Làng du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu - điểm đến hấp dẫn mới ở Kon Tum

Xã Đăk Rơ Wa nằm phía Đông Nam Tp. Kon Tum, với địa hình đồi núi thấp, có nhiều hệ thống sông suối chảy qua như sông Đăk Bla, suối Đăk Htô, suối Teng Tong, suối Đin Jar, suối Hơ Lang,... gắn với rừng cây, nương rẫy tạo ra cảnh quan thiên nhiên hài hòa, hội tụ được nét đẹp riêng của vùng đất Tây Nguyên. Nơi đây còn có nhiều điểm tham quan như cầu treo Kon Klor, nhà Nguyện thôn Kon Kơ Tu, thôn Kon Jơ Dri, nhà rông văn hóa 5 thôn được xây dựng theo kiến trúc và bằng vật liệu truyền thống.

Toàn cảnh làng du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu

Toàn cảnh làng du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu

Hiện nay trên địa bàn xã có 5 thôn đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó thôn Kon Kơ Tu có lợi thế riêng về địa hình, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, vị trí giao thông khá thuận tiện, đặc biệt là lưu giữ được nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Bahnar. Nằm ven bên bờ sông Đăk Bla thơ mộng, Kon Kơ Tu là một trong những làng cổ nhất trên địa bàn Tp. Kon Tum nói chung và trên địa bàn xã Đăk Rơ Wa nói riêng. Làng Kon Kơ Tu còn giữ được nét kiến trúc mang đặc trưng riêng của người Bahnar, tỷ lệ nhà sàn truyền thống chiếm trên 50%. Các ngôi nhà sàn được xây dựng xung quanh nhà Rông văn hóa, nhà nguyện, cùng quay mặt về hướng Nam. Theo quan niệm của người Bahnar, đây là hướng mang lại sự may mắn, thuận lợi cho việc làm ăn và yên ổn trong cuộc sống. Cầu thang lên nhà là thân cây gỗ, được đục, đẽo khá công phu làm nơi lên xuống. Những kiến trúc, chất liệu của nhà sàn gắn liền với thiên nhiên, tiện lợi với cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của bà con bản địa.

Biển chỉ báo dẫn vào làng

Biển chỉ báo dẫn vào làng

Đến đây, du khách không chỉ được hòa mình vào đời sống, sinh hoạt hàng ngày của người dân, làm quen với dân ca, nhạc cụ truyền thống qua giao lưu cồng chiêng - múa xoang và một số lễ hội truyền thống (Lễ Bổn mạng, Lễ mừng lúa mới); thưởng thức các món ăn đặc trưng mang phong cách riêng của người dân tộc thiểu số bản địa như cơm lam, gà nướng địa phương, cá sông nướng và các loại củ, quả, rau rừng,... mà còn có dịp trải nghiệm những hoạt động thú vị như đi rẫy, chèo thuyền trên sông, đan lát tre nứa, dệt thổ cẩm, chế tác nhạc cụ, tạc tượng gỗ, chế biến rượu ghè qua các tour du lịch “1 ngày với buôn làng”, “1 ngày làm người Bahnar”… Hình thức lưu trú tại nhà dân (homestay) được các gia đình ở làng Kon Kơ Tu đưa vào hoạt động cũng thu hút đáng kể du khách đến tham quan và trải nghiệm, tạo thêm ấn tượng về Làng du lịch cộng đồng.

Theo số liệu thống kê, mỗi năm có khoảng từ 700 đến 900 lượt khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm tại làng du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu, trong đó có khoảng 300 khách quốc tế, tập trung ở độ tuổi từ 20-50 tuổi. So với các năm trước đây hằng năm số lượng khách du lịch đến với Làng du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu tăng từ 10-20%.

Nhà sàn Homestay sạch sẽ và xinh xắn

Nhà sàn Homestay sạch sẽ và xinh xắn

Những năm gần đây, UBND xã đã chủ động phối hợp với các ngành chuyên môn tổ chức và tham gia các lớp tập huấn như các lớp dạy đánh cồng chiêng, múa xoang; lớp chế biến rượu ghè; lớp dạy nấu ăn, lớp kinh doanh Homestay, lớp dệt thổ cẩm,… nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, du lịch đầu tư các công trình giao thông, công trình công cộng như: đường vào làng du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu (giai đoạn 1), kè chống sạt lở, nhà vệ sinh, sân nhà rông, bãi đậu xe, giếng đào, thùng rác, hệ thống điện chiếu sáng, bãi tập kết rác, cổng chào, bậc lên xuống...

Theo ông Đào Văn Hậu - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đăk Rơ Wa, để phát triển làng du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu địa phương sẽ tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch, khuyến khích, động viên người dân duy trì và phát triển các giá trị văn hóa, ngành nghề truyền thống của người Ba Na để thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm, tìm hiểu nét đẹp văn hóa, đời sống đồng bào tại chỗ. Bên cạnh đó, tiếp tục hướng dẫn người dân cách làm du lịch theo hướng gắn kết du lịch cộng đồng với du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, trong đó ưu tiên và chú trọng phát triển mô hình du lịch vườn theo hướng nhân rộng các vườn cây ăn trái theo mô hình Vietgap như: chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, xoài,... để thu hút du khách tham quan trải nghiệm, thưởng thức trái cây ngon, rẻ và sạch góp phần tạo ra sự liên kết bền vững giữa nông nghiệp xanh và dịch vụ - du lịch trên địa bàn xã; phối hợp với các cơ quan chuyên môn cấp trên tổ chức rà soát đăng ký các lớp đào tạo ẩm thực, chế biến rượu cần, dệt thổ cẩm gắn với định hướng phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn xã nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch.

Lớp dạy thổ cẩm truyền thống

Lớp dạy thổ cẩm truyền thống

“Ngoài ra, địa phương sẽ sớm triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý dịch vụ du lịch, quảng bá, giới thiệu sản phẩm; các thông tin về thời tiết, kinh phí theo tour, lộ trình đến các điểm du lịch, đặc điểm nơi đến… để du khách chủ động chuẩn bị, tham gia hoạt động trải nghiệm tại đây”, ông Đào Văn Hậu nhấn mạnh.

(Theo Baodulich.net)

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/dulich/202007/lang-du-lich-cong-dong-kon-ko-tu-diem-den-hap-dan-moi-o-kon-tum-3014454/