Làng du lịch… không ồn ã
Khi Tân Hóa-một vùng quê 'rốn lũ' của huyện Minh Hóa được Tổ chức Du lịch thế giới vinh danh là Làng du lịch tốt nhất năm 2023, đã có nhiều thắc mắc và cả những tranh luận. Hoạt động du lịch không phát triển rộn ràng như nhiều làng du lịch cộng đồng khác nhưng vì sao Tân Hóa vẫn 'chạm tay' vào giải thưởng danh giá này? Và điều gì nơi làng quê bé nhỏ giữa bốn bề núi đá lại có sức hấp dẫn mạnh mẽ với du khách gần xa?
Trong bài phát biểu nhân dịp công bố giải thường Làng du lịch tốt nhất (BTV) của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) năm 2023 tại Uzbekristan, ông Zurab Pololikashvili, Tổng thư ký UNWTO đã nói về lý do và động lực để UNWTO hình thành giải thưởng và xây dựng mạng lưới làng du lịch tốt nhất thế giới.
Trong bài phát biểu, ông đã nhấn mạnh rằng, với tốc độ của đô thị hóa nhanh chóng như hiện nay thì những ngôi làng truyền thống sẽ dần biến mất cùng những di sản và phong tục tập quán. Thế hệ con cháu của chúng ta sẽ không có cơ hội biết về những ngôi làng ở nông thôn, nơi ông cha họ đã từng sinh ra và có một thời tuổi tuổi thơ đẹp đẽ.
Sáng kiến BTV của UNWTO ra đời từ năm 2021, là một phần trong chương trình phát triển du lịch vùng nông thôn của UNWTO. Mục đích của sáng kiến là biến du lịch trở thành một động lực tích cực nhằm chuyển đổi, phát triển nông thôn và phúc lợi cộng đồng. Từ đó nâng cao vai trò của du lịch trong nâng cao giá trị và bảo vệ các làng nông thôn có cảnh quan đẹp, xây dựng hệ thống kiến thức, sinh học và văn hóa liên quan tính đa dạng, giá trị và hoạt động địa phương.
UNWTO không có chủ trương vinh danh những ngôi làng có du lịch phát triển hay những ngôi làng đã nổi tiếng trên toàn thế giới, thay vào đó là những làng du lịch phù hợp với các tiêu chí phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Trong đó, dân số của làng không quá 15.000 người, nằm trong những khu vực có cảnh quan thiên nhiên đặc sắc và có sự hiện diện của việc bảo tồn văn hóa, phong tục tập quán của địa phương, có sự chia sẻ giá trị cộng đồng và lối sống.
Năm 2022, có tổng số 32 làng du lịch từ 18 nước trên khắp thế giới đã được công nhận và trao giải thưởng. Năm 2023 có 260 làng du lịch từ 60 nước trên thế giới tham gia giải thưởng này. Tân Hóa là làng duy nhất của Việt Nam được UNWTO bầu chọn trong tổng số 54 làng trên thế giới được trao giải thưởng năm nay.
Giải thưởng này đặc biệt vì nó không phải nhận xong là chấm hết. Ngược lại, khi một làng đạt được giải thưởng BTV, tức là làng đó cũng trở thành thành viên của mạng lưới BTV toàn cầu. Đây là nơi để trao đổi kinh nghiệm, cơ hội và các phương pháp tốt, học hỏi giữa các thành viên. Mạng lưới cũng mở cửa cho các chuyên gia và đối tác trong cả công và tư nhân đóng góp vào việc thúc đẩy du lịch như một động lực cho phát triển nông thôn.
Để tìm ra chủ nhân xứng đáng nhất với giải thưởng danh giá này, UNWTO đã thành lập hội đồng chấm giải gồm các chuyên gia về phát triển bền vững, đại diện cho các trường đại học và viện nghiên cứu hàng đầu về phát triển du lịch. Tiêu chí đánh giá sẽ tập trung vào 9 lĩnh vực: Tài nguyên văn hóa và thiên nhiên; phát huy và bảo tồn tài nguyên văn hóa; tính bền vững kinh tế; tính bền vững xã hội; tính bền vững môi trường; phát triển du lịch và tích hợp chuỗi giá trị; quản trị và ưu tiên du lịch; cơ sở hạ tầng và kết nối; sức khỏe, an toàn và an ninh.
Để Tân Hóa trở thành làng duy nhất của Việt Nam ghi danh vào những Làng du lịch tốt nhất năm 2023 là cả một hành trình dài hơi với sự định hướng và đầu tư bài bản theo chuẩn của UNWTO.
Theo đánh giá của UNWTO, Tân Hóa nhận được giải thưởng danh giá này trước hết bởi tính thích nghi với các mùa. Là địa phương luôn được biết đến là vùng “rốn lũ” nhưng từ năm 2017 đến nay, với sự đầu tư, hỗ trợ của Oxalis, các hoạt động du lịch tại Tân Hóa đã hướng đến khả năng thích ứng với thời tiết.
