Lắng đọng những trang viết gửi từ chiến trường

Trong những trang nhật ký, những lá thư gửi về từ chiến trường, bên cạnh sự lạc quan, tràn đầy khí thế, còn có những tâm sự đầy yêu thương gửi về hậu phương của mình - là cha mẹ, anh chị, là vợ, là con, là bạn gái... PNVN xin trích đăng một số trang nhật ký, lá thư của các Anh hùng, liệt sỹ:

 Ảnh bìa cuốn sách "Dương Thị Xuân Quý - Nhật ký chiến trường"

Ảnh bìa cuốn sách "Dương Thị Xuân Quý - Nhật ký chiến trường"

Thư gửi con gái của liệt sỹ, nhà báo Dương Thị Xuân Quý

14-4-1968, Như Xuân, Thanh Hóa, 3g chiều

Bằng giờ tuần trước mẹ đang tắm cho Ly đấy Ly ơi. Hôm nay là chủ nhật, mẹ và bố chẳng về với Ly được. Ly sẽ phải chịu nhiều ngày chủ nhật vắng mẹ, vắng bố như thế nữa. Nhưng Ly ạ, mẹ tin rằng Ly sẽ khỏe mạnh và lớn lên như nghị lực của mẹ, sức khỏe và ý chí của mẹ.

Chiều nay mẹ ở nhà sàn, giữa một vùng đồi núi trùng điệp của Thanh Hóa. Bây giờ mẹ lại sắp đi tiếp con ạ. Càng ngày mẹ càng xa con thân yêu. Đêm nay chắc trăng sáng lắm, con có đi chơi trăng không? Đêm qua mẹ đã đi giữa một biển trăng rất đẹp. Ánh trăng không chói lọi như những đêm trăng hè mà trăng đêm qua mỏng manh, dịu lặng như lòng mẹ nhớ mong con. Ông trăng tròn xoe cứ chạy theo mà nhòm vào mắt mẹ. Nhìn trăng, mẹ nhớ Ly biết bao! Xe của mẹ phải dừng hai lần và mẹ phải đi bộ một quãng đường vì lầy và xóc ghê gớm. Mẹ ngồi sau cùng, có lúc bánh xe sụt xuống, mặt mẹ gần sát mặt đường. Nhiều đoạn xe nghiêng đi lắc la lắc lư. Nhưng mẹ vẫn vững vàng... Rồi người ta dọa mẹ:

Rồi những lúc đi bộ sẽ thấy nhau.

("Dương Thị Xuân Quý - Nhật ký chiến trường",

Nhà xuất bản Văn hóa -Văn nghệ, trang 16-17)

Thư của liệt sỹ Hoàng Kim Giao gửi người thương: Trích lá thư số 17

Ngày 14/9/1967,

Em thân yêu,

Đi không kịp nói gì với em, không ngờ chúng ta lại phải xa nhau.

Anh không còn địa chỉ để gửi thư cho em nữa, phải nhờ gia đình chuyển giúp, đúng là anh rất đáng trách. Thương anh, em bỏ quá cho anh điều đó.

Ngày đêm mong tin em, càng xa em càng thấy quý trọng những năm tháng gần nhau. Anh tin rằng dù xa nhau rất lâu chúng ta cũng không để mất mát gì. Ngược lại tình cảm yêu thương của chúng ta sẽ lớn lên theo ngày tháng và ngày sum họp với tình yêu đã được ngày tháng tôi luyện. Chúng ta sẽ bù đắp lại được tất cả, phải không em?

Anh nghĩ nhiều đến ngày sum họp nhưng đêm khuya anh chợt rùng mình thấy ớn lạnh sống lưng. Khi đó, ý nghĩ duy nhất để sưởi nóng trái tim anh là tình yêu quê hương, gia đình và em. Những bức tranh sôi động của những ngày sum họp như những thanh củi càng làm lò than rực cháy...

("Sống để yêu thương và dâng hiến",

Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, trang 132- 133)

Nhật ký của liệt sỹ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm

1-6-68

Một buổi sáng như sáng nay, rừng cây xanh tươi sau một trận mưa rào. Không gian trong lành mà sao lòng mình lại ngập tràn thương nhớ, nhớ miền Bắc vô vàn.

Nhớ từ những hàng cây bên đường phố, những cây bàng, cây sấu lá xanh bóng sau những cơn mưa và con đường nhựa sạch sẽ vào những buổi sáng. Nhớ một căn phòng đơn sơ nhưng đầm ấm, buổi sáng râm ran tiếng cười nói chen lẫn tiếng phát thanh của chiếc radio đặt giữa nhà.

Nhớ mẹ, nhớ ba, nhớ Phương và tất cả những người thân yêu ngoài ấy. Bao giờ tiếng súng chiến tranh chấm dứt để ta trở về với miền Bắc yêu thương? Liệu còn có được những ngày đoàn tụ ấy không?

4-6-68

Mưa vẫn cứ rơi hoài. Mưa càng thêm buồn thấm thía và mưa lạnh làm cho người ta thèm khát vô cùng một cảnh sum họp của gia đình. Ước gì có cánh để bay về căn nhà xinh đẹp phố Lò Đúc để cùng bố mẹ và các em ăn một bữa cơm rau muống và nằm trong tấm chăn bông ấm áp ngủ một giấc ngon lành. Đêm qua mơ thấy hòa bình lập lại, mình trở về gặp lại mọi người.

Ôi giấc mơ hòa bình độc lập đã cháy bỏng trong lòng cả 30 triệu đồng bào ta từ lâu rồi. Vì nền hòa bình độc lập ấy mà chúng ta đã hi sinh tất cả. Biết bao người đã tình nguyện hiến dâng cả cuộc đời mình vì bốn chữ độc lập, tự do. Cả mình nữa, mình cũng đã hi sinh cuộc sống riêng mình vì sự nghiệp vĩ đại ấy.

("Ngọn lửa tuổi hai mươi",

Nhà xuất bản trẻ, trang 146 - 147)

PNVN

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/lang-dong-nhung-trang-viet-gui-tu-chien-truong-20220727111230741.htm