử hào hùng của dân tộc. Không khí của những ngày thu cách mạng hào hùng. Qua từng hình ảnh, câu chuyện, ta càng thấy được sự dày công vun đắp, xây dựng đất nước của các thế hệ cha ông. Ngắm nhìn, lắng nghe giới thiệu hiện vật trưng bày về Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2.9 mà lòng trào dâng cảm xúc”, anh Thái chia sẻ.

Hay như chị Stéphanie Vũ (sinh năm 2001) trong lần đầu tiên đã đến Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam để tìm hiểu về quá khứ hào hùng của dân tộc Việt Nam. Chậm rãi xem từng hình ảnh, chú thích của những tấm hình, hiện vật được trưng bày, Stéphanie Vũ cho biết, đối với những người sinh ra và lớn lên ở nước ngoài như chúng tôi, được xem, nghe, nhìn những kỷ vật chiến tranh giúp chúng tôi hiểu hơn về những đau thương mất mát mà người Việt Nam đã phải trải qua.

Khu trưng bày còn có bức tượng chân dung nhạc sĩ Văn Cao - kèm theo dòng giới thiệu về vị nhạc sĩ tài ba này - tác giả của bài Quốc ca Việt Nam. Ngay bên cạnh là bản nhạc Quốc ca Việt Nam (Tiến quân ca), bản nhạc đã được cử hành trong Lễ Chào cờ, ngày 2/9/1945.

Tự hào thêm truyền thống vẻ vang

Tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (25 Tông Đản, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), những tài liệu, hiện vật, hình ảnh tiêu biểu được trưng bày ở đây đã mang đến một cái nhìn tổng thể để thế hệ trẻ hôm nay hiểu hơn về lịch sử đấu tranh dành độc lập tự do của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt nhất phải kể đến những hình ảnh, tài liệu, hiện vật về: Lễ Độc lập tại Quảng trường Ba Đình với Quốc kỳ, Quốc ca, Hiến pháp, sưu tập tiền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (hay còn gọi là giấy bạc Cụ Hồ), tem thư… vẫn như còn nguyên vẹn màu mực đen, màu cờ đỏ Sao vàng.

Du khách nước ngoài tham quan không gian trưng bày.

Du khách nước ngoài tham quan không gian trưng bày.

Người xem nhất là những cựu chiến binh đều rưng rưng cảm động như tìm lại được ký ức của mình trong những giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc. Nhiều bạn trẻ hôm nay khi xem hiện vật này đã thấy được sự đóng góp to lớn từ sức mạnh của nhân dân, mỗi người dân Việt Nam bằng tấm lòng cao đẹp với đất nước đã góp từng đồng tiền cũ để giúp Chính phủ mua vũ khí chuẩn bị Tổng khởi nghĩa năm 1945, những tín phiếu Tổ quốc ghi công Mặt trận Việt Minh cấp cho người dân ủng hộ Quỹ cứu quốc vẫn còn nguyên màu giấy hay những chỉ kim tuyến phụ nữ Hà Nội dùng thêu cờ đỏ sao vàng chuẩn bị cho ngày Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945 vẫn còn đậm nét dù đã qua năm tháng thời gian.

Hình ảnh để lại dấu ấn với mỗi người đó là chiếc micro mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập. Hình ảnh Bác đứng trước quảng trường Ba Đình trong nắng mùa thu với tiếng nói vang vọng tuyên bố chủ quyền dân tộc như vẫn còn ngân vang đến tận hôm nay. Hai cuốn sổ ghi chép công việc hàng ngày của Bác Hồ từ ngày 2/9 đến 17/10/1945 là cuốn nhật ký lịch sử cho thấy sức mạnh dân tộc và những quyết sách chiến lược Bác Hồ ghi lại trong từng câu chữ.

Trong kho tàng hình ảnh, hiện vật về lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc được lưu giữ tại nhiều bảo tàng trong cả nước, phần hình ảnh, hiện vật về Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9/1945 khá phong phú, đa dạng, từ văn bản, nghị quyết đến hiện vật chiến tranh, kỷ vật chiến sỹ, đã khái quát nêu bật giá trị thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 - sự kiện lịch sử đã mở ra bước ngoặt lớn của cách mạng, đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Tấm băng khẩu hiệu đã ngả màu theo thời gian với dòng chữ “Toàn dân đoàn kết đánh Tây, đánh Nhật. Việt Nam độc lập. Tổng Bộ vạn tuế, chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa” của nhân dân xã Bảo Cường, Định Hóa, Thái Nguyên, đi biểu tình tuần hành cướp chính quyền tại Thái Nguyên, tháng 8/1945. Chiếc máy thu phát và bộ đàm của Bộ Chỉ huy Giải phóng quân sử dụng ở chiến khu Cao Bắc Lạng năm 1944 và giành chính quyền năm 1945...

Minh Phương

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/lang-dong-long-nguoi-qua-tung-hien-vat-176131.html