Lắng đọng tâm hồn Huế
Nếu ở Huế, người ta sống đủ lâu và cảm nhận đủ sâu thì sẽ mang nỗi nhớ da diết ra đi không đành...
Không biết từ lúc nào tôi yêu thích nghe nhạc Huế, có giai điệu rất riêng, sâu lắng, đậm đà và dịu dàng. Những bài nhạc Huế có ca từ đẹp như thơ khiến người nghe cảm thấy lưu luyến, nhớ nhung da diết, khát khao một lần quay trở lại. Cảnh vật Huế mang nét trầm tư, lặng lẽ khiến bước chân người dạo phố chậm lại để ngẩn ngơ: “Huế ơi ta nhớ muôn đời/ Bóng trăng hồ sen trong Hoàng thành/ Tiếng chuông từng đêm Thiên Mụ buồn/ Ta nhớ muôn đời người con gái Huế quá xinh” (Huế xưa)...
Huế đẹp và lưu luyến đến vậy mà ở một khía cạnh nào đó một số lượng lớn du khách vẫn cho rằng Huế buồn chán, không muốn quay trở lại. Có phải chăng họ chưa dành thời gian đủ lâu, để tâm hồn chậm lại mà cảm nhận được chất thơ quyến rũ, lãng mạn, u buồn của Huế; dòng sông Hương êm đềm xuôi chảy đã làm say lòng bao văn nhân thi sĩ sáng tác những tuyệt phẩm để đời đi cùng năm tháng. Chiều chiều, chúng ta thử lòng vòng quanh Thiên An, đi dưới đồi thông để thưởng thức nắng và gió quyện vào nhau mới thấy tâm hồn thư thái đến ngần nào. Đứng trên đồi Vọng Cảnh nhìn Quần thể di tích Cố đô, mở rộng tầm mắt ngắm Huế đằm thắm, trong lành, bình yên, nơi để tất cả du khách mọi miền đất nước và hải ngoại một lần đến là muốn quay trở lại. Vì ở đây họ sẽ tìm thấy sự yên ả, thoải mái sau những ngày dài làm việc căng thẳng.
Nhớ lại lần đầu tiên du lịch tại Đà Lạt 3 ngày, tôi đã thưởng thức ẩm thực, đặc sản nông nghiệp, cảnh đồi núi, suối thác và kiến trúc cổ. Những gì còn đọng lại cho đến bây giờ và luôn thôi thúc tôi nhớ về Đà Lạt là nơi có không khí se lạnh mỗi khi thức dậy, thời gian chưa bao giờ vội vã để dạo trên những con đường dốc thưởng thức một cốc cà phê. Lần gần nhất được đi du lịch Hội An, điều làm tôi mê mẩn không phải là món cơm gà Hội An, cũng không phải là không khí tấp nập người qua lại mà là “hồn cốt” mang nét cổ kính của khu phố này. Tôi và bạn bè có thể ngồi hàng tiếng đồng hồ ban đêm trên một ban công ngôi nhà cổ, tận hưởng sự yên tĩnh, ngắm ánh đèn vàng từ những chiếc lồng đèn nhỏ. Điểm chung của hai địa điểm gây thương nhớ trên là chúng tôi có nhiều thời gian để tự do trải nghiệm, tận tưởng được cái hồn tự nhiên mà vùng đất đó sinh ra.
Nếu ở Huế, người ta sống đủ lâu và cảm nhận đủ sâu thì sẽ mang nỗi nhớ da diết ra đi không đành. Thời còn là sinh viên, mỗi lần phải lên đường vào Nam tôi có thói quen chạy quanh một vòng quanh thành phố Huế để ghi nhớ từng con phố quen, dòng sông Hương thơ mộng, trường Quốc Học gắn bó thời học sinh, những quán quen la cà với bạn bè để mang ký ức đó vào với Sài Gòn. Khi đến Sài Gòn thì ngày tôi mong chờ nhất là dịp hè và lễ, tết để được về thăm Huế. Gần đây, một chị làm du lịch lâu năm nhận xét rằng, du khách thèm trải nghiệm dậy sớm ở Huế, cùng tham gia chạy bộ, đạp xe, đá cầu cùng với mọi người; thèm được ngồi uống ly trà, cà phê và ra rả chuyện trên trời dưới đất; rồi thoải mái thưởng thức một tô bún bò, cơm hến trước khi làm việc.
Đặc sản ở Huế khiến người ta nhớ mãi có thể là sự thong dong, chậm rãi không xô bồ để có thể cảm nhận sâu sắc hơn cuộc sống mà theo xu hướng hiện nay là “chữa lành”. Đôi khi chúng ta cố gắng tìm giải pháp để phát triển nhiều sản phẩm dịch vụ, ẩm thực, nghỉ ngơi để níu chân du khách thì thuyết phục những ai ghé đến trải nghiệm một phần thói quen, văn hóa nếp sống Huế sẽ làm lưu luyến họ một cách tự nhiên hơn.