Làng gốm 500 năm tuổi ở Hội An tất bật cuối năm, ra mắt linh vật tết Ất Tỵ
Sau chuỗi ngày miệt mài nhào nặn, những nghệ nhân tại làng gốm 500 năm tuổi ở Hội An sắp sửa trình làng linh vật rắn để trưng bày, phục vụ du khách đến check-in trong dịp tết Ất Tỵ.
Nằm bên sông Thu Bồn, sở hữu vẻ đẹp mộc mạc, làng gốm Thanh Hà là địa điểm tham quan mang dấu ấn đặc trưng ở Hội An, được nhiều du khách yêu thích.
Nơi đây hiện còn khoảng 40 hộ làm nghề, với 68 lao động trực tiếp tham gia sản xuất gốm và hoạt động phục vụ du lịch. Năm 2024, làng gốm đón hơn 550.000 lượt khách, doanh thu đạt hơn 17 tỷ đồng.
Hằng năm, cứ cuối tháng 12 âm lịch, ngôi làng 500 tuổi này lại hối hả đỏ lửa, chuẩn bị cho "vụ mùa" gốm Tết. Bên cạnh những sản phẩm để bán, các nghệ nhân trong làng còn chế tác tượng linh vật để trang trí tại các địa điểm công cộng.
Theo ông Trương Hướng, Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Hà, năm nay, địa phương "đặt hàng" các nghệ nhân chế tác 3 cặp linh vật rắn bằng đất nung với hình dáng, sắc thái khác nhau để trưng bày dọc tuyến đường dẫn vào làng gốm.
Gần 1 tháng nay, anh Lê Văn Nhật (36 tuổi), một trong số những thợ trẻ có tiếng ở làng gốm trứ danh xứ Quảng đã tạm gác lại công việc thường nhật để dồn toàn tâm, toàn sức chế tác linh vật rắn.
Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm gốm, anh Nhật được truyền nghề từ năm 15 tuổi. Mỗi ngày, anh nhào nặn đất sét để làm chén, bát, chum, vại,... Khi Hội An phát triển du lịch, làng gốm Thanh Hà thu hút du khách, anh mở cơ sở tại nhà.
Cuối 2024, sau khi nhận được đơn đặt hàng làm cặp linh vật rắn từ phường Thanh Hà, anh Nhật lên ý tưởng làm tượng rắn Rồng (rắn hổ ngựa), với thần thái hiền lành.
"Tôi muốn người xem thiện cảm hơn với linh vật năm nay, vì vậy đã chọn làm tượng rắn Rồng. Đây là loại rắn rất quen thuộc với người Việt Nam", anh Nhật bộc bạch.
Theo anh Nhật, để cho ra một sản phẩm rắn bằng gốm phải thực hiện nhiều công đoạn thủ công, từ tạo hình nặn cốt, gọt tỉa, khắc họa... rất cầu kỳ.
Đầu tiên phải chọn loại đất sét ở lòng sông Thu Bồn, rồi làm sạch. Đất càng sạch thì chất lượng sản phẩm làm ra càng đẹp, càng bền. Sau đó, tùy theo từng hình dạng kích cỡ của linh vật mà người thợ nhào nặn cho phù hợp.
Công đoạn tạo dáng cho rắn là bước khó nhất, phải làm sao cho có phong thái, vừa thể hiện được sự mềm mại uyển chuyển và giữ được thế vươn thẳng mà không ngã đổ.
Ngoài ra, khâu khắc vảy rắn cũng đòi hỏi phải có sự tỉ mỉ. Anh mất 4 ngày mới đánh xong vảy cặp rắn bằng gốm này. Tổng thời gian hoàn thành 2 tượng là hơn 20 ngày.
"Trước đó, tôi đã hoàn thành 1 cặp linh vật nhưng nhìn lại vẫn chưa được ưng ý lắm, nên tôi quyết định chế tác thêm một cặp khác với dáng đẹp hơn, uyển chuyển hơn.
Với dáng trực, quấn tròn và vươn thẳng từ dưới lên cao, cặp rắn Rồng này thể hiện mong ước một năm làm ăn khởi sắc, phát triển thuận lợi", anh Nhật chia sẻ.
Cách cơ sở của anh Nhật khoảng 300m, anh Nguyễn Viết Lâm (28 tuổi) cũng là 1 trong 3 thợ gốm tài hoa được chọn làm tượng linh vật cho làng năm nay.
Anh hào hứng chia sẻ, mình vừa nặn xong cặp linh vật rắn hổ chúa mang dáng vẻ mạnh mẽ với hình dáng cuộn tròn hai khúc, cao và rộng khoảng 50cm.
Cổ rắn được tô điểm bằng đóa hoa sen mang ý nghĩa mạnh mẽ, cầu mong tất cả mọi người năm mới sức khỏe, may mắn và mọi việc đều hanh thông.
"Cuối năm trời mưa liên tục khiến việc dựng phôi gặp khó khăn. Đất sét ướt nên bỏ lên cao gặp trời mưa lâu mới khô, mất nhiều thời gian", anh Lâm nói và tiết lộ thêm, phường có hỗ trợ kinh phí cho 3 thợ gốm làm linh vật nhưng không nhiều.
"Tôi không nặng về thu nhập mà muốn thổi hồn vào gốm và trên hết là quảng bá sản phẩm gốm của Hội An tới nhiều du khách", anh Lâm trải lòng.
Đang thổi lửa để nung cặp linh vật rắn vừa hoàn thiện, nghệ nhân gốm Nguyễn Văn Xê (68 tuổi) cho biết, so với nhiều linh vật khác như rồng, gà thì hình tượng rắn dễ làm hơn vì ít chi tiết.
Tuy nhiên, trong cái dễ cũng có cái khó, đòi hỏi người thợ phải phác họa được thần thái của linh vật rắn và sao cho gần giống với thực tế.
Ngoài chế tác 3 cặp linh vật để trưng bày, những ngày này, các thợ gốm tại Thanh Hà cũng đang tất bật sáng tạo, chế tác những sản phẩm gắn liền với hình tượng con rắn để bán cho khách tham quan.
Ông Nguyễn Thành Long (72 tuổi) hồ hởi nói, những tháng cuối năm, khách đến với làng gốm nhiều hơn, mang lại niềm phấn khởi cho người dân trong làng, bởi phần lớn doanh thu sản phẩm gốm nơi đây phụ thuộc vào du lịch.
"Tôi vừa chế tác xong 100 tượng rắn bằng gốm để bán cho du khách, giá 150.000 đồng một con", ông Long khoe.