Từ việc điều chỉnh mốc thời gian phù hợp, an toàn cho các tour khám phá hệ thống hang động Tú Làn đến việc ra đời mô hình homestay thích ứng thời tiết từ chính các căn nhà nổi của người dân. Sự thay đổi này đã tạo dấu ấn đậm nét, riêng có cho du lịch Tân Hóa, cũng chính là điều tạo nên sức hút đặc biệt cho du lịch địa phương này.
Như các tiêu chí mà UNWTO đưa ra, Tân Hóa coi việc bảo tồn văn hóa địa phương là một trong những ưu tiên hàng đầu. Đi qua bao đổi dời của thời cuộc, những nét văn hóa truyền thống, phong tục tập quán gắn bó với người Tân Hóa từ lâu đời vẫn được bảo tồn, gìn giữ cho đến hôm nay. Ngoài ra, một trong những lý do để Tân Hóa vượt qua nhiều đối thủ đến từ nhiều quốc gia trên thế giới chính là việc địa phương khuyến khích người dân tự kinh doanh độc lập và trở thành một phần của chuỗi cung ứng du lịch.
Trong định hướng phát triển của Oxalis luôn xác định người dân chính là đối tác chứ không phải là đối tượng cần nhận hỗ trợ. Tại Tân Hóa, người dân tham gia vào nhiều hoạt động dịch vụ du lịch khác nhau và là mắt xích quan trọng góp phần tạo nên giá trị dịch vụ phục vụ du khách.
Kể từ khi đạt giải, Tân Hóa thường xuyên đón các đoàn tham quan, học hỏi kinh nghiệm làm du lịch đến từ nhiều nơi trên cả nước. Họ thích thú bởi những nét đặc trưng của làng quê Tân Hóa và coi đây như một mô hình cần được quan tâm nhân rộng.
Sau sức nóng của hàng loạt sự kiện BTV, du khách nước ngoài đến với Tân Hóa ngày càng nhiều hơn. Không chỉ dừng lại ở việc khám phá hệ thống hang động, họ thích thú với những trải nghiệm bình dị ở như đạp xe, thưởng thức ẩm thực địa phương hay đơn giản là nhìn ngắm cuộc sống lao động thường ngày của người dân bản địa.
Du lịch cộng đồng ở Tân Hóa cũng đang từng ngày tạo được ấn tượng, khi ngoài thưởng thức các món ăn dân dã, du khách nước ngoài còn được trải nghiệm đâm pồi, nghe kể về đời sống và phong tục tập quán của địa phương.
Mọi trải nghiệm đều mang đến những giá trị khác biệt, tạo nên sức hút cho khách du lịch khi đặt chân đến làng quê này. Anh Mike Hilton, du khách đến từ Mỹ chia sẻ: “Sau một ngày khám phá hang động, tôi đã dành thêm một ngày nữa để đạp xe vòng quanh ngôi làng. Nơi đó, những cánh đồng, làng mạc thực sự hấp dẫn tôi bởi sự yên bình. Với tôi, dành một ngày để trải nghiệm cuộc sống ở làng quê này chính là một trải nghiệm vô cùng giá trị và đáng nhớ”.
Trước khi là BTV, Tân Hóa đã manh nha các hoạt động du lịch từ hơn 10 năm trước. Đến nay, dù sức nóng của giải thưởng đã thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước nhưng Tân Hóa vẫn giữ được nét bình yên vốn sẵn. Khoác lên “tấm áo” làng du lịch tốt nhất nhưng nơi đây không có cảnh chộn rộn, ồn ã, không có cảnh tranh giành, giá cả “chặt chém” như thường thấy tại các làng du lịch khác.
Cuộc sống bình yên vẫn chảy trôi như trước nay vẫn vậy. Người dân vẫn sống cuộc đời bình dị bên trong những căn nhà nổi đặc trưng. Với họ, dù có là cư dân của làng du lịch tốt nhất hay không thì họ vẫn làm du lịch bằng tất cả tấm chân tình, sự đôn hậu, chân chất vốn sẵn.
Nếu bạn đến Tân Hóa mà vẫn thấy ngôi làng bình yên, không xáo trộn, trải nghiệm dịch vụ với mức giá bình thường thì đó chính là phát triển bền vững. Trong tương lai, số lượng khách đến Tú Làn, đến Tân Hóa sẽ tăng nhưng mức độ chậm và vừa phải để bảo đảm tính bền vững ấy.
Làm du lịch nhưng không làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân, không làm biến dạng hay quá tải cho ngôi làng, không gây ảnh hưởng đến môi trường. Đó chính là chỉ dấu du lịch bền vững theo tiêu chuẩn của UNWTO.
Ảnh:
Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202401/lang-du-lich-khong-on-a-2215447/