Lạng Giang: Nâng tầm nông sản

Mở rộng liên kết sản xuất, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, tiêu thụ các sản phẩm OCOP đặc trưng… là hướng đi được nhiều nông dân Lạng Giang lựa chọn. Qua đây giúp đa dạng hóa nông sản, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nâng cao đời sống người dân.

Sạch, độc đáo

Khu vực trang trại của Hợp tác xã (HTX) Hồ Hố Cao, xã Hương Sơn nằm cách xa khu dân cư, bao bọc xung quanh là hồ nước. Trên triền đồi rộng khoảng 10 ha, các khu chuồng trại được quy hoạch, xây dựng khoa học, hợp lý. Vị trí này giúp trang trại dễ dàng thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, hạn chế nguy cơ lây lan. Anh Hoàng Lê Hải (SN 1987), Giám đốc HTX nói: “Trước đây gia đình tôi nuôi gà phẩm cấp thấp, giá bán rẻ, tiêu thụ khó khăn do người tiêu dùng ngày càng yêu cầu cao về chất lượng. Nhận ra điều đó, tôi chuyển hướng sang nuôi gà thịt và gà cung cấp trứng bằng giống gà Mông, gà ta, dù giá có đắt hơn nhưng được thị trường đón nhận”.

 Du khách thăm vườn nho của gia đình chị Nguyễn Thị Hòa ở thôn Cầu Đen, xã Quang Thịnh. Ảnh: CTV.

Du khách thăm vườn nho của gia đình chị Nguyễn Thị Hòa ở thôn Cầu Đen, xã Quang Thịnh. Ảnh: CTV.

Hành trình chuyển đổi của anh Hải kéo dài nhiều năm, lúc đầu sản phẩm chưa ưng ý, anh tìm tòi cách chế biến thức ăn, bổ sung dinh dưỡng để thịt và trứng gà ngon hơn. Nhiều lần anh mang biếu sản phẩm cho mọi người nhằm thu nhận ý kiến phản hồi để điều chỉnh. Sau đó hình thành mô hình chăn nuôi bán chăn thả, gần với môi trường tự nhiên. Gà được cho ăn đủ chất, nói không với thuốc tăng trọng nên khỏe mạnh, cho thịt, trứng hợp khẩu vị người tiêu dùng. Đến nay, HTX có 7 thành viên, thường xuyên duy trì nuôi khoảng 10 vạn gà đẻ trứng và 1 vạn gà thịt, doanh thu bình quân 500 triệu đồng/tháng.

Anh Hải đầu tư hơn 6 tỷ đồng cho hệ thống chuồng nuôi, máy sơ chế thức ăn, phòng khử khuẩn, bảo quản trứng. Gà thịt và trứng được công nhận đạt chuẩn VietGAP. Sản phẩm cung cấp đến nhiều chuỗi cửa hàng tự chọn, tiện ích ở Bắc Giang, Bắc Ninh, TP Hà Nội... đều được đóng hộp, dán tem ghi rõ địa chỉ sản xuất. Sắp tới, anh Hải tiếp tục khai thác hiệu quả diện tích mặt nước, nuôi cá để xuất khẩu, hứa hẹn có thêm sản phẩm độc đáo, an toàn từ vùng đất Hương Sơn.

Những năm gần đây, nông dân trong huyện tích cực tham gia phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Nhiều mô hình, cách làm hay được bà con đúc kết, mạnh dạn làm ra sản phẩm độc đáo, không chạy theo số đông. Xã Quang Thịnh có nhiều vạt đồi khô cằn, qua khảo sát cho thấy chất đất phù hợp với cây nho nên một số hộ trồng thử nghiệm giống nho Hạ đen. Gia đình chị Nguyễn Thị Hòa ở thôn Cầu Đen là một trong những hộ sớm trồng loại cây này, đến nay đã có hơn 1,5 nghìn gốc.

Chị Hòa chia sẻ: “Với sự giúp đỡ về kỹ thuật của đơn vị cung cấp giống, gia đình tôi đầu tư xây dựng nhà màng, hệ thống giàn bằng kim loại, sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc trừ sâu sinh học, tưới bằng nguồn nước sạch nên cây nho sinh trưởng tốt, sau 3 năm nho cho thu hoạch. Vụ này, nho được giá nên gia đình tôi ước thu hơn 500 triệu đồng”. Hiện nay, xã Quang Thịnh có hơn 10 ha trồng nho, ngoài giống Hạ đen, một số hộ đang đưa giống nho sữa Hàn Quốc vào canh tác, đồng thời kết hợp kinh doanh du lịch, đón khách đến thăm các vườn nho để tăng thu nhập. Xã từng bước hình thành vùng sản xuất tập trung các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh.

Giúp nông dân làm giàu

Năm nay, toàn huyện có hơn 18,3 nghìn hộ nông dân đăng ký đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi. Nhằm tạo điều kiện để nông dân nâng cao thu nhập, các cấp hội đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế.

 Sản phẩm gà thương phẩm của Hợp tác xã hồ Hố Cao, xã Hương Sơn.

Sản phẩm gà thương phẩm của Hợp tác xã hồ Hố Cao, xã Hương Sơn.

Cùng đó giúp hội viên tiếp cận các chính sách phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, tuần hoàn, chuyển đổi số trong sản xuất, liên kết hợp tác trong tiêu thụ nông sản. Vận động 100% hộ hội viên ký cam kết xây dựng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, an toàn sinh học. Từ những chuyển biến tích cực trong nhận thức, nhiều nông sản bảo đảm an toàn như: Rau, nấm, gà, thịt lợn sạch được người tiêu dùng ưa chuộng.

Trên địa bàn Lạng Giang hiện có 27 sản phẩm được công nhận đạt OCOP 3 sao như: Mỳ gạo Hương Lạc, mật ong Yên Mỹ, xôi sắc màu Hương Sơn, thịt lợn sạch, chả lụa, bưởi Quang Thịnh… Huyện ưu tiên phát triển sản phẩm của các HTX, phấn đấu đến năm 2025 có hơn 90% chủ thể OCOP là HTX; 10% là hộ gia đình cá thể.

Thời gian tới, huyện tập trung duy trì các sản phẩm OCOP đã được công nhận; nâng hạng và định hướng phát triển các sản phẩm chủ lực, có thế mạnh tham gia chương trình OCOP. Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, liên kết sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng. Hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất nâng cao chất lượng, thiết kế bao bì, tiếp cận, mở rộng thị trường tiêu thụ rộng hơn. Tổ chức đánh giá, xếp hạng theo đúng quy định và đề nghị cấp tỉnh đánh giá, xếp hạng sản phẩm cấp huyện. Thực hiện tốt các hoạt động tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại.

Ông Lê Công Sỹ, Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết, để thực hiện mục tiêu của năm, các cấp hội thực hiện việc nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Xây dựng và nhân rộng các mô hình điểm, mô hình liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. Chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế hợp tác, kinh tế trang trại. Hiện nay, Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp cho 112 hộ vay hơn 6,66 tỷ đồng. Các cấp hội tín chấp với Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT giúp hội viên vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, tổng dư nợ đến nay hơn 143,6 tỷ đồng cho 1.241 hội viên vay. Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho hội viên nông dân vay với tổng dư nợ hơn 197,8 tỷ đồng.

Quốc Phương

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/lang-giang-nang-tam-nong-san-074006.bbg